Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã triển khai các trực thăng cảnh báo sớm trên không Ka-31 do Nga cung cấp, từ các tàu đổ bộ trực thăng lớp Type 075, giúp nâng cao hơn năng lực tác chiến đổ bộ của lớp tàu này.
Vừa qua, một chiếc Ka-31 được nhìn thấy trên tàu đổ bộ trực thăng mang tên Quảng Tây; đây là chiếc tàu đổ bộ thứ hai thuộc lớp Type 075 đi vào hoạt động. Hiện Hải quân Trung Quốc có ba tàu tàu đổ bộ trực thăng lớp Type 075.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, tính năng kỹ chiến thuật của lớp tàu đổ bộ trực thăng Type 075 của Hải quân Trung Quốc, được đánh giá tương đương với lớp Wasp và lớp America của Hải quân Mỹ.
Trực thăng cảnh báo sớm Ka-31, trước đó cũng được trang bị trên hai tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc là Liêu Ninh và Sơn Đông, để cung cấp khả năng nhận thức tình huống tốt hơn cho tàu sân bay.
Nhưng việc triển khai Ka-31 từ các tàu đổ bộ trực thăng, có lượng giãn nước nhỏ hơn nhiều như lớp Type 075, đã làm gia tăng suy đoán rằng, các tàu đổ bộ này cuối cùng, có khả năng sẽ được triển khai máy bay cánh cố định, hạ cánh thẳng đứng.
Trực thăng cảnh báo sớm Ka-31 đi vào hoạt động lần đầu tiên vào năm 1995, khi nó được sử dụng trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Hải quân Nga và được đánh giá tích cực.
Nên nhớ rằng, những tàu sân bay kiểu Liên Xô, máy bay cất cánh theo kiểu “nhảy cầu” và không được trang bị máy phóng, nên không thể trang bị những máy bay cảnh báo sớm cánh cố định, giống như E2C của Hải quân Mỹ.
Không chỉ có Nga, mà Ấn Độ và Trung Quốc cũng đều trang bị tàu sân bay không có máy phóng và đều giống mẫu tàu sân bay Kuznetsov của Nga, nên trực thăng cảnh báo sớm Ka-31 rất phù hợp với các tàu sân bay loại này và tàu đổ bộ trực thăng.
Mặc dù chương trình tàu sân bay của Trung Quốc được đánh giá là vượt xa so với Nga và nước này chuẩn bị trang bị máy bay cảnh báo sớm trên không cánh cố định KJ-600, từ các tàu sân bay sắp hạ thủy của họ; tuy nhiên trực thăng cảnh báo sớm là một lĩnh vực mà Nga được đánh giá luôn dẫn đầu.
Sự quan tâm của Trung Quốc đối với trực thăng Ka-31 lần đầu tiên được báo cáo vào năm 2013, sau khi Hải quân Ấn Độ đặt nhiều đơn hàng từ năm 1999. Các biến thể Ka-31 trong biên chế Hải quân Trung Quốc, là loại tiên tiến nhất, do đã tích hợp những cải tiến đáng kể, về hệ thống điện tử hàng không, so với các mẫu trước đó.
Trực thăng cảnh báo sớm Ka-31 được chế tạo dựa trên khung trực thăng Ka-27 vẫn đang được Nga sản xuất và được sử dụng ở gần 20 quốc gia, nên việc khởi động lại sản xuất, để đáp ứng các đơn đặt hàng Ka-31 của Trung Quốc, diễn ra rất thuận lợi.
Các loại máy bay cảnh báo sớm, trang bị radar bay trên không, có vai trò quan trọng đối với các hoạt động của tàu sân bay; nhưng do trọng tải hạn chế của trực thăng, nên các radar mà trực thăng cảnh báo sớm mang theo đều có công suất nhỏ hơn nhiều, so với radar lắp trên máy bay cánh bằng cố định.
Tuy nhiên, những máy bay cảnh báo cánh bằng cố định như E2C của Mỹ, hay KJ-600 của Trung Quốc, phải cất cánh từ những tàu sân bay có máy phóng; còn những tàu sân bay cất cánh kiểu nhảy cầu như tàu sân bay Kuznetsov, thì không đủ lực cho những máy bay như vậy cất cánh.
Hiện chỉ những tàu sân bay có hệ thống phóng máy bay như lớp Nimitz của Mỹ, Charles de Gaulle của Pháp và sắp tới là Type 003 của Trung Quốc, mới có thể trang bị máy bay cảnh báo sớm cánh cố định.
Tiến Minh