Tàu sân bay Kuznetsov hiện là hàng không mẫu hạm duy nhất mà Nga đang sở hữu, tuy nhiên con tàu này đã nhiều năm chưa ra khơi, chỉ nằm trong cảng sửa chữa.
Kể từ năm 2017, hàng không mẫu hạm Kuznetsov đã được Hải quân Nga đưa vào cảng nâng cấp. Sau bốn năm, Kuznetsov vẫn đang tiếp tục được... nâng cấp, không hẹn ngày về.
Một loạt các sự cố xảy ra trong quá trình nâng cấp, đại tu tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, đã khiến quá trình sửa chữa phải kéo dài và chi phí bị đội lên rất cao.
Đối diện với những bất cập này, nhiều người đã đặt câu hỏi rằng, tại sao Hải quân Nga chưa cho chiếc Kuznetsov về hưu?
Câu trả lời rất đơn giản, tàu sân bay Kuznetsov của Nga hiện tại là phần lãnh thổ di động trên biển duy nhất của quốc gia này, việc đưa Kuznetsov về hưu, sẽ biến Hải quân Nga thành lực lượng "trắng" tàu sân bay.
Trong khi mà mọi cường quốc khác trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp,... đều sở hữu tàu sân bay, Nga buộc phải sở hữu loại tàu chiến đắt đỏ này, để có thể được "ngồi chung mâm" với các ông lớn kể trên.
Đặc biệt, trong bối cảnh mà Thái Lan cũng sở hữu tàu sân bay như hiện tại, Hải quân Nga sẽ "ê chề" hết mức khi loại biên Kuznetsov và khi đó, Moscow sẽ có sức mạnh tàu sân bay thua cả... Bangkok.
Ngành công nghiệp đóng tàu của Liên Xô trong quá khứ và của Nga hiện tại vẫn chưa bao giờ đạt được tới mặt bằng chung của thế giới. Nhất là kể từ khi Liên Xô tan rã, ngành công nghiệp đóng tàu chiến của Nga gần như "không còn gì".
Có lẽ đây cũng là lý do khiến nước Nga kể từ khi kế thừa Liên Xô tới nay, chưa tự đóng được bất cứ tàu chiến nào có giãn nước trên 10.000 tấn. Điều này khiến cho việc tự đóng tàu sân bay, rõ ràng là ý tưởng xa vời với Moscow ở thời điểm hiện tại.
Hải quân Nga, đơn giản chỉ là kế thừa những gì còn lại của Hải quân Liên Xô, và tới thế kỷ 21, Hải quân Nga có nhiệm vụ nâng cấp, cải tiến dàn tàu chiến khổng lồ từ thời xã hội chủ nghĩa này.
Và nếu Moscow loại biên tàu sân bay Kuznetsov, đồng nghĩa với việc Nga thừa nhận rằng, ngay cả việc nâng cấp tàu chiến cũ nước này cũng không thể làm nổi.
Hàng không mẫu hạm Kuznetsov từng là chiến hạm duy nhất, giúp Hải quân Nga thực hiện con bài "ngoại giao" tàu sân bay, khi tham chiến ở Trung Đông và tăng cường tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực.
Và trong tương lai nếu không có tàu sân bay, Moscow sẽ mất đi một con bài ngoại giao cực kỳ có giá trị. Dàn tàu ngầm hạt nhân của Nga hiện tại, dù đông đảo nhưng cũng khó có thể mang đi "ngoại giao" như tàu sân bay Kuznetsov.
Đô đốc Kuznetsov là tàu sân bay/tuần dương hạm mang máy bay có độ giãn nước tối đa 52.000 tấn, được Liên Xô thiết kế và bắt đầu đóng mới từ năm 1982.
Đây là hàng không mẫu hạm cực kỳ đặc biệt của Liên Xô, khi nó không những có khả năng triển khai tiêm kích, mà còn được trang bị tên lửa đối hạm, có thể đánh chìm tàu chiến đối phương màn không cần dùng tới dàn tiêm kích hạm của mình.
Cụ thể, Đô đốc Kuznetsov được trang bị tới 12 tên lửa đối hạm P-700 Granit, có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách tối đa lên tới 625 km.
Đây là một tính năng độc đáo chỉ có ở các tàu sân bay Liên Xô trước kia. Tuy nhiên việc tốn diện tích cho giếng phóng và tên lửa, khiến tàu Kuznetsov chỉ có khả năng mang theo được tối đa 24 tiêm kích hạm, ít hơn nhiều so với các loại tàu sân bay cùng hạng cân (ví dụ như Charles de Gaulle giãn nước chỉ 40.000 tấn nhưng mang được tới 40 tiêm kích Rafale M). Nguồn ảnh: YDX.
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov khi còn tham chiến ở Trung Đông. Nguồn: La Magpa.
Trần Trân