Tàu ngầm tấn công nội địa đầu tiên của Hàn Quốc được đưa vào trang bị
Hiện thực hóa chương trình tàu ngầm đầy tham vọng của mình, Hải quân Hàn Quốc vừa tiếp nhận chiếc tàu ngầm diesel-điện lớp KSS-III tàu đầu tiên do các chuyên gia Hàn Quốc phát triển.
Tàu ngầm tấn công nội địa KSS-III đầu tiên
Chương trình Tàu ngầm tấn công KSS-III (KSS có nghĩa là tàu ngầm) là một dự án ba giai đoạn nhằm xây dựng lực lượng tàu ngầm cho Hải quân Hàn Quốc đảm nhận sứ mệnh ngăn chặn các tàu ngầm và tàu nổi của đối phương; bảo vệ các căn cứ hải quân thân thiện và thông tin liên lạc trên bờ; thực hiện các nhiệm vụ trinh sát.
KSS-III (còn được gọi là chương trình Jangbogo III) bắt đầu vào năm 2007, nhưng tháng 5/2009, Hàn Quốc quyết định trì hoãn hai năm. Dự án dự kiến tiêu tốn khoảng 900 triệu USD cho mỗi tàu ngầm, không bao gồm tên lửa đạn đạo và ngư lôi. Trước khi có chương trình KSS, đội tàu ngầm của Hải quân Hàn Quốc bao gồm các tàu ngầm hạng trung lớp Dolgorae và lớp SX 756 Dolphin, có khả năng hạn chế khi hoạt động ven bờ.
Hải quân Hàn Quốc vừa tiếp nhận chiếc tàu ngầm diesel-điện lớp KSS-III, còn được gọi là lớp “Dosan Ahn Chang-ho” đầu tiên tại Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering trên đảo Kojedo. Tàu ngầm diesel-điện pin nhiên liệu không phụ thuộc không khí được đặt theo tên của lãnh tụ phong trào giành độc lập của dân tộc Triều Tiên, là tàu đầu tiên trong loạt tàu ngầm phi hạt nhân thuộc dự án KSS-III, do các chuyên gia Hàn Quốc phát triển.
Tàu ngầm Dosan An Changho được đặt đóng vào tháng 5/2016, hạ thủy tháng 9/2018 và các cuộc thử nghiệm trên biển bắt đầu vào năm 2019, theo kế hoạch dự kiến, giao hàng vào cuối năm 2020. Hải quân Hàn Quốc sẽ đưa vào trang bị 9 tàu ngầm lớp KSS-III để thay thế các tàu ngầm diesel-điện của Đức thuộc dự án 209/1200 được đóng từ những năm 1980 và 90, hiện đang có trong biến chế.
Các tàu ngầm được đóng theo loạt ba tàu (I, II, II); chiếc thứ nhất Dosan An Changho và thứ hai (được đặt tên là An Mu (SS-085) theo tên một chiến binh của Hàn Quốc đã chiến đấu chống lại người Nhật Bản giành độc lập, được hạ thủy ngày 10/11/2020, sẽ được chuyển giao vào cuối năm 2022) của loạt I đang được đóng bởi Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering (DSME). Chiếc thứ ba (có tên Yi Dong-nyeong (SS-086)) được Hyundai Heavy Industries (HHI) khởi đóng vào tháng 6/2017.
Các tàu ngầm loạt I được trang bị cột buồm giám sát điện quang thế hệ mới của Safran Electronics & Defense, có khả năng xử lý và có độ phân giải hình ảnh cao, được tích hợp hệ thống tình báo tín hiệu (SIGINT), hệ thống hồng ngoại (IR) và liên kết dữ liệu chiến thuật Link 11 để bảo mật kênh liên lạc. Các thiết bị hỗ trợ dẫn đường trên tàu bao gồm hệ thống định vị quán tính (INS) và hệ thống định vị toàn cầu (GPS).
Tàu ngầm cũng sẽ có radar hàng hải, hệ thống hỗ trợ điện tử PEGASO (ESM), sonar chủ động và sonar mảng kéo để phát hiện mục tiêu. Tàu ngầm loạt I được trang bị sáu ống phóng thẳng đứng vertical launch system (VLS) có khả năng bắn tên lửa hành trình như Cheong Ryong và tám ống phóng 533mm cho phiên bản cải tiến của ngư lôi hạng nặng Baek Sang Eo (White Shark) của công ty nội địa LIG NEX.
Chúng cũng có khả năng mang tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, và tương thích với tên lửa, ngư lôi và thủy lôi do Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Anh sản xuất. Có thông tin cho thấy Hàn Quốc có thể triển khai tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (Submarine-Launched Ballistic Missile - SLBM) bên trong các bệ phóng thẳng đứng. Việc phát triển SLBM của Cơ quan Phát triển Quốc phòng dự kiến hoàn thành vào năm 2020 và là một phiên bản của tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2.
Các tàu được vận hành và điều khiển bằng các bảng điều khiển lái và lặn do ECA Group phát triển, cho phép vận hành và điều khiển tàu ngầm ở các chế độ tự động, thủ công và hỗn hợp. Các tàu ngầm sẽ mang sonar chủ động liên tục (continuous active sonar - CAS) và sonar mảng sườn (flank array sonar - FAS) để phát hiện, phân loại và xác định vị trí của mục tiêu. Lớp KSS-III cũng sẽ được tích hợp hệ thống quản lý chiến đấu liên kết với các cảm biến do Hanwha phát triển để phân công vũ khí, phát hiện và theo dõi mục tiêu.
Theo số liệu được công bố, Dosan An Changho (SS-083) có lượng choán nước trên mặt nước 3.358 tấn, lượng choán nước dưới nước 3.705 tấn, chiều dài 83,3 mét, chiều rộng 9,6 mét, mớn nước 7,62 mét, tốc độ dưới nước - 20 hải lý/giờ, phạm vi hoạt động 10 nghìn hải lý, thủy thủ đoàn - 50 người, có thể ở dưới nước 20 ngày.
Tàu ngầm KSS-III loạt II và cao cấp hơn
Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng (DAPA) Hàn Quốc đã chọn DSME cho thiết kế cơ sở tàu loạt KSS-III II vào tháng 5/2016. Việc đóng các tàu ngầm KSS-III loạt II đã được phê duyệt vào tháng 3/2019. Chiếc tàu ngầm cuối cùng của dự án dự kiến sẽ được chuyển giao vào năm 2029. Loạt II sẽ có một số khác biệt về thiết kế, cụ thể là dùng pin lithium-ion thay vì pin tiêu chuẩn, sở hữu khả năng cao hơn trong cả tấn công các cơ sở chiến lược trên bộ và thực hiện chiến tranh chống tàu ngầm. Loạt III được lên kế hoạch áp dụng "các công nghệ tiên tiến".
Trước đó, trong giai đoạn đầu tiên, KSS-I (năm 1989) của chương trình tàu ngầm lớn, Hải quân Hàn Quốc đã mua 9 tàu ngầm lớp Chang Bo-go 1.200 tấn; trong giai đoạn thứ hai, KSS-II (năm 2002 - mua 9 tàu ngầm Type 214 1.800 tấn trang bị động cơ đẩy không phụ thuộc không khí (AIP), tàu dẫn đầu lớp này, Sohn Won-il (SS 072) được hạ thủy tại nhà máy đóng tàu của Hyundai Heavy Industries ngày 9/6/2006.
Việc đóng các tàu ngầm KSS-III không những giúp Hàn Quốc tăng cường khả năng quốc phòng mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế trong công nghiệp đóng tàu ngầm. Công nghệ thiết kế tàu ngầm độc đáo của Hàn Quốc đặt nền móng cho việc xuất khẩu tàu ngầm ra thế giới. Hiện có 10 quốc gia trên thế giới sở hữu công nghệ thiết kế tàu ngầm, nhưng chỉ có một số quốc gia thương mại hóa các hệ thống thiết kế như vậy, bao gồm Hà Lan, Nga và Thụy Điển.
Đáng chú ý, theo trang navyrecognition, Hải quân Hàn Quốc đang nuôi ý định đóng 2 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trong một báo cáo trình lên Quốc hội, Hải quân Hàn Quốc cho biết, đã thành lập một lực lượng chuyên trách để khảo sát việc sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong dài hạn - một động thái có thể thay đổi cán cân sức mạnh ở Đông Bắc Á. Đây là lần đầu tiên Seoul công khai nói về tàu ngầm hạt nhân, vốn không được đề cập trong Sách trắng Quốc phòng vào tháng 1/2019.
Theo Defense News, tháng 10/2017, Hải quân Hàn Quốc đã thuê một tổ chức tư vấn thực hiện một cuộc khảo sát kéo dài 5 tháng về các thiết kế khả thi. Báo cáo khuyến nghị phát triển một tàu ngầm tấn công hạt nhân với lượng choán nước 5.300 tấn, giống như lớp Barracuda của Pháp, có khả năng mang thêm vũ khí chống hạm và tấn công đất liền, có thể bí mật thu thập thông tin tình báo về các mục tiêu ven biển và những mục tiêu xa hơn trên đất liền, không chỉ Triều Tiên mà còn các đối thủ tiềm năng khác trong khu vực.
Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ là một lợi thế để chống lại Triều Tiên trong việc phát triển khả năng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, thực hiện các cuộc tuần tra mở rộng để giám sát hoạt động và tàu thuyền đối phương trong một cuộc khủng hoảng tiềm tàng. Ngoài Triều Tiên, Hàn Quốc còn phải đối đầu với hai cường quốc hạt nhân là Trung Quốc với vũ khí, trang bị ngày càng tiên tiến, và một nước Nga ngày càng quyết đoán; cả hai đều đang đẩy mạnh các hoạt động ở Đông Á và xa hơn.
Với những điều này, không có gì ngạc nhiên khi Hàn Quốc - quốc gia với ba mặt giáp biển, rất dễ bị uy hiếp bởi các mối đe dọa - nghiêm túc cân nhắc một lớp tàu ngầm hạt nhân bản địa mới. Có rất nhiều suy đoán rằng Hàn Quốc có thể sẽ phát triển tàu ngầm KSS-III của mình chạy bằng năng lượng hạt nhân vào những năm 2030.