Tàu sân bay hạt nhân của Nga có gì lạ?
Con tàu sân bay này có lượng choán nước 80-90.000 tấn, gần tương đương một tàu sân bay Mỹ. Nó dài 350m, có khả năng đi biển liên tục 120 ngày và di chuyển với tốc độ 55km/h.
Cục thiết kế Nevskoye (thành viên của Tập đoàn Đóng tàu thống nhất Nga) đã công bố thiết kế của tàu sân bay hạt nhân Project 11430E ‘Lamantin’. Mô hình của con tàu đã được mang ra trưng bày tại triển lãm hải quân quốc tế tại thành phố St. Petersburg.
Hãng tin TASS nói tàu sân bay ‘Lamantin’ được giao nhiệm vụ triển khai các lực lượng chiến đấu trên không với nhiều loại chiến đấu cơ trên hạm mang theo các loại vũ khí đối không, đối hải (tàu ngầm và tàu mặt nước), đối bờ, tấn công ven biển. Bên cạnh đó, tàu còn có nhiệm vụ đảm bảo sự sống còn của nhóm tác chiến hải quân, là nơi trú ẩn của lính đổ bộ và các phương tiện đổ bộ trước các cuộc không kích.
Theo tài liệu mà Cục thiết kế Nevskoye trình bày tại triển lãm, con tàu sân bay mới của Nga sẽ có hệ thống động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân, thủy thủ đoàn 2.800 người (ít hơn nhiều so với tàu sân bay Mỹ, ví dụ USS George Washington có lượng choán nước 104.200 tấn và thủy thủ đoàn hơn 6.000 người). Tàu Lamantin ngoài 2.800 thủy thủ còn mang theo 800 lính không quân. Dự kiến vòng đời của tàu là 50 năm.
Trước đó, tư lệnh hải quân Nga nói Nga lần đầu tiêm sẽ đóng một tàu sân bay hạt nhân, tuy nhiên tàu này sẽ khó mà được biên chế sớm.
“Sẽ có, tất nhiên, một tàu sân bay hạt nhân, nhưng không thể trong thời gian ngắn”, tư lệnh hải quân Nga, đô đốc Nikolai Yevmenov nói tại St. Petersburg hôm qua, theo TASS.
Những bình luận của vị đô đốc đã xác nhận những bản tin trước đó dẫn các nguồn tin ẩn danh nói rằng Nga đang phát triển tàu sân bay hạt nhân, nhưng không thể có tàu này sớm hơn 10 năm tới.
Thậm chí có nguồn tin nói hải quân Nga sẽ không thể có tàu này sớm hơn năm 2030. Nhưng chắc chắn đây là một bước cải thiện rất đáng kể, thay thế con tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đang hoạt động trong hải quân Nga nhưng liên tục gặp trục trặc.
Cuối năm ngoái, tàu Đô đốc Kuznetsov bị hư hại nghiêm trọng khi ụ khô PD-50 do Thụy Điển sản xuất tài xưởng sửa chữa số 82 ở Roslyakovo bị chìm trong khi tàu Kuznetsov đang ở trên ụ. Một cần cẩu hạng nặng đã đổ lên con tàu, tạo ra một lỗ hổng rất lớn trên thân và boong tàu.
Khả năng của Nga trong việc sửa chữa các hư hại này tỏ ra có hạn bởi xưởng sửa chữa đã bị hư hại lớn sau tai nạn, và đã có những ý kiến cho rằng thà bỏ con tàu còn hơn sửa chữa tốn kém, trong khi tàu có năng lực tác chiến thấp, kể cả được hiện đại hóa, nâng cấp.
Mặc dù hải quân Nga vẫn mơ có tàu sân bay hạt nhân, họ, vì thiếu tiền, vẫn cân nhắc những phương án thay thế, theo Business Insider. Tháng trước, trung tâm nghiên cứu khoa học Krylov công bố cái họ gọi là “một khái niệm cơ bản mới về một tàu sân bay”, là một thiết kế có vẻ tương tự nhưng hoàng tráng hơn tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của hải quân Anh. Tàu này chạy bằng động cơ turbine khí, rẻ hơn so với mẫu tàu sân bay hạt nhân mà trung tâm đã đưa ra trước đây từ 4-6 lần.
Nga có tàu ngầm hạt nhân, nhưng chưa từng có tàu sân bay hạt nhân trong hạm đội. Trong giai đoạn cuối Chiến tranh lạnh, Liên Xô đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo tàu sân bay hạt nhân mang tên Ulyanovsk, nhưng rồi dự án phải hủy bỏ vì các biến động chính trị và sự tan ra của liên bang Sô-viết.