Tàu chiến Mỹ đối phó với các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ như thế nào?
Các tàu chiến của Mỹ ở Biển Đỏ đang phải đối phó với số lượng vũ khí ngày càng tăng mà lực lượng Houthi ở Yemen sử dụng trong nhiều tuần qua. Trong vụ việc mới nhất hôm 26/12, tàu khu trục Mỹ đã bắn hạ 12 UAV và 5 tên lửa.
Trong một thông báo trên mạng xã hội, Bộ Chỉ huy trung tâm (CENTCOM) của Mỹ cho biết, ngày 26/12, lực lượng nước này đã bắn hạ 12 UAV, 3 tên lửa đạn đạo chống hạm và 2 tên lửa đối đất của lực lượng Houthi trên Biển Đỏ.
Theo Lầu Năm Góc, kể từ khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát, lực lượng Houthi đã tiến hành hơn 100 vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa, nhắm vào 10 tàu thương mại liên quan đến 35 quốc gia di chuyển trên Biển Đỏ.
Trong một tuyên bố trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), Yahya Sare'e, người phát ngôn lực lượng Houthi, cho hay, các vụ phóng UAV và tên lửa mới nhất là nhằm “hỗ trợ và đoàn kết với người dân Palestine”. Trước đó, nhóm này tuyên bố nhắm mục tiêu vào các tàu hướng tới Israel sau khi Israel tiến hành chiến dịch ở dải Gaza.
CENTCOM cho biết UAV và tên lửa do lực lượng Houthi phóng ngày 26/12 đã bị đánh chặn bằng vũ khí trên tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Laboon và từ máy bay chiến đấu F/A-18 hoạt động trên tàu sân bay USS Eisenhower.
Tàu chiến Mỹ đã sử dụng vũ khí gì?
Hải quân Mỹ chưa cho biết tàu chiến nước này đang sử dụng hệ thống vũ khí nào để đối phó với các cuộc tấn công của Houthi, nhưng các tàu khu trục Mỹ có sẵn một loạt hệ thống vũ khí để thực hiện nhiệm vụ này như tên lửa đất đối không, đạn và hệ thống vũ khí cận chiến.
Các tàu Mỹ cũng có khả năng tác chiến điện tử có thể cắt đứt liên kết giữa UAV và người điều khiển chúng ở trên bờ.
Theo các chuyên gia, dù các tàu chiến Mỹ sử dụng hệ thống nào, các chỉ huy cũng phải đối mặt với các quyết định liên quan chi phí, số lượng vũ khí có sẵn trên tàu và hiệu quả khi nhiệm vụ ngày càng nhiều.
“Các máy bay không người lái có tốc độ chậm hơn có thể bị tấn công bằng tên lửa loại rẻ hơn hoặc thậm chí là súng máy trên tàu, nhưng với các tên lửa bay nhanh hơn thì cần phải sử dụng tới vũ khí đánh chặn phức tạp hơn”, ông John Bradford, thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Quốc tế nhận định.
Tàu chiến của Mỹ triển khau ở Biển Đỏ để đối phó với các cuộc tấn công từ Houthi là các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke như USS Carney và USS Laboon. Các tên lửa mà tàu này có gồm: tên lửa SM-6, SM-2 và tên lửa Sea Sparrow cải tiến (ESSM).
SM-6 có tầm bắn lên tới 370km, là vũ khí tiên tiến có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo ở tầng cao, các tên lửa có quỹ đạo thấp hơn. Mỗi quả tên lửa SM-6 có giá hơn 4 triệu USD.
SM-2 có giá 2,5 triệu USD mỗi quả, không tiên tiến bằng SM-6 và có tầm bắn ngắn hơn, từ 185-370km tùy biến thể.
Tên lửa Sea Sparrow cải tiến (ESSM) giá 1 triệu USD, được thiết kế để đánh chặn tên lửa hành trình chống hạm và các mối đe dọa tốc độ thấp hơn như UAV hoặc trực thăng ở phạm vi lên tới 50 km.
Các chuyên gia cho rằng cho đến nay, Mỹ đang sử dụng tên lửa SM-2 và ESSM để xử lý các mối đe dọa từ Houthi.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi Houthi phóng hàng loạt máy bay không người lái (UAV) có giá chưa tới 100.000 USD, nếu Mỹ kéo dài chiến dịch trên Biển Đỏ, nước này có thể thiệt hại đáng kể các nguồn lực.
Ông Alessio Patalano, Giáo sư tại Đại học King's College (Anh), cho rằng: “Các tên lửa trang bị trên tàu khu trục Mỹ đều là vũ khí đánh chặn tiên tiến với chi phí trung bình khoảng 2 triệu USD, nhưng để đánh chặn UAV sẽ không hiệu quả về mặt chi phí”.
Các chuyên gia cho rằng lực lượng Houthi có đủ nguồn lực cho một cuộc chiến kéo dài nhờ được Iran tài trợ và huấn luyện.
Trong khi đó, vấn đề với Mỹ nằm ở chỗ nước này muốn bảo vệ các tàu thương mại trên Biển Đỏ trong bao lâu.
Mỹ cần một được chiến lược tối ưu
Carl Schuster, cựu thuyền trưởng Hải quân Mỹ, cho biết các hệ thống vũ khí cận chiến Phalanx của tàu khu trục Mỹ như súng máy Gatling có thể bắn tới 4.500 viên đạn mỗi phút, có thể xử lý các mối đe dọa từ UAV hoặc tên lửa trong phạm vi 1.6km quanh tàu chiến. Đây là một biện pháp phòng thủ có chi phí tương đối thấp. Nhưng nếu UAV đến gần trong phạm vi này, súng Gatling sẽ là tuyến phòng thủ cuối cùng và nếu bắn trượt có thể khiến binh sĩ Mỹ trên tàu thiệt mạng.
“Chỉ một quả tên lửa hoặc UAV sẽ không thể đánh chìm tàu chiến Mỹ, nhưng nó có thể khiến thủy thủ đoàn trên tàu thiệt mạng hoặc gây thiệt hại cho tàu, khiến tàu phải rút lui để sửa chữa tại cảng”, ông Bradford nói.
Hệ thống cận chiến Phalanx không thể bảo vệ các tàu buôn khi các tàu này di chuyển cách xa tàu chiến vài km.
Ông Sidharth Kaushal, nhà nghiên cứu tại Viện RUSI có trụ sở tại London (Anh) cho biết: “Để cung cấp khả năng phòng không trên diện rộng (trái ngược với khả năng tự bảo vệ), các tàu chủ yếu dựa vào tên lửa phòng không”.
Theo ông Kaushal, tên lửa đánh chặn trên tàu chiến Mỹ được bắn từ hệ thống phóng thẳng đứng trên boong tàu. Tàu có thể chứa nhiều vũ khí nhưng số lượng luôn hữu hạn.
Nếu Houthi có thể làm cạn kiệt vũ khí có sẵn trên tàu chiến Mỹ bằng các cuộc tấn công liên tiếp, thì tàu chiến có thể thiếu đạn dược để bảo vệ các tàu thương mại mà nó đang giám sát.
Ông Salvatore Mercogliano, chuyên gia hải quân và giáo sư tại Đại học Campbell ở Bắc Carolina nhận định: “Mặc dù hải quân Mỹ được trang bị tốt để đánh chặn những gì lực lượng Houthi đang phóng, thì điều đáng lo ngại là phạm vi và quy mô tấn công ngày càng tăng và các tàu hộ tống không thể duy trì mức độ phòng thủ để bảo vệ hoạt động vận chuyển thương mại”.
Các chuyên gia cho rằng, lực lượng Houthi vẫn chưa thử thực hiện một cuộc tấn công bằng bầy đàn UAV. Một cuộc tấn công như vậy có thể tạo ra hàng chục mối đe dọa cùng lúc lao về phía mục tiêu.
“Một bầy đàn UAV tạo ra nhiều mối đe dọa cùng lúc lao về phía tàu chiến, nó có thể khiến vũ khí đánh chặn trượt khỏi mục tiêu và trúng phải các tàu thương mại”, ông Mercogliano nhận định.
Ông Mercogliano cũng dự báo rằng các tàu chiến Mỹ còn phải đối mặt với câu hỏi làm thế nào để bổ sung kho tên lửa trong khu vực.
“Địa điểm duy nhất để bổ sung vũ khí là ở Djibouti (một căn cứ của Mỹ ở vùng Sừng châu Phi)”, ông nói.
Các chuyên gia cũng cho biết, việc Houthi triển khai tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo chống hạm có thể là một thách thức khó khăn hơn. Lực lượng này đã phóng 3 tên lửa đạn đạo chống hạm và 2 tên lửa hành trình tấn công mặt đất hôm 26/12.
Theo ông Mercogliano, tên lửa hành trình chống hạm có thể bay ở tầm thấp và xuyên thủng thân tàu phía trên mực nước. Đây là loại vũ khí đã đánh chìm nhiều tàu Anh trong Chiến tranh Falklands và tấn công tàu USS Stark năm 1987. Tên lửa đạn đạo có thể gây ra mối nguy hiểm lớn hơn.
Trong khi đó, Houthi đang theo dõi và xem hải quân các nước phản ứng như thế nào trước những cuộc tấn công này.
Các chuyên gia cho rằng đến một lúc nào đó, Mỹ có thể quyết định phải tấn công lực lượng Houthi để giải quyết tận gốc rễ vấn đề.
“Khi cân nhắc tới lựa chọn và các khả năng, việc hạ gục cung thủ luôn rẻ hơn so với việc chặn các mũi tên”, ông Schuster nói.