Tàu sân bay Mỹ đến Hàn Quốc sau khi Nga - Triều Tiên ký hiệp ước phòng thủ chung
Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt (CVN-71) cập cảng Hàn Quốc vào ngày 22-6 với mục đích thị uy sức mạnh.
Theo Hải quân Mỹ, tàu sân bay hạt nhân USS Theodore Roosevelt của Nhóm tác chiến tàu sân bay số 9 cập cảng TP Busan cùng tàu khu trục USS Halsey và USS Daniel Inouye.
Kể từ tháng 11-2023, đây là lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ đến Hàn Quốc, Yonhap News cho hay.
Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản dự kiến tổ chức cuộc tập trận đa phương 3 bên đầu tiên, được gọi là Freedom Edge, vào cuối tháng này.
Chuẩn Đô đốc Christopher Alexander, chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay số 9, nhấn mạnh Freedom Edge được triển khai nhằm nâng cao năng lực chiến thuật, cải thiện khả năng tương tác và ứng phó trước các tình huống bất ngờ trong khu vực.
Ông lưu ý rằng cuộc tập trận nêu trên không nhằm gửi thông điệp nào mà là một phần trong kế hoạch tập trận thường xuyên và định kỳ.
Trước đó, vào ngày 19-6, tại thủ đô Bình Nhưỡng, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký hiệp ước phòng thủ chung.
Hải quân Mỹ khẳng định chuyến thăm mới nhất của USS Theodore Roosevelt được triển khai nhằm thể hiện cam kết "sắt đá" của Washington đối với Seoul trước các mối đe dọa.
Về phần mình, Tổng thống Putin ngày 20-6 khẳng định Hàn Quốc "chắc chắn không có gì phải lo lắng" về hiệp ước Nga - Triều nêu trên.
"Sự giúp đỡ của Nga dành cho Triều Tiên chỉ diễn ra khi thế lực bên ngoài tấn công Triều Tiên. Theo như tôi biết, Hàn Quốc không có kế hoạch thực hiện bất kỳ hành động nào như vậy với láng giềng. Vì vậy, không có gì trong hiệp ước đáng lo cho họ" - ông chủ Điện Kremlin nói, theo hãng tin RIA Novosti.
Tổng thống Putin đồng thời cảnh báo Hàn Quốc "sẽ phạm sai lầm lớn" nếu viện trợ vũ khí cho Ukraine.