Tàu sân bay Trung Quốc được trang bị tiêm kích mới, J-15 đã lỗi thời?
Việc Trung Quốc phát triển một mẫu tiêm kích trên hạm mới được xem là phù hợp khi họ sắp đưa vào trang bị thêm một tàu sân bay mới.
Theo Sputnik, cùng với việc gấp rút hoàn thiện tàu sân bay thứ ba (tạm gọi Type 003), Trung Quốc đang âm thầm phát triển một mẫu tiên kích trên hạm mới dành cho lực lượng không quân hải quân của nước này. Thông tin này đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận Trung Quốc lẫn các nhà quan sát quốc tế.
Từ một số bức ảnh do các trang mạng xã hội Trung Quốc đăng tải cách đây vài ngày, mẫu tiêm kích trên hạm này nhiều khả năng được phát triển từ các mẫu chiến đấu cơ J-11B hoặc J-16 với một số sửa đổi để phù hợp hơn cho hoạt động trên tàu sân bay.
Điều đáng nói là bức ảnh về mẫu máy bay trên do chính kênh truyền thông của quân đội Trung Quốc đăng tải trên mạng xã hội Sina Weibo trong một phóng sự về hoạt động diễn tập gần đây của không quân hải quân Trung Quốc.
Các chuyên gia quân sự đã nhận ra sự bất thường trong bức ảnh này khi nó cho thấy đơn vị không quân hải quân trên có vẻ như đang thử nghiệm một mẫu tiêm kích mới nào đó
Andreas Rupprecht, một chuyên gia quân sự người Đức có kinh nghiệm nhiều năm về hàng không Trung Quốc nhận định rằng mẫu máy bay bí ẩn trên có thể là một biến thể trên hạm của J-11BSH hoặc J-16, thiết kế của nó có nhiều điểm khác biệt so với J-15 – dòng tiêm kích trên hạm chủ lực của hải quân Trung Quốc hiện tại.
Một điểm khác là chiếc máy bay trên vẫn đang giữ màu sơn lót màu vàng vốn chỉ thấy ở các nguyên mẫu máy bay thử nghiệm của quân đội Trung Quốc, phần đuôi của máy bay cũng dài một cách bất thường.
Trên thực tế, thiết kế phần đuôi máy bay như vậy thường được sử dụng để đặt bộ thu phát cảnh báo khi máy bay bị radar đối phương chiếu xạ hoặc các hệ thống áp chế điện tử. Ngoài ra, đây cũng là vị trí đặt mồi bẫy nhiệt.
Cũng cần phải nói thêm rằng, các dòng tiêm kích chủ lực của không quân lẫn hải quân Trung Quốc hiện tại như J-11, J-15 và J-16 đều được phát triển dựa trên thiết kế của dòng tiêm kích Su-27 của Liên Xô trước đây hay Su-30 của Nga hiện tại.
Tuy nhiên, J-15 có kích thước ngắn hơn các “anh chị em” của nó để phù hợp với hoạt động trên tàu sân bay. Điều này cũng xuất phát từ một thực tế là tránh việc đuôi máy bay va quệt với sàn đáp khi hạ cánh. Với thiết kế của mẫu máy bay mới rõ ràng nó được phát triển cho Type 003 khi tàu sân bay này được trang bị các máy phóng thay cho kiểu phóng nhảy cầu như trên các tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông trước đó của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc phát triển một mẫu tiêm kích trên hạm mới được xem là phù hợp khi J-15 có nhiều hạn chế trong tác chiến, trọng lượng cất cánh tối đa của máy bay thấp hơn so với thiết kế hải quân Trung Quốc mong muốn.
Rupprecht cho rằng với mẫu tiêm kích trên hạm mới, không quân hải quân Trung Quốc sẽ giải được bài toán về tầm tác chiến bị bó hẹp trên các tàu sân bay kiểu cũ.
Trước đó, tập đoàn chế tạo máy bay Thẩm Dương, nơi phát triển J-11B, J-15 và cả J-16 đều úp mở rằng họ đang phát triển một mẫu tiêm kích mới cho hải quân Trung Quốc. Các thông tin ban đầu cho thấy đó có thể là một biến thể trên hạm của tiêm kích tàng hình J-31.
Câu hỏi được nhiều nhà quan sát quan tâm nhất hiện tại là: Tại sao Trung Quốc lại phát triển một mẫu tiêm kích trên hạm mới dựa trên J-11B hoặc J-16 vốn bị đánh giá là không phù hợp cho hoạt động trên tàu sân bay. Bài học từ J-15 có lẽ là chưa đủ để họ rút ra được kinh nghiệm?