Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan sau cuộc tập trận tấn công của Trung Quốc

Một tàu chiến và một tàu tuần duyên của Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan hôm thứ Sáu (27/8). Đây là hoạt động mới nhất mà Washington gọi là các hoạt động thường lệ thông qua tuyến đường thủy nhạy cảm ngăn cách Đài Loan với Trung Quốc.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Kidd của Hải quân Hoa Kỳ vừa đi qua eo biển Đài Loan ngay sau cuộc tập trận tấn công của Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Bài liên quan

Trung Quốc tập trận tấn công gần Đài Loan sau các “hành động khiêu khích”

Ngoại trưởng Trung Quốc chỉ trích việc Mỹ vội vã rút khỏi Afghanistan

Nga thảo luận với Mỹ, Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Afghanistan

Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng quân sự gia tăng trong hai năm qua giữa Đài Loan và Trung Quốc, và sau cuộc tập trận tấn công của Trung Quốc vào tuần trước, với các tàu chiến và máy bay chiến đấu tập trận ngoài khơi phía tây nam và đông nam của hòn đảo.

Hải quân Mỹ cho biết trong một tuyên bố, tàu Kidd, một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, cùng với tàu tuần duyên Munro, đã quá cảnh "qua các vùng biển quốc tế theo luật pháp quốc tế".

"Việc các tàu di chuyển hợp pháp qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quân đội Hoa Kỳ bay, chèo thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép", tuyên bố nói.

Hải quân Mỹ đã tiến hành các hoạt động như vậy hàng tháng hoặc lâu hơn khiến Trung Quốc tức giận, khi họ vốn coi Đài Loan là lãnh thổ không thể tách của mình và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo vào quyền kiểm soát của mình.

Hôm thứ Bảy (28/8), Trung Quốc gọi hành động này của Mỹ là "khiêu khích", nói rằng Bộ Tư lệnh Quân khu phía Đông của Quân Giải phóng Nhân dân đã tổ chức quân đội để theo dõi, giám sát và canh gác các hoạt động của tàu Mỹ.

"Mỹ thường xuyên thực hiện các hành động khiêu khích tương tự có tính chất rất xấu, cho thấy họ là kẻ hủy diệt hòa bình, ổn định lớn nhất và là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến nguy cơ an ninh ở eo biển Đài Loan. Chúng tôi kiên quyết phản đối và lên án mạnh mẽ việc này", Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Tan Kefei cho biết trong một tuyên bố.

"Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc. Vấn đề Đài Loan là chuyện nội bộ của Trung Quốc và không cho phép sự can thiệp từ bên ngoài. Chúng tôi kêu gọi Mỹ nhìn nhận tình hình, ngừng khiêu khích và tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc và các quy định của ba thông cáo chung Trung-Mỹ", ông Kefei nhấn mạnh.

Mỹ, giống như hầu hết các quốc gia, không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng là người ủng hộ quốc tế quan trọng nhất và là nước bán vũ khí chính cho hòn đảo này.

Đài Loan và Mỹ hồi tháng 3 đã ký một thỏa thuận thành lập Nhóm công tác tuần duyên để phối hợp chính sách, sau khi Trung Quốc thông qua luật cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển của họ nổ súng vào các tàu nước ngoài.

Chuyến đi hôm Thứ Sáu (27/8) không phải là lần đầu tiên các tàu tuần duyên của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan. Nhưng đó là một lời nhắc nhở rằng họ hiện đang giữ các tàu trong khu vực và "tham gia nhiều hơn vào các khóa đào tạo chung và ngoại giao thực thi pháp luật để giúp tăng cường năng lực của quốc gia đối tác trước sự xâm lấn của Trung Quốc", Greg Poling, chuyên gia an ninh hàng hải tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington cho biết.

Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc gần đây sử dụng quyết định rút quân hỗn loại khỏi Afghanistan để miêu tả sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan và các đồng minh trong khu vực là hay thay đổi.

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nhanh chóng bác bỏ mọi so sánh giữa Afghanistan và cam kết của Hoa Kỳ đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Chuyến thăm châu Á mới đây của Phó Tổng thống Kamala Harris là chuyến thăm mới nhất trong chuỗi các chuyến thăm của các quan chức hàng đầu Mỹ tới Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm củng cố cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực.

Phan Nguyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tau-chien-my-di-qua-eo-bien-dai-loan-sau-cuoc-tap-tran-tan-cong-cua-trung-quoc-post153038.html