Sau 8 năm đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, nhiều ngư dân Bình Định làm ăn thua lỗ kéo dài đã đưa tàu về neo đậu ở Cảng Đề Gi, huyện Phù Cát. Địa phương này có 61 chủ tàu được vay vốn đóng mới tàu cá với tổng số dư nợ hơn 933 tỷ đồng.
Trong ảnh là 8 chiếc tàu thép bị ngư dân "bỏ quên" hỏng nặng ở Cảng Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định).
Chi nhánh Ngân hàng Vietcombank tại Bình Định đã phát mại hai tàu thép của ông Trần Văn Hạo và Trương Hoài Khánh (cùng ngụ TP Quy Nhơn) để thu hồi nợ. Tuy nhiên mỗi tàu thép chỉ bán thanh lý được 1,53 tỷ đồng (hai con tàu đóng mới ban đầu trị giá hơn 20 tỷ đồng).
Ông Trần Mão (cha của ngư dân Trần Văn Hạo, ngụ TP Quy Nhơn), cho hay con trai đã vay ngân hàng 17,7 tỷ và bỏ vào thêm một tỷ đồng để đóng tàu vỏ thép. Sau 5 năm, nợ gốc và lãi ngân hàng đội lên hơn 20 tỷ đồng.
Sàn tàu gỉ sét, bong tróc ra từng mảng. "Tiền phát mại tàu thép và bán ngôi nhà mặt phố Quy Nhơn chưa trả được 1/5 tiền nợ ngân hàng. Nợ nần chồng chất giờ đây nó bỏ quê đi biệt xứ rồi", ông Mão nói.
Theo các chủ tàu vỏ thép Bình Định, do chưa có kinh nghiệm trong quá trình sử dụng, thiết kế tàu chưa phù hợp với ngành nghề khai thác, hao tốn nhiên liệu quá nhiều nên chuyến biển nào cũng thua lỗ nặng đành đưa tàu về nằm bờ. Họ phải đi làm thuê cho các chủ tàu vỏ gỗ khác để mưu sinh.
Tàu thép gỉ sét, mục nát ở các cảng biển miền Trung. Từng là tỷ phú của làng chài, sau hơn 5 năm vay vốn đóng tàu thép theo Nghị định 67, ngư dân Phạm Tri Thức, ở xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) lâm cảnh nợ nần chồng chất.
Ngân hàng khởi kiện ông ra tòa, sau đó bán đấu giá thanh lý tàu thép thu hồi nợ chỉ được 1,6 tỷ đồng. "Chuyến biển nào ra khơi cũng đạt sản lượng thủy sản quá thấp, trong khi đó chi phí nhiên liệu, thuê lao động lại cao. Tôi đưa tàu thép về nằm bờ, không còn khả năng trả nợ cho ngân hàng", ông Thức nói.
Nhiều bộ phận của tàu thép bị oxy hóa mục nát, hỏng nặng. Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, trong số 62 chiếc tàu của ngư dân địa phương đóng theo Nghị định 67 thì có 48 chiếc hoạt động không hiệu quả. Các chủ tàu không trả được nợ gốc và lãi theo cam kết với ngân hàng. Trong số này có 43 chủ tàu phát sinh nợ xấu với dư nợ gần 167 tỷ đồng.
Minh Hoàng