Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc dẫn hạm đội hùng hậu tới Thái Bình Dương để làm gì?
Một hạm đội tàu hùng hậu dẫ đầu bởi tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Liêu Ninh, đã tiến vào Thái Bình Dương để tham gia cuộc tập trận ở vùng biển lớn.
Đáng chú ý, cuộc tập trận này được tổ chức ngay trong lúc mà các tàu sân bay của Mỹ di chuyển tới Ấn Độ Dương và cảng nhà ở Mỹ để tổ chức lễ Giáng sinh và năm mới. Điều này cho thấy rằng quân đội Trung Quốc (PLA) vẫn tỏ ra hết sức cảnh giác, theo các chuyên gia phân tích quốc phòng.
Tàu sân bay Liêu Ninh – được hộ tống bởi tàu khu trục hạng nặng Type 055 Nanchang, tàu khu trục Type 054 Rizhao và tàu hậu cần Hulun Lake – đã được phát hiện ở vị trí cách đảo Danjo khoảng 350 km về phía Tây trong hôm thứ Tư tuần này, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay. Hạm đội tàu sau đó băng qua eo biển Miyako và đi vào Thái Bình Dương trong ngày hôm sau.
Đội hình này không phải một nhóm tác chiến tàu sân bay đầy đủ, nhưng có khả năng cao sẽ có thêm ít nhất 1 tàu sẽ gia nhập đội hình này để tập trận, theo ông Lu Li-shih, cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan ở Kaohsiung, cho hay.
“PLA thường triển khai nhiều chiến hạm, đôi khi là một chiến hạm duy nhất, băng qua chuỗi đảo đầu tiên để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, rồi sau đó lại yêu cầu chúng gia nhập một nhóm tàu để huấn luyện” – ông Lu cho hay.
Chuỗi đảo đầu tiên, bắt đầu từ Nhật Bản kéo dài xuống Malaysia trong đó bao gồm Đài Loan, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ đối với khu vực và các lực lượng Trung Quốc cần phải băng qua nó mới có thể tới được vùng biển lớn của Thái Bình Dương.
Trong hôm thứ Ba tuần này, hải quân Nhật Bản cho hay họ đã phát hiện tàu khu trục tên lửa dẫn được Type 054D Xiamen đang băng qua eo Miyako, và ông Lu nhận định rằng con tàu này rất có khả năng sẽ gia nhập hạm đội mà tàu Liêu Ninh dẫn đầu để tập trận.
PLA hiện đang có 2 tàu sân bay đang hoạt động, chiếc thứ ba đang gần hoàn thiện, và tất cả các nhóm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc đều được thiết kế để hoạt động ở bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất nhằm ngăn chặn các lực lượng bên ngoài can thiệp trong trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và cần phải được tái thống nhất bằng mọi giá, dù là bằng vũ lực.
Trong khi đó, 23 nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ tuần tra Thái Bình Dương đã giảm bớt các hoạt động của họ khi mà lễ Giáng sinh và năm mới tới gần. Theo Viện Hải quân Mỹ, tàu USS Ronald Reagan đã trở về cảng nhà ở Yokosuka, Nhật Bản, trong khi tàu USS Carl Vinson đang ở Ấn Độ Dương, ngoài khơi phía Tây Bắc Australia.
Zhou Chenming, nhà nghiên cứu đến từ Viện Khoa học và Công nghệ Yuan Wang, nói rằng: “PLA sẽ không buông lỏng việc triển khai quân lực và tổ chức các cuộc tuần tra thường lệ xung quanh Đài Loan.”
Ông thêm rằng, Bắc Kinh rất quan ngại trước hoạt động tăng cường tiếp xúc giữa nghị sĩ Mỹ và giới chức Đài Loan, và sẽ tìm cách để tăng cường an ninh ở eo biển Đài Loan.
“Bắc Kinh không thể nắm rõ được ý định thực sự của Washington. Dường như, điều mà ông Joe Biden nói với Chủ tịch Tập Cận Bình trong hội nghị trực tuyến của họ - rằng Nhà Trắng sẽ ngăn chặn viễn cảnh cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung trở thành xung đột vũ trang – chỉ là một lời sáo rỗng” – ông Zhou nói.
Hồi đầu tháng, tờ SCMP đưa tin rằng tàu sân bay trực thăng thứ hai của PLA, Type 075, dự định được điều tới Chiến khu Đông bộ - chịu trách nhiệm giám sát eo biển Đài Loan – để tạo thêm một nền tảng tấn công mạnh mẽ cho các đơn vị tiền tuyến.
Tuần trước, kênh truyền hình trung ương CCTV đưa tin rằng tàu Type 075 đầu tiên của Trung Quốc, được điều tới Chiến khu Nam bộ, đã đạt được khả năng hoạt động bước đầu, yêu cầu cơ bản để các chiến hạm được triển khai chính thức.