Tàu chở dầu liên tiếp 'gặp nạn' ở Vịnh Oman, Mỹ cử tàu chiến đến hiện trường
Washington coi các cuộc tấn công là 'mối đe dọa hiện hữu đối với tự do thương mại và tự do hàng hải quốc tế'.
Sau sự việc các tàu chở dầu bị tấn công ở Vịnh Oman, Mỹ đã phái tàu khu trục USS Mason đến khu vực để hỗ trợ. Thông tin này được nêu rõ trong một tuyên bố bằng văn bản được phát đi hôm thứ Năm (13/6) bởi Đại diện chính thức của Bộ Tư lệnh Trung tâm Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ (CENTCOM), Trung tá Earl Brown.
“USS Mason (DDG 87) đang trên đường tới hiện trường để hỗ trợ. Mỹ và các đồng minh trong khu vực sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ bản thân và lợi ích của mình. Các cuộc tấn công mới đây rõ ràng là một mối đe dọa hiện hữu đối với tự do thương mại và tự do hàng hải quốc tế. Mỹ và cộng đồng quốc tế sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình, trong đó có tự do hàng hải”, ông Brown cho biết.
Ngoài ra, người phát ngôn của CENTCOM cũng nhấn mạnh rằng Mỹ “sẽ không tha thứ cho bất cứ sự can thiệp hay cản trở nào đối với các hoạt động của (tàu khu trục tên lửa của Hải quân Mỹ) USS Bainbridge – chiếc tàu chiến trước đó đã thực hiện công tác cứu hộ đối với thủy thủ đoàn của con tàu chở dầu bị tấn công ở Vịnh Oman Kokuda Courageous”.
“Chúng tôi không quan tâm đến việc tham gia vào cuộc xung đột mới ở Trung Đông. Chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích của mình, nhưng một cuộc chiến với Iran không nằm trong lợi ích chiến lược của chúng tôi, và cũng không đáp ứng lợi ích của cộng động quốc tế”, vị Trung tá quân đội Mỹ cho biết.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã tuyên bố về ý định của Mỹ trong việc bảo vệ thương mại thế giới. Phát biểu trước báo giới, ông Pompeo cáo buộc Iran đã đặt mìn khiến các tàu chở dầu Kokuda Courageous và Front Attair gặp nạn.
Tuy nhiên, một số nguồn tin của Reuters ở Washington cho biết người Mỹ không hoàn toàn tin vào việc Iran đứng đằng sau vụ tấn công. Kết luận về sự liên quan của Iran trong vụ việc này được đưa ra trên cở sở dữ liệu tình báo. Hiện chưa có lời giải thích nào khác cho những gì đã xảy ra.
Phản ứng trước sự việc trên, Tehran tuyên bố chủ mưu của cuộc tấn công rất có thể là những "kẻ thù" của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Javad Zarif kêu gọi một cuộc đối thoại giữa các quốc gia trong khu vực nhằm làm rõ những gì đã xảy ra.
Theo thông báo trước đó, có hai chiếc tàu chở dầu đã bị bốc cháy hôm 13/6 tại Vịnh Oman, nguyên nhân của vụ việc đang được xác minh. Các thành viên thủy thủ đoàn đã được sơ tán bởi cơ quan cứu nạn khẩn cấp của Iran và được đưa đến cảng Jask của nước này.
Video: Tàu chở dầu gặp nạn ở Vịnh Oman
Được biết, chiếc tàu chở dầu Kokuda Courageous, đăng ký tại Panama và thuộc sở hữu của một công ty vận chuyển Nhật Bản, đang vận chuyển methanol từ Ả-rập Xê-út đến Singapore. Trong khi đó, chiếc tàu Front Altair, thuộc sở hữu của công ty Frontline của Na Uy và treo cờ Quần đảo Marshall, đang vận chuyển nguyên liệu hóa dầu từ UAE đến Đài Loan.
(Nguồn: TASS)