Tàu Ô, Xóm Ruộng - Những chiến công đi vào lịch sử

Lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh Bình Phước ghi công nhiều thế hệ nối tiếp nhau xung trận. Rất nhiều người hy sinh, rất nhiều người vì mối thù chung mà 'đền nợ nước, trả thù nhà'… Trong chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô 50 năm trước, nhiều giao liên trong độ tuổi niên thiếu ở vùng đất Tân Khai đã xông pha trận mạc, nhờ thông thuộc địa hình, gan dạ, dũng cảm. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, họ đã có những đóng góp xứng đáng cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Với nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Tấn Hưng, Tàu Ô - Xóm Ruộng cũng là địa danh mà ông và nhiều giao liên đồng trang lứa đã góp sức làm nên những chiến thắng nức lòng…

Bình Phước Online trân trọng giới thiệu 2 chiến công đáng nhớ trên trận địa Tàu Ô qua lời kể của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Tấn Hưng.

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Tấn Hưng

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Tấn Hưng

Những năm 1971-1972….

Tân Khai lúc đó là một trọng điểm giằng co quyết liệt giữa ta và địch. Để phá chốt, mở đường 13, đưa các lực lượng lên ứng chiến cho An Lộc, địch đã dùng nhiều thủ đoạn: Sử dụng tối đa binh, hỏa lực, thực hành bao vây kết hợp đột phá từ nhiều hướng, nhiều mũi, cả tiến công bằng đường bộ kết hợp với đổ bộ đường không bằng trực thăng, chúng tổ chức nhiều mũi đột kích, đánh phá ban ngày kết hợp luồn lách vào ban đêm để truy tìm, phá hoại, cắt tiếp tế của ta, đồng thời tạo bàn đạp tiến công từ cự ly gần và chia cắt thế trận của ta. Dù chỉ trải dài chưa đầy 10 cây số, khu vực Chơn Thành, Tàu Ô, Xóm Ruộng bấy giờ lại là một địa danh vô cùng khốc liệt.

Giao liên lúc đó được đánh giá như linh hồn của các trận đánh, bởi giao liên thông thạo địa hình, thuộc đường, biết cắt rừng, băng suối, bám ruộng, đi tắt, đồng thời nắm rõ quy luật bọn địch đặt trái, gài mìn… Đất Tân Khai này, có không ít những đồng chí của ta hy sinh oan uổng chỉ vì người dẫn đường phạm sai lầm. Một kỹ năng hết sức quan trọng của người dẫn đường là phải biết cách nghiên cứu địa hình, vẽ sơ đồ, ghi nhớ từng chi tiết mục tiêu của địch thì mới có thể dẫn cán bộ tiếp cận thành công. Cũng nhờ có những giao liên dạn dày kinh nghiệm, mặt trận Tàu Ô - Xóm Ruộng năm nào ghi dấu những chiến công oanh liệt.

Trừng trị kẻ phản dân hại nước

Một trong những chiến công mà giao liên chúng tôi tham gia, gây được tiếng vang lúc đó chính là diệt trừ một tên ác ôn sừng sỏ tại Tân Khai. Tôi và nhiều bạn cùng trang lứa lúc đó tham gia khá nhiều hoạt động ở Tàu Ô - Xóm Ruộng. Tôi nhớ mãi kỷ niệm với Út Bảo, một người chí cốt của tôi khi tham gia vụ trừng trị tên K (tên nhân vật đã thay đổi), một tên Việt gian ác ôn khét tiếng. K đã gây nhiều tội ác với nhân dân, với cách mạng. Đã nhiều lần ta lập kế hoạch tiêu diệt nhưng không bắn được. K vốn là con một gia đình cố nông tại Tân Khai. Sau mấy năm Mỹ - Diệm chiếm đóng Tân Khai, Bình Long, K đã quay đầu với nhân dân, đi theo giặc. Bằng những thủ đoạn của một cố nông vô học đã lưu manh hóa, chỉ trong vòng mấy năm K trở thành ác ôn với vô vàn những tội ác; nó chỉ điểm những cơ sở cách mạng, tiếp tay cho địch lùng sục, bắt bớ những dân lành hoặc nhà ai có người theo cách mạng.

Tên K này rất ranh ma, nó luôn cảnh giác trong mỗi hoạt động. Nó thay đổi nơi ăn ở, vận dụng nhiều chiêu thức để trốn tránh sự truy sát của cách mạng. Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương “dân bám đất, cách mạng bám địch” để “một tấc không đi, một ly không rời” của cấp trên, đội diệt ác, phá kềm của Tân Khai chủ trương tiêu diệt tên K.

Tôi trực tiếp phụ trách mũi trinh sát và phòng vệ bên ngoài. Súng K54 tổ chức giao cho đã đem về để sẵn trong nhà bác Sáu Lợi - công an phụ trách địa bàn. Chỉ có tôi, Út Bảo và chú Sáu Lợi biết chỗ để cây súng này mà thôi.

Thật chẳng có ai liều lĩnh, táo bạo như Út Bảo. Phương án tiêu diệt tên ác ôn sừng sỏ mà Bảo thực hiện vô cùng đơn giản như con nít chơi trò đánh trận giả. Hôm đó, tình cờ đi ngang một rạp mộc (chỗ người ta đóng bàn ghế), nhác thấy tên K đang nghiêng lưng bào gỗ, đóng một bộ ván đắt tiền. Nhanh như cắt, Út Bảo chạy về nơi cất giữ khẩu súng, lên đạn sẵn sàng rồi rồi giấu sau thắt lưng. Giả bộ vô tiệm tạp hóa mua thuốc, Út Bảo bước sang rạp mộc mà tên K đang bào gỗ bỗ bã chào hỏi:

- Sếp cũng biết bào gỗ sao? Cứ để đám tay chân thuộc hạ làm cho, cần gì phải động thủ…

Tên K không một mảy may nghi ngờ gì, vẫn tiếp tục nghiêng người bào gỗ, còn Út Bảo, người bạn “Việt cộng con” can đảm, gan dạ của tôi rút súng siết cò “Đoàng! Đoàng! Đoàng”. Ba phát súng chát chúa nổ giòn đã kết liễu tên Việt gian trong nháy mắt.

Tên K ác ôn bị trừng trị đã góp phần quan trọng nâng cao khí thế cách mạng của quần chúng, hạ uy thế của địch. Bọn tề ngụy tại Tân Khai rúng động, choáng váng trước cái chết của tên ác ôn, không dám ngông nghênh làm càn, làm hại bà con mình như lúc trước…

Công đồn Cần Đâm, Chà Là - diệt sĩ quan Mỹ

Một trong những chiến công vang dội trên mặt trận Tàu Ô - Xóm Ruộng là phương án công đồn trừ khử 4 tên sĩ quan Mỹ và một tên thông ngôn.

Tân Khai lúc này đồn bốt giăng đầy, đồn Cần Đâm vừa lính ngụy, vừa lính Mỹ trên 200 tên, lên tới Chà Là là đồn nghĩa quân 30 tên ở bên trong, còn bên ngoài chúng xây một căn nhà khá kiên cố cho 4 tên Mỹ cùng một tên thông ngôn, tụi chúng chủ yếu thực hiện tâm lý chiến. Chúng nói chuyện trước dân rất hay, nhẹ nhàng, ân cần, dỗ dành, ru ngủ.

Với chiếc áo dân sự hiền lành, bộ máy tâm lý chiến của Mỹ không chỉ làm chức năng thông tin báo chí, nó là đầu mối chỉ đạo các hoạt động chiến tranh tâm lý và phá hoại tư tưởng của CIA ở nước ngoài. Không có một hoạt động văn hóa truyền thông nào của bộ máy đó lại không xuất phát từ chính sách đối ngoại của nhà nước Mỹ và mưu đồ của CIA bành trướng cái gọi là sức mạnh Mỹ, lối sống Mỹ, tư tưởng Mỹ trên toàn thế giới.

Chiến trường Tân Khai này cũng vậy, bộ máy chiến tranh tâm lý của quân đội Sài Gòn được giao nhiệm vụ “phản tuyên truyền hạ uy thế cộng sản, tranh thủ nhân dân, nhất là nông dân, tách rời tâm hồn và tư tưởng của nhân dân ra khỏi cách mạng”. Chiến tranh tâm lý của Mỹ đã hoạt động rất mạnh và dai dẳng trên quy mô rộng lớn ngay từ khi chúng chuẩn bị thai nghén cho chế độ tay sai trá hình của chúng ở miền Nam. Chúng cố làm cho nhân dân ta mơ hồ giữa những người yêu nước cách mạng chống xâm lược và bọn Việt gian bán nước tay sai đế quốc xâm lược Mỹ. Đây là điểm xuất phát, là tiền đề để tạo nên hàng loạt những chiêu bài lừa bịp khác. Chúng còn bịa đặt và thổi phồng những khó khăn và tổn thất của ta, đổi thất bại của chúng thành thắng lợi và đổi thắng lợi của ta thành thất bại hòng gây tâm lý hoang mang, dao động, thiếu tin tưởng trong quân và dân ta.

Lăn lộn với phong trào ở cơ sở, đường đi lối lại, quy luật hoạt động và cả thói quen của tụi Mỹ, tôi nghiên cứu rất kỹ. Tôi cho rằng: muốn trừ khử đám sĩ quan Mỹ này không liều không xong. Nghĩ là làm, tôi bàn với các chú lãnh đạo:

- Theo cháu thấy, đánh cái đồn này không khó đâu mấy chú.

- Sao không khó? Phương án ra sao? Đánh kiểu gì, mấy chú còn ngán, cháu sao dám liều? – một chú lãnh đạo can ngăn.

- Nhưng cứ để cho thằng nhỏ nó trình bày quan điểm của nó chứ - một chú khác động viên.

Tôi bàn với mấy chú phương án tác chiến là thế này… thế này…

Hơi do dự một chút nhưng cuối cùng các chú cũng đồng ý.

Nhà tôi tản cư lên Chà Là, có 4 hộ gia đình với nhà tôi, nằm trong một thẻo đất sát bìa đồn, cạnh đó là lô cao su, là rừng rậm… Phía sau, bọn giặc gài mìn dày đặc, không thuộc đường dẫm trái, chết như chơi. Từ nhà tôi quẹo vô nhà bác Út Tốt có một cái mương, nước chảy quanh năm mà sâu lắm. Để qua suối, mọi người bắc 2 thanh gỗ làm cầu, tôi tận dụng chỗ này làm ám hiệu. Tôi cắm 2 cây chày sát cầu, để tổ công tác đụng cây chày thì theo lối đó mà lên, bò qua 2 nhà là tới nhà tôi. Tôi dặn:

- Mấy chú cứ theo sơ đồ cháu chỉ. Tới 2 cái thùng tono đựng nước cạnh một cây chà là, các chú len lỏi theo đường đó đụng một cây chà là lớn nữa thì ém bên thân cây chờ cháu.

Tối hôm đó, tôi hồi hộp, căng thẳng chờ mấy chú hành động. Đúng theo kế hoạch, tổ công tác là những chiến sĩ thiện nghệ thuộc C70 do bác Ba Bình, Đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy. Họ áp sát mục tiêu một cách an toàn. Quan sát thấy mấy chú đã vào vị trí, tôi giả bộ bước ra khỏi nhà, sự xuất hiện của tôi - theo kế hoạch - là đã đi đúng mục tiêu. Xong xuôi, tôi trở vô nhà giục dì Năm:

- Dì Năm ơi, dì xuống hầm trú ẩn ngay đi.

Chưa hiểu mô tê gì cả, dì nạt tôi:

- Cái thằng ngủ mớ nói sảng không à, ngủ đi con.

- Con có ngủ đâu mà mớ, dì xuống nhanh lên. Cách mạng vô tới rồi, chuẩn bị công đồn đó.

Dì Năm tái mặt, lật đật chui xuống hầm. Dì không quên ngoái lại, nhắc:

- Còn con nữa, lo mà xuống hầm cho lẹ, bom đạn vô tình con ơi.

Tôi nín thở, hồi hộp dõi theo trận đánh. Giờ G đã điểm.

- “Pằng, pằng pằng” - một loạt AK vang lên, xé toang màn đêm dày đặc, đây là lối bắn nghi binh, hướng sự chú ý của địch về phía mũi công tác đang mai phục phía dưới ruộng.

Đúng như vậy, bọn lính trong đồn nhốn nháo, chĩa súng về hướng bờ ruộng, bắn loạn xạ, ì đùng.

Thừa lúc đó, tổ công tác đang ém trong vườn nhà tôi nhanh chóng tiếp cận bờ rào, khoảng cách từ đó đến đồn giặc chỉ còn khoảng 60 thước. Chỉ chờ lúc đó, 2 cây B40 của ta nhất tề phát hỏa. 2 tiếng nổ chát chúa vang lên, cái đồn giặc chìm trong biển lửa, cả chiếc xe Jeep của bọn Mỹ bốc cháy ngùn ngụt. Quả thật, bọn Mỹ đã quá chủ quan, bất ngờ bị ta tiếp cận sát vách mà không biết, lại bị loạt AK đánh lạc hướng! Kết quả, căn nhà sập hoàn toàn, 3 thằng Mỹ và thằng thông ngôn chết ngay tức khắc, còn một tên, may mắn đứng phía sau một gốc chà là lớn nên thoát chết.

Minh họa: Sỹ Hòa

Minh họa: Sỹ Hòa

Đợt đó ta thắng lớn, tiêu diệt 3 tên sĩ quan Mỹ và mấy tên lính. Chúng đã tan xác ngay trong loạt súng đầu. Tên Mỹ còn lại bị thương nặng, nó may mắn đứng phía sau một gốc chà là lớn nên thoát chết, cố lết ra bìa rừng, trốn nhủi xuống hồ nước cạnh đó. Thật hả hê cho tên đế quốc xâm lược, nó đã làm mồi cho bọn đỉa đói khát trong hồ, chúng thi nhau hút máu tên Mỹ. Còn tên giặc thì cuối cùng cũng bị ta bắt làm tù binh. Tên thông ngôn cũng chịu chung số phận với 3 viên sĩ quan và mấy tên lính trong đồn.

Hưng Cát ghi

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/136366/tau-o-xom-ruong-nhung-chien-cong-di-vao-lich-su