Tàu ngầm không người lái Orca - Thảm họa mới của Hải quân Mỹ?
Hải quân Mỹ trong vòng hai thập niên trở lại đây đã phải đối mặt với nhiều scandal liên quan đến việc thử nghiệm và đưa vào biên chế những loại vũ khí mới như tàu khu trục lớp Zumwalt, tàu sân bay lớp Gerald R. Ford và tàu tấn công ven biển… Liệu dự án mới nhất của Hải quân Mỹ – tàu ngầm không người lái lớp Orca – có tiếp tục trở thành một 'cơn ác mộng'?
Chìm nghỉm
Đầu năm 2011, Boeing Phantom Works (đơn vị phát triển vũ khí tối mật của tập đoàn Boeing) bắt tay vào việc chế tạo một mẫu tàu ngầm không người lái. Mục tiêu của họ là một chiếc tàu có khả năng hoạt động xa bờ nhiều ngày liền mà không cần đến tàu tiếp nhiên liệu. Kết quả mà Boeing Phantom Works đạt được là chiếc tàu Echo Voyager. Echo Voygaer có khả năng lặn sâu 3.400m dưới mặt nước biển và hoạt động liên tục 6 tháng trong phạm vi bán kính 12.100 km. Khả năng của Echo Voyager là đủ để thuyết phục Bộ Quốc phòng Mỹ về tính khả thi của tàu ngầm không người lái.
Lầu Năm Góc chính thức đặt hàng Boeing 5 chiếc tàu ngầm không người lái vào tháng 2/2019. Năm chiếc tàu được gọi chung là lớp Orca và dài 24,38m, nặng 80 tấn. Chúng sẽ được sử dụng cho việc rải mìn Hammerhead dưới đáy biển. Hợp đồng có tổng trị giá 379 triệu USD. Boeing sẽ phải hoàn thành cả năm tàu Orca và chuyển giao cho hải quân Mỹ trước tháng 12/2020.
Nhưng đã gần 2 năm qua kể từ hạn chót, Boeing vẫn chưa thể bàn giao nổi dù chỉ một chiếc tàu. Ngân sách ước chi cho dự án cũng đã “đội lên” 621 triệu USD, tăng 64% kế hoạch ban đầu. Văn phòng Minh bạch Nhà nước (GAO) báo cáo rằng nhanh nhất là phải đến tháng 2/2024, Boeing mới có thể bàn giao chiếc orca đầu tiên. Bản báo cáo do GAO công bố cũng chỉ rõ ra nguyên nhân của vấn đề: “Việc đội vốn và lùi thời hạn xảy ra vì Lầu Năm Góc đã không phán xét chính xác khả năng sản xuất được mẫu tàu thử nghiệm đạt các tiêu chí đề ra”.
Theo GAO, cơ quan thử nghiệm vũ khí của hải quân Mỹ đã quá nóng vội trong việc đưa lớp tàu Orca vào hoạt động chính thức. Họ không tổ chức kiểm tra Boeing trên giấy tờ lẫn thực tế để tìm hiểu xem Boeing có khả năng hoàn thành hợp đồng theo đúng hạn không. Trong khi đó, Văn phòng Hải quân Mỹ vẫn chưa đưa ra được cơ sở lý luận chính thức về vai trò và phương thức vận hành của lớp tàu ngầm Orca và những thiết bị không người lái dưới nước khác (gọi tắt là XLUUV).
Chuyên gia phân tích quân sự Robert Stallard nhận xét: “Boeing là nhà sản xuất máy bay dân sự và quân sự đáng tin cậy, nhưng điều đó không có nghĩa rằng họ dễ ràng nhảy sang một lĩnh vực hoàn toàn mới như tàu ngầm không người lái… Các cấp chỉ huy và quan chức dân sự đáng lẽ ra nên tỏ một chút nghi ngờ khi Boeing thắng thầu hồi năm 2019 nhờ cách đưa ra mức giá thấp hơn hẳn đối thủ Lockheed Martin. Chi phí để chuyển đổi hay xây mới dây chuyền sản xuất chắc chắn cao hơn khoản vốn mà Boeing đòi hỏi”.
Không phải là Bộ Quốc phòng Mỹ không tiên đoán trước việc chi phí dự án sẽ vượt quá mức ban đầu. Ngay trong văn bản ký kết hợp đồng, Lầu Năm Góc có dự báo về giá trị dự án sẽ tăng khoảng 30%. Khoản tăng này được phân bổ cho việc Boeing xây dựng dây chuyền sản xuất tàu ngầm. Chuyên gia của Lầu Năm Góc khi đó tự tin rằng Boeing sẽ chấp nhận một khoản lỗ nhỏ để được nhận thêm những hợp đồng đóng tàu Orca mới trong tương lai. Họ chẳng hề nghĩ rằng Boeing không thể và không muốn gánh khoản lỗ đó.
Boeing mới đây đưa ra hai nguyên nhân cho sự chậm trễ. Thứ nhất, các nhà thầu phụ cung cấp lớp vỏ ngoài và pin điện cho tàu ngầm Orca gặp vấn đề trong việc tìm nguyên liệu do đại dịch COVID-19. Thứ hai là Boeing đang gặp vấn đề trong việc đưa các thiết bị, công nghệ mới vào dây chuyền sản xuất hiện có của họ. Đây không phải lần đầu tiên Boeing gặp những vấn đề tương tự. Dự án chế tạo mẫu máy bay tiếp nhiên liệu KC-46 Pegasus của họ cũng từng nhiều lần phải lùi thời hạn. Không quân Mỹ ký hợp đồng với Boeing từ năm 2011 mà phải đến tháng 1-2019 mới nhận được chiếc KC-46 đầu tiên.
Vấn đề hiện hữu
Tại sao Hải quân Mỹ cần tàu ngầm không người lái? Theo ông Bradley Martin, một cựu thuyền trưởng tàu khu trục và nay là cố vấn ở tổ chức nghiên cứu chính sách RAND Corporation thì: “Một chiếc tàu ngầm điều khiển từ xa có thể đảm nhận nhiều chức năng khác nhau như đặt mình, do thám,… Đây là thứ phương tiện hữu dụng trong cả thời chiến lẫn thời bình”.
Ông Martin tuy thế cũng thừa nhận rằng có một nguyên nhân khác thúc đẩy hải quân Mỹ tìm đến với tàu ngầm không người lái: “Chẳng phải riêng Hải quân mà toàn bộ quân đội Mỹ đang đối mặt với vấn đề không tuyển mộ đủ người. Nhưng Hải quân Mỹ vẫn là bên gặp nhiều khó khăn nhất. Nhiều người trẻ không muốn gia nhập hải quân vì điều kiện làm việc khắc nghiệt, lương thưởng thấp mà lại ít cơ hội tạo dựng cuộc sống riêng sau khi giải ngũ. Tàu ngầm không người lái sẽ phần nào giúp hải quân giảm gánh nặng đặt lên lực lượng vốn đã mỏng của mình”.
Hải quân Mỹ gần đây phải đối mặt với một scandal PR lớn khi 6 thủy thủ trên tàu sân bay USS George Washington tự tử bằng cách treo cổ hoặc uống quá liều thuốc ngủ. Người duy nhất tự tử bất thành còn sống là nữ binh nhì Hannah Cristomo mới nhập ngũ được một năm. Theo cô Cristomo, các thủy thủ phải làm việc 10-12 tiếng mỗi ngày để giữ cho con tàu 32 năm tuổi hoạt động bình thường.
Tàu USS George Washington đang ở quân cảng Newport (bang Virginia) nên các thủy thủ được phép lên bờ sau ca làm việc. Vấn đề là hải quân không có doanh trại cho họ, còn các cơ sở lưu trú trong khu vực đều kín chỗ nên nhiều thủy thủ thành người vô gia cư. Nhiều quân nhân không chịu nổi áp lực đã sinh ra trầm cảm, từ đó dẫn đến hiện tượng tự tử hàng loạt.
Những trường hợp như vụ việc trên tàu USS George Washington đang buộc Hải quân Mỹ tìm mọi cách để bù đắp nguồn nhân lực của mình. Sẽ cần thêm thời gian để hải quân xây dựng lại uy tín và tăng quân số, vậy nên các biện pháp công nghệ giúp tiết kiệm sức lao động như tàu ngầm không người lái sẽ phát huy hết giá trị của mình trong tương lai gần.
Nhưng Lầu Năm Góc quả thật đã quá tay trong việc đầu tư vào lớp Orca. Nguyên Phó đô đốc Bryan Clark nhận xét: “Có thể hiểu được khi nhà sản xuất phải lùi thời hạn bàn giao khí tài vì phải liên tục điều chỉnh các chi tiết trong quá trình sản xuất. Điều này lại càng rõ hơn khi làm việc với một công nghệ mới như tàu ngầm không người lái.
Vấn đề nằm ở chỗ Boeing sử dụng những vật liệu hiếm và công nghệ thử nghiệm để chế tạo chiếc Echo Voyager. Đấy là cách các nhà sản xuất máy bay vẫn làm khi chế tạo nguyên mẫu. Vậy nhưng lớp Orca là tàu chiến, phải đáp ứng được các yêu cầu thực chiến khắc nghiệt. Tôi e Boeing không đủ khả năng để giải quyết vấn đề liên quan đến độ ổn định của Orca trong tác chiến”.
Tập đoàn Huntinton Ingalls, nhà thầu phụ được giao lắp ráp chiếc tàu Orca đầu tiên tại cảng Huntinton (bang California) cũng chung quan điểm với ông Bryan Clark. Theo tờ Washington Post, Huntinton Ingalls đã gửi cho Lầu Năm Góc một bản danh sách dài 50 trang về những vấn đề họ gặp phải trong khi lắp ráp tàu ngầm.
Để đuổi kịp hạn chót hạ thủy con tàu là 28/4/2022, Huntinton Ingalls buộc phải bỏ qua hoặc làm trái với chỉ dẫn lắp ráp được Boeing đề ra từ trước. Sau khi nhận được bản danh sách nói trên, Lầu Năm Góc không còn sự lựa chọn nào khác ngoài ngừng mọi thử nghiệm với tàu để chờ thanh tra hoàn thành việc kiểm tra và đánh giá mức độ toàn vẹn của tàu. Hiện nay chiếc tàu Orca đầu tiên vẫn đang nằm “đắp chiếu” tại Huntinton.
“Thảm họa” mang tên Orca đang khiến nhiều chuyên gia kêu gọi Hải quân Mỹ thay đổi toàn bộ cách họ thiết kế, xét duyệt và mua sắm trang thiết bị. Cựu Phó đô đốc Steven Wills, nay là nhà giám đốc tổ chức nghiên cứu chiến lược CNA, nhận xét: “Trong thời Chiến tranh Lạnh, Hải quân Mỹ tìm cách tránh việc “nhảy cóc” công nghệ mà luôn hướng đến phát triển khí tài theo từng nấc thang nối tiếp nhau. Đơn cử như lớp tàu khu trục Spruance được đưa vào biên chế hồi thập niên 1970. Thân tàu, động cơ và bộ máy chân vịt của lớp Spruance hoàn toàn là thiết kế mới, nhưng vũ khí và trang thiết bị điện tử thì vẫn giống như các lớp tàu cũ”.
Theo ông Steven Wills, dưới thời cố Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara, Lầu Năm Góc có một bộ khung pháp lý quản lý việc thử nghiệm vũ khí mới vô cùng chặt chẽ nhằm đảm bảo mục đích không phí phạm một đồng tiền ngân sách nào. Công nghệ mới được đưa vào sử dụng theo kiểu “nhỏ giọt” để giảm thiểu rủi ro và đáp ứng đúng nhu cầu thực tế.
“Mọi chuyện thay đổi khi Donald Rumsfeld trở thành Bộ trưởng Quốc phòng năm 2001. Chính sách mới là ưu tiên lựa chọn những loại vũ khí, khí tài mới càng hiện đại càng tốt để quân đội Mỹ luôn chiếm thế thuợng phong so với các quốc gia đối địch. Vũ khí càng hiện đại, càng phức tạp thì lại càng dễ hỏng hóc và khó sửa chữa. Nhưng các nhà sản xuất vũ khí sẽ vẫn tiếp tục “nhồi” thật nhiều công nghệ mới vào các nguyên mẫu của họ để tiếp tục đuợc nhận hợp đồng. Cách giải quyết duy nhất vào lúc này là Hải quân Mỹ nghiêm túc thừa nhận khuyết điểm trong quy trình mua sắm trang thiết bị hiện tại và quay trở lại với cách thức đã chứng minh được sự hiệu quả của mình”.