Quân đội Trung Quốc hôm 30/12/2021 công bố hình ảnh đợt diễn tập của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh ở Tây Thái Bình Dương, đáng chú ý có hình ảnh tàu sân bay JS Izumo Nhật Bản bám sát tàu Liêu Ninh.
Trong ảnh, chiếc tàu Nhật Bản di chuyển ở mạn trái tàu Liêu Ninh, trong khi tiêm kích J-15 cất cánh từ boong tàu sân bay Trung Quốc.
Được biết hình ảnh này chụp từ trực thăng cứu hộ Z-9.
Một tàu hộ vệ tên lửa lớp Type-054A của hải quân Trung Quốc di chuyển giữa hai chiến hạm, dường như để cảnh giới và ngăn tàu sân bay Nhật Bản tiến gần hơn với tàu Liêu Ninh.
Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) hôm 15/12/2021 thông báo đang theo dõi nhóm tác chiến gồm tàu sân bay Liêu Ninh, khu trục phòng không Type-052D, hộ vệ hạm Type-054A và tàu tiếp vận Type-901 đang di chuyển từ biển Hoa Đông ra Tây Thái Bình Dương.
Biên đội tàu sân bay Liên Ninh của Trung Quốc quay về biển Hoa Đông sau khoảng 10 ngày diễn tập ở Tây Thái Bình Dương.
JSDF cho biết đã điều động tàu sân bay trực thăng Izumo, khu trục hạm Akizuki, máy bay tuần thám săn ngầm P-1 và P-3C để theo dõi cuộc diễn tập của Trung Quốc.
Các tiêm kích F-15J cũng được triển khai để theo dõi chiến đấu cơ J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh. Giới chuyên gia quân sự cho rằng tàu hải quân bám sát nhau trên vùng biển quốc tế là điều bình thường.
Không có dấu hiệu nào cho thấy tàu chiến Nhật Bản và Trung Quốc hành động nguy hiểm hay thiếu chuyên nghiệp trong cuộc chạm trán này.
Dù vậy, điều động tàu sân bay trực thăng cho nhiệm vụ theo dõi sát nhóm tàu sân bay nước khác là động thái hiếm gặp, nhất là trong bối cảnh Nhật Bản có nhiều chiến hạm và thường dùng các tàu hộ vệ, khu trục nhỏ hơn để bám sát tàu sân bay Trung Quốc.
"Đây có thể là cách Nhật Bản phát tín hiệu đến Trung Quốc, thể hiện năng lực và khả năng sẵn sàng triển khai lực lượng đối phó với hoạt động của Bắc Kinh trên Thái Bình Dương", chuyên gia quân sự Joseph Trevithick nhận xét.
Nhật Bản và Trung Quốc là hai quốc gia có sức mạnh hải quân hàng đầu châu Á, đều có những tàu sân bay uy lực, hai nước này cũng có những tranh chấp trên biển.
Izumo (DDH-183) là chiến hạm lớn nhất của Nhật Bản kể từ sau thế chiến II. Con tàu dài 248m, rộng 38m, có lượng giãn nước đầy tải 27.000 tấn, thậm chí lớn hơn lượng giãn nước của tàu sân bay một số quốc gia khác.
Trong ảnh là nhà chứa máy bay trên tàu, có thể chứa tới 14 trực thăng. Tàu Izumo có thể mang các trực thăng tác chiến chống ngầm SH-60K Seahawk và trực thăng MCH-101 biến thể rà phá thủy lôi.
Do là một chiến hạm rất lớn nên trên tàu được bố trí đầy đủ trang thiết bị cho việc sinh hoạt của lượng lớn thủy thủ và phi công. Hình ảnh một buồng bệnh đa năng trang bị trên tàu Izumo.
Izumo có thủy thủ đoàn và phi công lên tới 450 người.
Trên tàu còn có một phòng trang bị nhiều màn hình lớn, có vẻ là phòng họp tập trung.
JMSDF xếp JDS Izumo vào nhóm tàu tác chiến chống ngầm, có khả năng chở đến 28 máy bay các loại. Tuy nhiên, cấu hình chiến đấu ban đầu của Izumo chỉ bao gồm 7 trực thăng săn ngầm và hai trực thăng tìm kiếm cứu nạn.
Izumo cũng là tàu chiến đa nhiệm, có thể tiến hành đồng thời nhiều hoạt động như hỗ trợ đổ bộ và kiểm soát không phận, tấn công đất liền.
Tàu có thể chở khoảng 400 binh lính và 50 xe tải loại 3,5 tấn hoặc thiết bị tương đương.
Sàn đáp trên tàu có thể tiếp nhận 5 trực thăng cất hạ cánh cùng lúc. Hiện tàu Izumo đã cải tiến để có thể vận hành tiêm kích tàng hình cất hạ cánh thẳng đứng F-35B hoặc máy bay cánh xoay V-22 Osprey, trở thành một tàu sân bay tiến công đúng nghĩa.
Tuy nhiên, tàu không có hệ thống máy phóng (catapult) hoặc dốc nghiêng (ski-jump) để có thể vận hành máy bay cánh bằng, vì thế tiêm kích F-35B sẽ phải cắt giảm nhiên liệu và vũ khí một chút để có thể cất cánh dễ dàng.
Nhược điểm của Izumo là vũ khí phòng thủ khá nghèo nàn, chỉ có khả năng tự vệ nhờ hai hệ thống pháo tầm gần Phalanx và hai bệ tên lửa tầm ngắn SeaRAM, cùng hệ thống tác chiến điện tử, mồi bẫy và phao thủy âm gây nhiễu chống ngư lôi.
Tuy vậy chúng cũng có những tàu khu trục hộ tống nên cũng không đáng lo ngại. Hiện tàu Izumo có cảng nhà tại quân cảng Yokosuka.
Việt Hùng