Các tàu ngầm lớp Seawolf của Hải quân Mỹ, được đánh giá là những tàu ngầm tốt nhất từng được chế tạo. Được thiết kế để kế nhiệm tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles và duy trì lợi thế của Mỹ dưới mặt nước. Tuy nhiên lớp tàu này, đã phải gánh chịu những tổn thất về chi phí và sự sụp đổ của Liên Xô.
Mặc dù vẫn được đánh giá là loại tàu ngầm tốt nhất từng được chế tạo, nhưng Seawolf chỉ được chế tạo với số lượng hạn chế. Có thể hiểu, Seawolf là F-22 của lòng đại dương, được đánh giá là tốt nhất thế giới, nhưng chi phí quá lớn, khiến việc sử dụng rộng rãi của chúng, là một thách thức lớn.
Vậy tại sao Hải quân Mỹ lại phát triển lớp tàu ngầm Seawolf? Câu chuyện quay lại vào giữa thập niên 1980, Hải quân Mỹ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng, khi Hải quân Liên Xô đưa tàu ngầm lớp Akula vào biên chế. Nhưng tại sao tàu ngầm lớp Akula lại khiến Hải quân Mỹ sợ hãi?
Năm 1980, Liên Xô đã nhận được thông tin, từ điệp viên nằm vùng Walker cho biết, Hải quân Mỹ có thể theo dõi các tàu ngầm của Liên Xô (nhất là các tàu ngầm hạt nhân), thông qua tiếng ồn quá mức của chân vịt.
Để khắc phục nhược điểm này, Liên Xô đã tìm kiếm máy móc tiên tiến của phương Tây để chế tạo chân vịt tốt hơn. Năm 1981, công ty Nhật Bản Toshiba, đã bán máy phay chân vịt (hiện nay là máy phay CNC chín trục, tương đối phổ biến) cho Liên Xô, thông qua tập đoàn Kongsberg của Na Uy.
Đến giữa thập niên 1980, máy móc mới của Liên Xô bắt đầu cho kết quả, khi tàu ngầm lớp Akula mới, có chân vịt hoạt động cực êm được đưa vào sử dụng. Một nguồn tin chính phủ Mỹ nói với tờ Los Angeles Times: “Các tàu ngầm Liên Xô chỉ bắt đầu im lặng, sau khi những công cụ của Toshiba được đưa vào sử dụng”.
Ngoài khả năng hoạt động êm ái, tàu ngầm lớp Akula của Liên Xô, có thể lặn ở độ sâu lên đến 600m; trong khi các tàu ngầm chủ lực của Hải quân Mỹ là tàu ngầm lớp Los Angeles, chỉ có thể lặn ở độ sâu 200m.
Để chống lại mối đe dọa từ lớp tàu ngầm Akula, Hải quân Mỹ đã đáp trả bằng lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf. Các tàu ngầm Seawolf được thiết kế với vỏ hợp kim thép HY-100, dày đến 60mm, để có thể chịu được áp lực khi lặn sâu.
Thép HY-100 cứng hơn khoảng 20% so với thép HY-80, được sử dụng trong chế tạo vỏ tàu ngầm lớp Los Angeles. Do đó, các tàu ngầm lớp Seawolf có khả năng lặn ở độ sâu lên đến 600m; độ lặn sâu tối đa từ 730m đến 900m.
Tàu ngầm Seawolf có chiều dài 107,6m, ngắn hơn một chút so với các phiên bản tiền nhiệm, nhưng chiều rộng lớn hơn 20%, khiến chúng rộng đến 12,1m. Do vậy khiến Seawolf nặng hơn đáng kể, so với những chiếc tàu ngầm trước đó; lượng giãn nước khi lặn là 12,158 tấn.
Về động lực, tàu ngầm Seawolf được trang bị một lò phản ứng hạt nhân Westinghouse S6W, dẫn động cho hai tuabin hơi nước, với tổng công suất 52.000 mã lực trục.
Seawolf cũng là lớp tàu ngầm đầu tiên của Mỹ, sử dụng động cơ phản lực bơm, thay vì chân vịt truyền thống (thiết kế này đã được sử dụng trên tàu ngầm lớp Virginia sau này). Seawolf có tốc độ đến 18 hải lý/giờ trên mặt nước, và đạt tốc độ tối đa 35 hải lý/giờ khi lặn; tốc độ chạy không phát tiếng ồn khoảng 20 hải lý/giờ.
Về hệ thống trinh sát, tàu ngầm lớp Seawolf được trang bị hệ thống sonar BQQ 5D, bao gồm mảng chủ động và thụ động hình cầu, có đường kính 7,3m và mảng sonar thụ động, khẩu độ rộng, lắp bên sườn. Các phiên bản hiện đại hóa đang được trang bị lại bằng sonar mảng kéo TB-29A và BQS 24, có thể phát hiện các vật thể ở gần như thủy lôi.
Hệ thống quản lý chiến đấu ban đầu của Seawolf, được trang bị hệ thống BSY-2 của Lockheed Martin, sử dụng 70 bộ vi xử lý Motorola 68030, cùng một bộ xử lý, để chạy các máy tính Macintosh đời đầu. Hiện các tàu ngầm lớp Seawolf đang được thay thế bằng Hệ thống kiểm soát vũ khí AN/BYG-1.
Các tàu ngầm lớp Seawolf được thiết kế, để trở thành những “thợ săn” thực thụ; với vũ khí mỗi tàu là 8 ống phóng ngư lôi, gấp đôi so với các tàu ngầm trước đó. Cơ số đạn ngư lôi là 50 quả hạng nặng Mark 48; ngoài ra còn có tên lửa chống hạm Sub-Harpoon và tên lửa hành trình Tomahawk. Khi cần thiết, Seawolf có thể mang theo thủy lôi.
Theo Hải quân Mỹ, Seawolf hoạt động êm hơn 10 lần, trong phạm vi tốc độ hoạt động, so với các tàu ngầm Los Angeles cải tiến, và yên tĩnh hơn 70 lần so với các tàu ngầm lớp Los Angeles nguyên bản. Seawolf có thể chạy êm với tốc độ gấp đôi, so với những chiếc tàu ngầm trước đây.
Nhưng cái gì cũng có giá của nó, sự gia tăng đáng kể về hiệu suất, dẫn đến sự gia tăng đáng kể về chi phí. Tổng chương trình Seawolf ước tính khoảng 33 tỷ USD cho 12 tàu ngầm, một chi phí không thể chấp nhận được, ngay cả đối với hải quân nhà giàu như Mỹ.
Nhưng chính việc Liên Xô sụp đổ đột ngột, và mối đe dọa của tàu Akula và các tàu ngầm tiếp theo của Liên Xô đã kết thúc vào năm 1991 mới là nguyên nhân dừng chương trình tàu ngầm Seawolf. Do Hải quân Mỹ lúc này, cũng không còn đối thủ, do vậy chương trình tàu ngầm Seawolf từ 12 tàu, được cắt giảm chỉ còn 3 tàu, với trị giá 7,3 tỷ USD.
Hiện nay 3 chiếc tàu ngầm lớp Seawolf đã được cải tiến, để hỗ trợ các hoạt động bí mật, nhằm tận dụng khả năng giữ im lặng của tàu, để thả phương tiện dưới nước không người lái và lính đặc nhiệm SEAL. Seawolf được cải tiến để hỗ trợ chỗ ở cho tối đa 50 lính SEAL, để thực hiện các nhiệm vụ như cắt cáp dưới biển và các hoạt động gián điệp khác.
Các tàu ngầm lớp Seawolf là những tàu ngầm có tính năng nổi bật, nhưng có giá thành quá cao; nhưng đó là cái giá có thể chấp nhận được, trong một cuộc chạy đua vũ trang điên cuồng của cả Mỹ và Liên Xô.
Mặc dù Seawolf không tạo thành một lớp tàu ngầm có số lượng lớn, nhưng chỉ với số lượng rất nhỏ, Seawolf vẫn là một vũ khí quan trọng của Hải quân Mỹ, mang lại cho Hải quân Mỹ những khả năng, mà ngay cả lớp tàu ngầm mới nhất là Virginia cũng không thể sánh được. Nguồn ảnh: QQ.
Sức mạnh thượng thừa của tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf của Hải quân Mỹ. Nguồn: QPVN.
Tiến Minh