Tàu lặn Titan không có hộp đen, đâu là 'chìa khóa' xác định vụ phát nổ?

Theo CNN, các nhà điều tra cần thu thập mảnh vỡ của tàu lặn Titan để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến vụ nổ thảm khốc do tàu không có 'hộp đen' như máy bay.

Tàu lặn Titan. Ảnh: OceanGate

Tàu lặn Titan. Ảnh: OceanGate

Tàu lặn Titan chở 5 người mất tích ở Đại Tây Dương khi thám hiểm xác tàu Titanic hôm 18/6. Sau 5 ngày tìm kiếm, Chuẩn Đô đốc Tuần duyên Mỹ John Mauger hôm 22/6 thông báo, toàn bộ 5 hành khách đã tử vong trong một vụ nổ thảm khốc của tàu ngầm Titan.

Lực lượng cứu hộ tìm thấy các mảnh vỡ được cho là của tàu Titan ở cách xác Titanic khoảng 500m, tại độ sâu gần 4.000m. "Những mảnh vỡ cho thấy một vụ nổ thảm khốc đã xảy ra ở buồng áp suất,” ông Mauger cho hay.

Theo ông Mauger, hiện vẫn chưa xác định chắc chắn liệu vụ nổ kinh hoàng có xảy ra vào thời điểm tàu Titan mất liên lạc sau khoảng 1 giờ 45 phút sau khi lặn hay không.

Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ nói với CNN rằng họ đã nhận được báo cáo về dữ liệu âm thanh bất thường tương tự như một vụ nổ trong ngày 18/6 tại vị trí tàu Titan lặn.

Theo đài CNN, các nhà điều tra cần thu thập mảnh vỡ của tàu ngầm Titan để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến vụ nổ thảm khốc do tàu không có "hộp đen" như máy bay.

Theo ông Ryan Ramsey, cựu chỉ huy tàu ngầm Hải quân Hoàng gia Anh, để trả lời câu hỏi tại sao sự cố xảy ra, các nhà chức trách sẽ thu thập nhiều mảnh vỡ nhất có thể của tàu Titan.

"Tàu lặn không có "hộp đen", vì vậy bạn sẽ không thể tìm ra những dấu vết cuối cùng liên quan tới chuyển động của tàu. Nếu có hộp đen, quá trình điều tra sẽ diễn ra như với tai nạn máy bay,” ông Ramsey nói với đài BBC.

Sau khi các mảnh vỡ của tàu lặn mất tích được tìm thấy dưới đáy đại dương, các nhà điều tra sẽ tìm kiếm cấu trúc đứt gẫy. Đây là yếu tố then chốt giúp họ nắm được điều gì đã xảy ra.

Mỗi mảnh vỡ sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng để xem xét hướng các sợi carbon, tìm kiếm những vết rách giúp hé lộ vị trí chính xác nơi xảy ra đứt gãy.

Câu hỏi lớn mà các nhà điều tra sẽ cố gắng giải đáp đó là liệu nguyên nhân vụ nổ có phải do lỗi cấu trúc hay không.

Giáo sư Blair Thornton của Đại học Southampton cho biết, nếu đúng là lỗi cấu trúc thì tàu lặn đã phải chịu áp suất cực lớn, tương đương với trọng lượng tháp Eiffel. "Chúng ta đang nói về một vụ nổ hướng vào bên trong của phần thân chính,” vị giáo sư nhận định.

Và nếu điều đó thực sự xảy ra, thì nguyên nhân có phải là do thiếu những cuộc thử nghiệm thích hợp như một số chuyên gia đã đề cập trước đó hay không.

"Sợi carbon bị gãy là do các lỗi bên trong,” giáo sư Roderick A Smith của Đại học Hoàng gia London cho biết. Ông nhận xét, các mối nối giữa sợi carbon và titan cần được kiểm tra cẩn thận. Do vụ nổ rất mạnh nên khó xác định trình tự các sự kiện. Vì vậy, cần trục vớt các mảnh vỡ của tàu Titan để kiểm tra cẩn thận.

Hiện chưa rõ cơ quan nào sẽ dẫn dắt cuộc điều tra nguyên nhân vụ nổ. Đô đốc Mauger nói vụ việc đặc biệt phức tạp vì nó xảy ra ở một vùng biển xa xôi và liên quan đến những người thuộc nhiều quốc tịch. Tuy nhiên, đến nay, tuần duyên Mỹ đã đóng vai trò quan trọng nên có thể sẽ tiếp tục công việc.

Điểm tương đồng giữa thảm kịch Titanic và vụ nổ tàu Titan

Tass ngày 23/6 đưa tin, James Cameron - đạo diễn bộ phim bom tấn "Titanic" năm 1997, cho biết ông rất ngạc nhiên về những điểm tương đồng "kỳ lạ" giữa thảm kịch năm 1912 và vụ tai nạn gần đây liên quan đến tàu lặn Titan của công ty OceanGate.

Theo đạo diễn Cameron, trước khi thảm kịch xảy ra, một số chuyên gia hàng đầu trong cộng đồng lặn biển đã viết thư cho công ty OceanGate, bày tỏ lo lắng về mức độ an toàn của tàu lặn Titan. Họ nói rằng việc cho phép tàu lặn này chở khách là hành động quá mạo hiểm và "cần được chứng nhận".

Đạo diễn James Cameron (bên trái) nói rằng thông tin về vụ nổ tàu lặn Titan chắc chắn không phải là điều ngạc nhiên. Ảnh: Getty

Đạo diễn James Cameron (bên trái) nói rằng thông tin về vụ nổ tàu lặn Titan chắc chắn không phải là điều ngạc nhiên. Ảnh: Getty

"Tôi bất ngờ bởi sự tương đồng của vụ việc này với thảm họa Titanic, khi thuyền trưởng liên tục được cảnh báo về tảng băng phía trước, nhưng lại lao hết tốc lực vào tảng băng đó trong một đêm không trăng và hậu quả là nhiều người thiệt mạng,” ông Cameron nói với đài ABC News.

"Và một thảm kịch tương tự lại xảy ra ở cùng một địa điểm, khi các cảnh báo bị lờ đi và các chuyến lặn vẫn diễn ra trên khắp thế giới. Tôi nghĩ điều đó thật đáng kinh ngạc và thực sự kỳ lạ,” đạo diễn nổi tiếng chia sẻ.

Đạo diễn Cameron từng 33 lần lặn xuống đáy biển để quan sát xác tàu Titanic. Ông nói rằng thông tin về vụ nổ tàu lặn Titan "chắc chắn không phải là điều ngạc nhiên".

Theo Reuters, vào tháng 3/2018, một nhóm gồm hàng chục người từ lãnh đạo công ty chế tạo đến nhà hải dương học, nhà thám hiểm đã gửi một bức thư cho Giám đốc điều hành OceanGate Stockton Rush. Trong thư, họ bày tỏ quan ngại về thiết kế mang tính thử nghiệm, chưa được kiểm chứng của tàu Titan.

Ông Will Kohnen, Chủ tịch Ủy ban Thiết bị lặn có người lái thuộc Hiệp hội Công nghệ Đại dương, hôm 20/6 cũng xác nhận, bức thư này xuất phát từ nỗi lo sợ về những gì có thể xảy ra nếu công ty OceanGate không tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn.

Bức thư nói rằng, OceanGate đưa ra một chiến dịch quảng bá khẳng định Titan sẽ đáp ứng hoặc thừa khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của đơn vị kiểm định DNV. Tuy nhiên, thực tế, OceanGate không có kế hoạch cho việc này.

5 doanh nhân và chuyên gia đã có mặt trên tàu lặn Titan mất tích gồm: Stockton Rush - giám đốc điều hành kiêm người sáng lập OceanGate, Hamish Harding - doanh nhân Anh, Shahzada Dawood - tỷ phú Pakistan, Sulaiman Dawood - con trai của tỷ phú Shahzada, Paul-Henri Nargeolet - cựu chỉ huy hải quân Pháp và là đội trưởng đội lặn sâu.

Theo trang web của công ty OceanGate, chuyến thám hiểm xác tàu mà công ty này đã khai thác từ năm 2021 có giá 250.000 USD/người.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tau-lan-titan-khong-co-hop-den-dau-la-chia-khoa-xac-dinh-vu-phat-no.html