Tàu hộ vệ lớp Nilgiri của Hải quân Ấn Độ
Vừa qua, Hải quân Ấn Độ đã làm lễ hạ thủy tàu hộ vệ INS Mahendragiri, chiếc thứ 7, cũng là chiếc cuối cùng thuộc lớp tàu hộ vệ Nilgiri của hải quân nước này.
Tàu hộ vệ lớp Nilgiri còn có tên khác là dự án P-17A, là lớp tàu hộ vệ phát triển nội địa của Ấn Độ. Sở dĩ có tên dự án P-17A vì đây là phiên bản phát triển tiếp theo của lớp tàu hộ vệ Shivalik (dự án P-17) do Viện thiết kế tàu Hải quân Ấn Độ thiết kế. Công ty đóng tàu Mazagon Dock Limited (MDL) thi công 4 chiếc và Công ty Garden Reach Shipbuilders & Engineers (GRSE) thi công 3 chiếc.
So với dự án P-17, các tàu hộ vệ dự án P-17A có khả năng tàng hình và ổn định lắc ngang được cải thiện hơn nhiều đồng thời chúng cũng sở hữu khả năng đi biển, chịu sóng gió và sức sống cao hơn. Ngoài ra, lớp tàu này cũng được trang bị những loại vũ khí và thiết bị điện tử tiên tiến do các nhà thầu Ấn Độ và nước ngoài cung cấp. Trong đó, theo thông báo thì các nhà thầu nội địa cung cấp đến trên 80% vật tư, thiết bị và linh kiện.
Tàu lớp Nilgiri thuộc loại hộ vệ tên lửa dẫn đường (FFG) có lượng giãn nước toàn tải lên đến 6.670 tấn với chiều dài 149m, chiều rộng 17,8m và mớn nước 5,22m, thủy thủ đoàn 226 người, trong đó có 35 sĩ quan.
Các thông số chính:
Vũ khí pháo-tên lửa: Tàu được trang bị 1 bệ pháo 76,2mm 1 nòng của Oto Melara, 2 bệ pháo phòng không cận chiến loại AK-630M. Hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) 32 ngăn cho 32 tên lửa phòng không loại Barak 8; tên lửa đối hạm siêu âm BrahMos (2 bệ, 8 ống phóng).
Vũ khí dưới nước: Tàu được trang bị 2 bệ phóng ngư lôi 3 ống, chưa rõ kiểu loại ngư lôi, chỉ có thông tin đó là loại ngư lôi chống ngầm.
Trang bị điện tử: Radar đa năng quan sát trên không và điều khiển bắn tên lửa loại EL/M-2248 MF-STAR băng tần S; radar quan sát mặt biển Indra LTR-25 Lanza băng tần L; sonar chủ động/thụ động HUMSA-NG; hệ thống thông tin (kiểm soát/quản lý) chiến đấu CMS-17A; hệ thống tác chiến điện tử Shakti, các bệ phóng mồi bẫy tên lửa, ngư lôi.
Hàng không: Tàu lớp Nilgiri có thể bố trí 2 trực thăng loại Sea King Mk. 42B hoặc Dhruv do Ấn Độ chế tạo. Đây là các loại trực thăng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tác chiến chống ngầm và tuần thám biển.
Hệ động lực và hệ đẩy: Tàu dự án P-17A có hệ động lực diesel kết hợp turbine khí (CODAG), bao gồm 2 turbine loại LM-2500, 2 động cơ diesel 12V28/33D STC, turbine khí phát điện và các hệ thống phụ trợ khác đi kèm đồng bộ. Tàu sử dụng hệ đẩy 2 trục chân vịt. Với hệ động lực và hệ đẩy này, tàu đạt tốc độ cao nhất 28 hải lý/giờ và tầm hoạt động 5.500 hải lý.
Các tàu trong lớp được đặt tên theo các rặng đồi ở Ấn Độ, lần lượt là: INS Nilgiri, INS Himgiri, INS Udaygiri, INS Dunagiri, INS Taragiri, INS Vindhyagiri và INS Mahendragiri. Đây là các tàu có vũ khí trang bị rất phù hợp để thực hiện nhiệm vụ hộ tống, bảo vệ trên đại dương và những vùng biển xa.
MINH NGỌC
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.