'Tàu Nga khiến Mỹ không còn an toàn tại bờ Đông'
Thừa nhận trên được Phó Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Andrew Woody Lewis đưa ra.
Phát biểu trong cuộc họp chung do Viện Hải quân Mỹ và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cùng phối hợp tổ chức, Phó Đô đốc Mỹ nói rằng đơn vị của ông không còn coi Bờ Đông nước Mỹ là địa bàn "miễn cạnh tranh" hay là "thiên đường trú ẩn an toàn" mặc nhiên cho các chiến hạm và tàu ngầm nữa.
Lý do là bởi hiện nay Nga không ngừng tăng cường hoạt động của các tàu ngầm ở Đại Tây Dương, trong đó có cả việc triển khai tới đây các lớp tàu ngầm tiên tiến hơn, yên tĩnh hơn và có thể trốn tránh sự phát hiện tốt hơn.
Ông Lewis nói: "Chúng tôi đã chứng kiến một số lượng ngày càng tăng các tàu ngầm Nga ở Đại Tây Dương. Những tàu ngầm này có khả năng tốt hơn bao giờ hết, có thể triển khai trong thời gian dài hơn với hệ thống vũ khí sát thương tốt hơn".
Hồi tháng 12/2019, NATO ghi nhận cường độ hoạt động chưa từng có của tàu ngầm Nga kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh.
Đại diện của Liên minh, bà Oana Lungescu nhấn mạnh rằng Nga liên tục đẩy mạnh hoạt động ngầm dưới nước, do đó NATO sẽ đáp trả bằng cách tăng cường tuần tra.
Cụ thể, ghi nhận cường độ hoạt động gia tăng gần Greenland, Iceland và Vương quốc Anh. Ngoài ra, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương có kế hoạch cấp nhiều kinh phí hơn cho công tác phòng thủ chống tàu ngầm.
Một trong những kịch bản tiêu cực mà NATO đang xem xét, giả thiết khả năng tàu ngầm Nga có thể làm hỏng đường cáp ngầm giữa Hoa Kỳ và Châu Âu.
Họ nhấn mạnh rằng hoạt động của mạng viễn thông Internet phụ thuộc vào hệ thống này. Ngoài ra tàu ngầm Nga ở Bắc Đại Tây Dương bị coi là mối đe dọa đối với các tuyến thương mại dân sự trên biển.
Đại Tây Dương luôn là chiến trường chính của Hải quân NATO, Anh, Pháp và Nga, khu vực này cũng có nhiều tuyến đường vận tải biển quan trọng của các nước trên.
Bắt đầu từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, NATO đã thiết lập một mạng lưới phòng thủ chống ngầm lớn ở Đại Tây Dương, được trang bị một số lượng lớn máy bay và tàu tuần tra chống ngầm, và một hệ thống giám sát sonar cố định dưới biển (SOSUS).
Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO tiến hành cắt giảm quy mô lớn lực lượng Hải quân, số lượng tàu ngầm và tàu mặt nước của Anh, Pháp lại không đủ để tuần tra khu vực này.
Trong khi đó, Nga vẫn giữ lại một số lượng lớn tàu ngầm hạt nhân, sức mạnh của hai bên đã thay đổi, và tuyến phòng thủ Đại Tây Dương của NATO đã "sụp đổ".
Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cho rằng: "Sức mạnh Hải quân Nga là một lời cảnh tỉnh đối với NATO, Nga đang tăng cường bảo vệ tuyến đường biển ở thành phố Murmansk - tây bắc Nga, là thành phố lớn nhất thế giới nằm trên vòng Bắc Cực".
Các căn cứ tàu ngầm chính của Hạm đội Phương Bắc của Nga đã xuất phát từ khu vực này để đi vào Đại Tây Dương.
Tại lối vào Đại Tây Dương, các tàu ngầm của Nga thường xuyên được các trạm định vị, tàu tuần tra và máy bay chống ngầm của nước láng giềng Na Uy quan tâm theo dõi. Đi qua đó mà không bị phát hiện gần như là điều không thể.
Tuy nhiên, Nga đã biến điều không thể thành có thể khi ngày càng nhiều tàu ngầm Nga đã vượt qua tuyến phòng thủ tàu ngầm Faroe-Iceland của NATO và chứng minh là mối đe dọa đối với bờ biển phía Đông nước Mỹ.
So với Thái Bình Dương, lực lượng phòng thủ của Hải quân Mỹ ở Đại Tây Dương tương đối yếu và khả năng chống ngầm cũng không đủ.
Không những vậy, các căn cứ của Mỹ ở Đại Tây Dương cũng nằm trong phạm vi tấn công của tên lửa đạn đạo tầm xa Nga, tàu ngầm Nga nếu tiến hành đột phá từ khu vực này khả năng thành công sẽ cao hơn các khu vực khác.
Trong thời kỳ Thế chiến II, tàu ngầm Đức đã từng gây thiệt hại nặng nề cho quân Đồng minh ở Đại Tây Dương.
Nếu Mỹ và NATO không tiếp thu bài học này, tàu ngầm hạt nhân Nga có thể một lần nữa tiến hành trận chiến tương tự của Đức khiến Mỹ không thể chống đỡ.
Nguồn: https://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/tau-nga-khien-m... Nguồn: https://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/tau-nga-khien-my-khong-con-an-toan-tai-bo-dong-3396418/