Tàu ngầm tên lửa đạn đạo Triều Tiên di chuyển bất thường sau khi Hàn Quốc phóng tên lửa vũ trụ
Chuyển động bất thường của tàu ngầm tên lửa đạn đạo thử nghiệm 8.24 Yongung tại âu thuyền Nam Sinpo được 'liên tưởng' tới khả năng về một vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên.
Hôm 30/3, Dự án Beyond Parallel thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, Mỹ cho biết, hình ảnh vệ tinh thu nhận vào ngày 22/3 cho thấy chuyển động bất thường của tàu ngầm tên lửa đạn đạo thử nghiệm 8.24 Yongung của Triều Tiên bên trong âu thuyền Nam Sinpo.
CSIS cho biết, tàu ngầm đã di chuyển ra ngoài bến đậu có mái che.
"Hiện chưa rõ mục đích chính xác của việc di chuyển tàu ngầm, nhưng nó có thể liên quan đến các sửa soạn để chuẩn bị cho một vụ thửtên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) sắp tới.”, công bố của CSIS nói; lưu ý, tàu ngầm 8.24 Yongung đóng vai trò quan trọng trong chương trình phát triển cơ bản SLBM của Triều Tiên, cũng như công nghệ tàu ngầm tên lửa đạn đạo và quy trình hoạt động. Tàu ngầm này cũng là phương tiện không thể thiếu để đào tạo thực hành các tàu ngầm mới của Triều Tiên.
Hôm 24/3, Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), đánh dấu lần phóng ICBM đầu tiên trong hơn 4 năm kể từ tháng 11/2017.
Bình Nhưỡng đã duy trì lệnh cấm thử hạt nhân và tên lửa tầm xa kể từ sau thời điểm đó, tuy nhiên vào tháng Giêng đã đưa ra tuyên bố ngụ ý sẽ tái khởi động các hoạt động đang tạm đình chỉ.
Các thông tin trước đó cho biết, Triều Tiên có dấu hiệu khôi phục các đường hầm dưới lòng đất tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, vốn được Bình Nhưỡng công bố đã đánh sập vào năm 2018, có thể cho thấy khả năng nước này sẽ nối lại các vụ thử hạt nhân.
Đến nay, Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân, trong đó lần gần đây nhất vào tháng 9/2017.
Hôm 29/3, trong khi đang ở thăm Washington, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi Triều Tiên tham gia đối thoại nghiêm túc; tái khẳng định cam kết của họ đối với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.
"Các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết chung đối với mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên. Cả hai nhà lãnh đạo cùng kêu gọi CHDCND Triều Tiên tham gia vào tiến trình ngoại giao nghiêm túc và bền vững, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.", tuyên bố chung Mỹ- Singapore viết.
Trong một động thái liên quan, hôm 30/3, Hàn Quốc cho biết họ đã phóng thành công tên lửa vũ trụ nhiên liệu rắn đầu tiên, gọi đó là một bước tiến quan trọng nhằm đạt được khả năng giám sát từ không gian trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.