USS Nevada lớp Ohio là tàu ngầm hạt nhân mạnh nhất thế giới khi có thể mang 20 tên lửa đạn đạo hạt nhân Trident II đã tới căn cứ hải quân ở đảo Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương vào ngày 15/1/2022 vừa qua.
"Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo USS Nevada cập quân cảng Guam hôm 15/1. Chuyến thăm củng cố khả năng phối hợp giữa Mỹ và các đồng minh khu vực, thể hiện sức mạnh, khả năng sẵn sàng và cam kết không ngừng nghỉ của Washington với an ninh và ổn định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", hải quân Mỹ cho biết trong thông cáo hôm 16/1.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu ngầm tên lửa đạn đạo tới đảo Guam kể từ năm 2016 và là chuyến thăm thứ 2 kể từ những năm 1980.
Hoạt động của 14 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo trong hạm đội của Hải quân Mỹ thường được bảo mật chặt chẽ.
Các tàu chạy năng lượng hạt nhân có thể lặn tới nhiều tháng trong mỗi lần triển khai, và chỉ bị hạn chế vì nguồn cung cấp cần thiết cho thủy thủ đoàn hơn 150 người.
Hải quân Mỹ cho biết, các tàu ngầm lớp Ohio có thể hoạt động trung bình 77 ngày trên biển, sau đó cần khoảng 1 tháng bảo trì tại cảng và tái trang bị.
Rất hiếm khi có thể chụp được bức ảnh 1 tàu ngầm tên lửa đạn đạo ở cảng Bangor tại Washington và Kings Bay tại Georgia.
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo được đánh giá là “nhánh có khả năng tồn tại quan trọng nhất trong bộ ba hạt nhân” của Mỹ cùng với tên lửa đạn đạo phóng từ silo trên đất liền và máy bay ném bom B-2 và B-52.
Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, cũng như Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa trong thời gian gần đây, sự xuất hiện của tàu ngầm Mỹ ở Guam gửi đi 1 thông điệp.
“Dù cố ý hay không, điều này cũng gửi đi thông điệp: chúng tôi có thể đặt 100 đầu đạn hạt nhân ngay trước cửa nhà bạn và bạn thậm chí không biết hoặc không thể làm được gì. Điều ngược lại sẽ không xảy ra”, ông Thomas Shugart, cựu Đại úy tàu ngầm Hải quân Mỹ và hiện là nhà phân tích tại Trung tâm an ninh Mỹ mới, cho biết.
Theo đánh giá năm 2021 của các chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Trung Quốc không có năng lực như tàu ngầm Mỹ.
Tàu Type 094 của Trung Quốc có độ ồn gấp 2 lần tàu ngầm Mỹ, do đó dễ bị phát hiện hơn, mang được ít tên lửa và đầu đạn hơn so với tàu Mỹ.
Nga giữ kỷ lục về siêu tàu ngầm lớn nhất thế giới nhưng Mỹ lại giữ kỹ lục là nước có tàu ngầm hạt nhân mang sức mạnh hủy diệt, một tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ đủ khả năng xóa sổ cả một lục địa.
Cho đến hiện tại tàu ngầm lớp Ohio vẫn là loại vũ khí mang theo kho tên lửa hạt nhân khủng khiếp nhất thế giới.
Được biết mỗi quả lửa đạn đạo hạt nhân Trident II D-5 có khả năng mang từ 8 tới 14 đầu đạn hạt nhân độc lập.
Mỗi đầu đạn có sức công phá tối đa lên tới 475kt, trong khi quả bom hạt nhân thả xuống xóa sổ thành phố Hiroshima của Nhật Bản chỉ có đương lượng nổ 12kt.
Một tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio có khả năng mang theo tới 24 quả tên lửa hạt nhân Trident II.
Với tổng số đầu đạn hạt nhân này, một tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio có thể tạo ra sức hủy diệt bằng tổng số bom đạn các bên sử dụng torng Thế chiến thứ 2. Và như vậy một khi chúng tập trung tên lửa tấn công thì ngay cả một lục địa cũng sẽ bị xóa sổ.
Để mang được kho vũ khí khổng lồ như vậy, những chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược Ohio có lượng giãn nước toàn tải lên đến 18.450 tấn, dài 170m, rộng tới 13m.
Chúng mang theo 155 sĩ quan và thủy thủ, con tàu này có thể lặn sâu tới 300m. Theo các thông số kỹ thuật, tàu có thể cơ động dưới nước với tốc độ khoảng hơn 20 knots (20 hải lý/h). Thực tế tàu ngầm Ohio có khả năng tăng tốc đến 25 knots (25 hải lý/h).
Hệ thống điện tử bao gồm radar trinh sát thủy siêu âm AN/BQQ-6, một biến thể nâng cấp hiện đại của sonar AN/BQQ-5 được lắp đặt trong tàu ngầm đa mục đích.
Trong các tàu ngầm, đài sonar hoạt động chủ yếu ở chế độ thụ động – thu các tín hiệu thủy siêu âm.
Từ năm 2002, tàu ngầm USS Ohio là lớp tàu duy nhất mang tên lửa đạn đạo tầm xa phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ.
Ngoài ra chúng còn được lắp đặt 4 ống phóng ngư lôi tự bảo vệ. Các ống phóng ngư lôi nằm ở phần mũi tàu với một góc nghiêng nhỏ so với mặt phẳng của tàu.
Cơ số ngư lôi là 8 đạn Mk-48, được sử dụng để chống tàu ngầm và tàu nổi.
Hiện hải quân Mỹ chế tạo 18 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) lớp Ohio. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ quyết định hoán cải 4 tàu ngầm lớp Ohio, dỡ bỏ tên lửa đạn đạo Trident và trang bị cho chúng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk (TLAM).
Sau khi được nâng cấp vũ khí, mỗi chiếc tàu ngầm lớp Ohio hoán cải mang được 154 quả Tomahawk trong 22 trên tổng số 24 ống phóng tên lửa, nhiều tên lửa hành trình hơn cả một biên đội tàu mặt nước.
Toàn bộ số tên lửa này có thể phóng theo loạt từ dưới nước trong vòng 6 phút, điều này đủ để tạo ra một cuộc tấn công phủ đầu lớn nhằm vào đối phương.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến vấn đề Đài Loan gần đây gia tăng. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần, đồng thời mô tả Đài Loan là vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ với Mỹ.
Quân đội Trung Quốc những tháng qua liên tục tăng sức ép quân sự lên Đài Loan bằng các biện pháp truyền thống và phi truyền thống. Ngoài các chuyến bay áp sát hòn đảo với số lượng phi cơ cao kỷ lục, quân đội Trung Quốc còn tiến hành nhiều cuộc diễn tập đổ bộ chiếm đảo ở khu vực gần Đài Loan.
Trong khi đó, Triều Tiên đã 4 lần thử vũ khí chỉ trong vòng hai tuần qua, gồm hai vụ thử đầu đạn lướt siêu vượt âm ngày 5 và 11/1, cùng hai vụ thử tên lửa đạn đạo chiến thuật ngày 14 và 17/1.
Washington tuần trước áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng. Đáp lại, Triều Tiên khẳng định họ có quyền tự vệ "hợp pháp", gọi lệnh trừng phạt của Mỹ là "hành động khiêu khích".
Việt Hùng