Trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng căng thẳng hơn giữa Nga và các nước thành viên Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương - NATO, một diễn biến cực kỳ đáng chú ý đã được ghi nhận.
Tại Biển Đen mà cụ thể là gần bờ biển Crimea cũng như về phía Đông Địa Trung Hải theo hướng căn cứ Hải quân Nga ở Tartus, nhóm tàu chiến lớn nhất của NATO do một tàu sân bay Anh dẫn đầu, trên boong có tiêm kích tàng hình F-35B đang áp sát những mục tiêu kể trên.
"Có một tàu sân bay chở 8 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B của Hải quân Hoàng gia Anh cùng với 10 tiêm kích tương tự của Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đã được quan sát".
"Chiếc hàng không mẫu hạm được tháp tùng bởi 6 tàu chiến của Hải quân Hoàng gia, 1 khu trục hạm Mỹ, 1 chiến hạm Hà Lan, 1 tàu ngầm, 14 trực thăng hải quân và một đại đội Thủy quân lục chiến Hoàng gia".
"Nhóm tàu chiến này sẽ đi qua Địa Trung Hải, Trung Đông, sau đó tham gia hoạt động với các đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chứng tỏ Hải quân Hoàng gia cam kết tích cực trên trường quốc tế và hành động ở những nơi mà các chính trị gia của chúng ta thấy phù hợp".
"Biên đội trên gửi một tín hiệu đến những đối thủ tiềm năng cũng như các đồng minh đó là nếu họ cần chúng tôi sẽ ở đó, chúng tôi thường xuyên chiến đấu cùng nhau, vì vậy việc triển khai thực sự giúp củng cố mối quan hệ", Tư lệnh Hải quân Anh - Đô đốc Philip Jones khẳng định.
Ít nhất 2 tàu chiến của Hải quân Anh sẽ di chuyển về phía bán đảo Crimea, trong khi nhóm còn lại sẽ hướng đến phía Đông Địa Trung Hải, ngoài ra người Anh dự kiến sẽ cố gắng sử dụng tiêm kích F-35 của họ cạnh căn cứ quân sự Nga ở cảng Tartus.
Tuy nhiên điều đáng nói là mặc dù chiến dịch quy mô lớn của biên đội tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth thuộc Hải quân Hoàng gia Anh chưa kết thúc nhưng đã ghi nhận tổn thất đầu tiên.
Đơn vị tiêm kích hạm triển khai trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã bị thiếu hụt một tiêm kích tàng hình F-35B, sau khi chiếc máy bay chiến đấu này trong lúc thực hiện nhiệm vụ đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Ibiza.
Do sự cố kỹ thuật, chiếc tiêm kích nói trên đã gặp phải một số hư hỏng và trong những tháng tới sẽ không thể tham gia hoạt động chung của nhóm tấn công thuộc hải quân các quốc gia NATO.
Hiện tại vẫn chưa rõ hoàn cảnh xảy ra vụ việc, tuy nhiên theo một số nguồn tin thì sự cố xảy ra ngay khi hạ cánh, cụ thể là càng đáp phía trước của máy bay bị gãy, nhưng có thông tin khác lại cho rằng lỗi nằm ở hệ thống thủy lực.
Trong lúc này, chiếc tiêm kích F-35 nói trên vẫn đang phải nằm lại trên đất Ibiza để chờ sửa chữa, có lẽ nó sẽ phải được tháo cánh và đưa lên máy bay vận tải hạng nặng để trở về trung tâm bảo dưỡng.
Việc gặp tổn thất ngay trước khi tiến hành hoạt động quân sự nhằm "gửi thông điệp tới Nga" cho thấy sự thiếu may mắn vẫn đang ám ảnh Hải quân Hoàng gia Anh cũng như các nước NATO.
Bên cạnh đó, mức độ tin cậy của tiêm kích tàng hình F-35B Lightning II cũng bị đặt một dấu hỏi lớn, khi nó vẫn luôn bị mang tiếng là còn vô số lỗi kỹ thuật cần phải khắc phục.
Thông qua sự việc trên còn nhận thấy một điều đó là hoạt động của tiêm kích hạm trên tàu sân bay luôn chứa đựng sự rủi ro cao và cần có kinh nghiệm vận hành thật dày dạn.
Việt Dũng