Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth mở ra kỷ nguyên mới của không quân Anh ở châu Á-Thái Bình Dương

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth có chuyến ghé thăm Singapore ngắn ngày, sau khi được đưa tới hoạt động ở Bắc Á như một phần của việc triển khai Nhóm tác chiến tàu sân bay 2021, với mục tiêu đóng một vai trò lớn hơn ở châu Á-Thái Bình Dương của Anh.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh hoạt động ở châu Á-Thái Bình Dương. (Nguồn: FlightGlobal)

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh hoạt động ở châu Á-Thái Bình Dương. (Nguồn: FlightGlobal)

Chuyến thăm gần đây của con tàu 65.000 tấn tới quốc đảo này đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều năm, một tàu sân bay của Hải quân Hoàng gia Anh ghé thăm tiền đồn cũ.

Con tàu đã đi qua eo biển Singapore vào cuối tháng 7, nhưng vẫn tiếp tục đến Bắc Á, nơi nó có lịch trình tập trận dày đặc với các đồng minh trong khu vực bao gồm Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Mỹ.

Trước khi quay trở lại Singapore, các máy bay Lockheed Martin F-35B của tàu đã luyện tập phối hợp với các máy bay Lockheed F-16 của Không quân Singapore.

Do lo ngại về đại dịch Covid-19, thủy thủ đoàn phải ở lại tàu trong thời gian ở Singapore. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, du khách lên tàu được cấp khẩu trang N95 và găng tay cao su.

Tàu Queen Elizabeth mang theo 18 chiếc máy bay tiêm kích F-35B được điều động từ Phi đội 617 của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) và Phi đội máy bay chiến đấu 211 của Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC). Ngoài ra, con tàu còn "cõng" theo trực thăng Leonardo AW101 Merlins từ Phi đội Không quân Hải quân 820 và 845.

Sĩ quan chỉ huy Commodore Steve Moorhouse nói tại một cuộc họp báo trên tàu rằng sự hợp tác và khả năng tương tác của RAF và USMC rất tuyệt vời.

Đường băng cất cánh của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. (Nguồn: FlightGlobal)

Đường băng cất cánh của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. (Nguồn: FlightGlobal)

Sự phối hợp cũng được thấy ở lĩnh vực bảo dưỡng, khi hai lực lượng RAF và USMC chia sẻ các phụ tùng thay thế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phụ tùng thay thế được đưa đến từ các tàu đồng minh khác.

Trong các chuyến tham quan tàu sân bay, du khách có thể tự do đi dạo và chụp những bức ảnh cận cảnh. Tuy nhiên, khi ở trên tàu HMS Queen Elizabeth, du khách được yêu cầu giữ khoảng cách với những chiếc F-35B, đặc biệt là khi chụp ảnh.

“Sách hướng dẫn chụp ảnh F-35B” trên tàu chỉ ra các khu vực nhạy cảm mà du khách không được chụp ảnh trực tiếp, chẳng hạn như cửa hút, buồng lái, thiết bị nâng và phía sau động cơ.

Trên boong, mọi cửa nạp nhiên liệu cho động cơ máy bay F-35B đều được che kín. Du khách không được phép chụp ảnh trong khoang chứa máy bay, nơi một số máy bay đang được bảo dưỡng.

Hiện có 18 chiếc F-35B được triển khai trong Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth 2021, nhưng con tàu có thể chở tới 36 chiếc. Một sĩ quan trên tàu cho biết, số lượng lớn máy bay chiến đấu như vậy sẽ có tác dụng hỗ trợ đáng kể.

Một đặc điểm khác của tàu Nữ hoàng Elizabeth là các màn hình hiển thị lớn trên sàn đáp và trong khoang chứa máy bay. Những màn hình này thông báo cho phi hành đoàn về các chuyển động trên không, chẳng hạn như máy bay nào chuẩn bị cất cánh hoặc hạ cánh. Vào ban ngày, chữ có màu xanh lục, nhưng chữ chuyển sang màu đỏ cho các hoạt động ban đêm.

Boong của tàu có một lớp phủ đặc biệt mà một sĩ quan nói là "cực kỳ đắt tiền". Nó được thiết kế để nhanh chóng làm tiêu tan nhiệt độ cao tạo ra bởi luồng khí phụt xuống từ các máy bay F-35B đang hạ cánh.

Lớp phủ trên boong có tác dụng tản nhiệt hiệu quả đến mức phi hành đoàn có thể đi qua khu vực hạ cánh một cách an toàn sau khi máy bay đáp xuống.

Sau chuyến thăm ngắn ngày tới Singapore, tàu sân bay Nữ hoàng Elizabeth sẽ đi qua Eo biển Malacca đến Biển Andaman và xa hơn nữa. Theo dự kiến, Nhóm tác chiến tàu sân bay này sẽ trở lại Anh trước Giáng sinh năm nay.

(theo Flight Global)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tau-san-bay-hms-queen-elizabeth-mo-ra-ky-nguyen-moi-cua-khong-quan-anh-o-chau-a-thai-binh-duong-161522.html