Tàu quốc tế vào 'ăn hàng' ở trung tâm sản xuất

'Tuyến đường sắt nối thành phố Nam Ninh, Trung Quốc và đến ga Gia Lâm, Hà Nội, chạy 3 ray, khổ lớn 1,4m, chạy tàu liên vận quốc tế, tàu chở hàng đi thẳng nối với hệ thống đường sắt của Trung Quốc, đường khổ 1m tàu Việt Nam chạy. Tàu quốc tế vào 'ăn hàng' ở trung tâm sản xuất tại Bắc Ninh, Hà Nội và vùng phụ cận xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc, thi thoảng có đoàn tàu chạy sang châu Âu'.

Đó là chia sẻ của Thiếu tá Nguyễn Trường Giang, Phó Trạm trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng (Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, BĐBP tỉnh Lạng Sơn). Thiếu tá Giang nói tiếp: “Tàu khách liên vận quốc tế đã hoạt động trở lại cuối tháng 5/2025, sau 5 năm ngừng hoạt động vì đại dịch Covid-19. Hành khách khởi hành từ thành phố Nam Ninh đến ga cuối cùng Gia Lâm. Anh có thể mua vé lên tàu này từ ga quốc tế Đồng Đăng về Hà Nội, coi như trải nghiệm tàu quốc tế. Chiều ngược lại khởi hành ở ga Gia Lâm đến Nam Ninh, sẽ chuyển sang tàu cao tốc đi thẳng Thượng Hải, Bắc Kinh...”.

Tàu chở hàng đang đỗ ở ga quốc tế Đồng Đăng chuẩn bị xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Hải Luận

Tàu chở hàng đang đỗ ở ga quốc tế Đồng Đăng chuẩn bị xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Hải Luận

Cả thế giới dõi theo sự kiện đặc biệt

Lời giới thiệu của Thiếu tá Giang làm cho tôi tò mò và quyết định đi theo tổ làm thủ tục xuất nhập cảnh Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng từ 23 giờ đến 3 giờ sáng. Ban đêm, ở biên giới thanh vắng, bỗng có tiếng loa thông báo của ga quốc tế Đồng Đăng chuẩn bị đón chuyến tàu khách liên vận quốc tế Nam Ninh - Hà Nội. Vài phút sau, đoàn tàu từ từ tiến vào đỗ đường số 1, đoàn tiếp viên người Trung Quốc đi thành hàng vào ga làm thủ tục nhập cảnh Biên phòng, kiểm tra Hải quan, Kiểm dịch. Tiếp đến, hành khách xuống tàu, kéo theo hành lý xếp đi qua cửa Hải quan soi chiếu. Làm xong thủ tục nhập cảnh, cán bộ Biên phòng, nhân viên nhà ga hướng dẫn khách quay trở lại tàu. Phía đầu đoàn tàu cũng đã hoàn tất việc thay đầu máy của Việt Nam, kéo còi rời ga Đồng Đăng đến ga Gia Lâm.

“Theo quy định hiện hành, tất cả các loại tàu đường sắt từ Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, khi đến đường biên giới phải dừng lại đón tổ công tác Biên phòng lên làm nhiệm vụ giám hộ đến ga quốc tế Đồng Đăng. Tàu từ Việt Nam xuất cảnh sang Trung Quốc, tổ công tác Biên phòng lên từ ga Đồng Đăng đến đường biên giới, tàu dừng lại để tổ công tác xuống, kết thúc hành trình ở lãnh thổ Việt Nam. Nếu tàu chở container, phía sau đoàn tàu có một toa đầy đủ tiện nghi, máy điều hòa nhiệt độ để tổ công tác Biên phòng lên làm nhiệm vụ” - Thiếu tá Giang giải thích.

1 giờ 30 phút sáng, đoàn tàu khách từ ga Gia Lâm đã đến ga quốc tế Đồng Đăng, mọi hành khách xuống ga làm thủ tục xuất cảnh. Thay đầu máy tàu của Trung Quốc, chạy đến ga Bằng Tường, Trung Quốc, phía bạn làm thủ tục nhập cảnh. Coi như suốt cả đêm, các tổ công tác làm nhiệm vụ tại ga quốc tế Đồng Đăng không được ngủ.

Thời gian đợi tàu, Thiếu tá Giang kể câu chuyện đáng nhớ trong đời binh nghiệp, sự kiện Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đến Việt Nam bằng tàu lửa để dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai, giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra năm 2019. Thời điểm đó, cả thế giới đổ dồn dõi theo sự kiện đặc biệt Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Việt Nam, hai quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân và sự kiện Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đi bằng tàu lửa với quãng đường rất dài đến ga cuối Đồng Đăng, Việt Nam.

“BĐBP tỉnh Lạng Sơn đã huy động lực lượng để bảo vệ phạm vi rất rộng, một số mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt 24/24 giờ trước khi đoàn đến Việt Nam, cho đến khi đoàn tàu chở Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un rời khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đây là vinh dự của lực lượng Biên phòng làm nhiệm vụ ở biên giới, cửa khẩu” - Thiếu tá Giang chia sẻ.

Cán bộ Biên phòng làm nhiệm vụ ở ga quốc tế Đồng Đăng. Ảnh: Hải Luận

Cán bộ Biên phòng làm nhiệm vụ ở ga quốc tế Đồng Đăng. Ảnh: Hải Luận

“Cửa ngõ” hàng công nghiệp, điện tử

Mới 6 giờ sáng, một đoàn tàu chở container dài ngoằng từ Bắc Ninh đang chạy chậm vào ga quốc tế Đồng Đăng, chuẩn bị làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc. Tiếp đến, có đoàn tàu khác chở container từ phía Trung Quốc nhập cảnh vào, đang kéo còi, chạy chậm vào ga ở đường ray số 2. Tổng cộng có 5 đoàn tàu chở hàng đang đỗ ở ga quốc tế Đồng Đăng, bình quân một đoàn tàu chở được 1.300 tấn hàng, có tổng cộng 6.500 tấn hàng hóa chuẩn bị xuất nhập khẩu. Đằng sau các chuyến tàu chở hàng này, có biết bao nhiêu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về thu hút nguồn đầu tư nước ngoài, huy động vốn doanh nghiệp trong nước, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, công tác đối ngoại quốc tế...

“Trước năm 2020, ga quốc tế Đồng Đăng buồn lắm, trong một ngày, cả ga chỉ đón lèo tèo vài toa hàng, đời sống công nhân viên nhà ga gặp khó khăn. Từ năm 2022, hàng hóa xuất nhập khẩu bắt đầu tăng lên, hiện nay, mỗi ngày có từ 4 - 6 đôi tàu chở hàng qua lại biên giới. Có thời điểm, tàu chở hàng đậu kín tất cả các đường ray, có tàu chạy nhiều, nhân viên có công ăn việc làm, đời sống cũng khá hơn” - ông Lại Văn Định, cán bộ kỹ thuật ga quốc tế Đồng Đăng thông tin cụ thể.

Ngày 19/1/2023, Bộ Giao thông Vận tải (hiện nay là Bộ Xây dựng) đã ban hành quyết định cho phép ga Kép (tỉnh Bắc Ninh) được khai thác hoạt động tàu liên vận quốc tế. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hoạt động tàu liên vận quốc tế bằng đường sắt tại ga Kép. Ga Kép có 9 đường đón gửi và xếp dỡ hàng hóa.

“Trong chiến tranh chống Mỹ, ga Kép giống như “cảng cạn” và cửa ngõ tiếp nhận hàng viện trợ của Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa vận chuyển bằng đường sắt. Nay đất nước phát triển, ga Kép có nhiệm vụ gom hàng ở các khu công nghiệp Bắc Ninh, Hà Nội... để xuất khẩu. Nó được ví như “cửa ngõ” hàng công nghiệp, điện tử ở phía Bắc xuất khẩu sang thị trường khổng lồ Trung Quốc. Chiều ngược lại, ga Kép nhận hàng nhập khẩu, chủ yếu các loại nguyên liệu, máy móc phục vụ sản xuất trong nước, tạo ra nhiều sản phẩm quay lại xuất khẩu. Đồng tiền cứ xoay vòng theo bánh tàu mới tạo ra lợi nhuận cao” - ông Định dẫn ra nhiều chi tiết lịch sử và hiện tại đan cài nhau.

Từ việc kết nối giao thông thuận lợi tạo ra nhiều ưu thế trong hoạt động logistics, xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường sắt liên vận quốc tế theo tuyến Việt Nam - Trung Quốc. Ga Kép là đầu mối quan trọng cho các doanh nghiệp luân chuyển, lưu thông hàng hóa trong nước cũng như xuất khẩu, nhiều mặt hàng doanh nghiệp quá cảnh Trung Quốc đi các nước thứ ba như: Nga, Mông Cổ, Kazakhstan và châu Âu.

Đầu tư 8,37 tỷ USD làm tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc

Ngày 26/6/2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường tại Thiên Tân, Trung Quốc. Nhiều vấn đề về hợp tác đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới... được hai Thủ tướng bàn thảo, trong đó, đã chốt thời gian dự kiến khởi công xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hải Phòng vào ngày 19/8/2025. Tuyến đường sắt này có chiều dài khoảng 419km, theo khổ đường tiêu chuẩn thế giới, đi qua Hải Phòng, Hà Nội và Lào Cai, kết nối với hệ thống đường sắt Trung Quốc. Tổng vốn đầu tư khoảng 203.231 tỷ đồng (tương đương 8,37 tỷ USD).

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tau-quoc-te-vao-an-hang-o-trung-tam-san-xuat-post492213.html