Tàu Thường Nga-6 của Trung Quốc đi vào quỹ đạo Mặt Trăng
* Nga phát triển nhà máy điện hạt nhân trên Mặt Trăng
Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) ngày 8/5 thông báo tàu vũ trụ Thường Nga-6 (Chang'e-6) của nước này đã đi vào quỹ đạo tròn quanh Mặt Trăng.
Theo CNSA, vào lúc 10 giờ 12 ngày 8/5 (giờ Bắc Kinh - tức 11 giờ 12 cùng ngày theo giờ Việt Nam), tàu Thường Nga-6 đã thực hiện thành công quy trình phanh gần Mặt Trăng, trước khi đi vào quỹ đạo vòng quanh Mặt Trăng.
Quy trình phanh gần Mặt Trăng là biện pháp kiểm soát quỹ đạo quan trọng đối với tàu Thường Nga-6 trong suốt chuyến bay.
Việc phanh hãm khiến tàu có thể chịu lực hấp dẫn của Mặt Trăng và bay quanh vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất.
Được hỗ trợ bởi vệ tinh chuyển tiếp Thước Kiều 2 (Queqiao-2), tàu Thường Nga-6 sau đó sẽ điều chỉnh độ cao và độ nghiêng của quỹ đạo quanh Mặt Trăng, đồng thời chọn thời điểm thích hợp để thực hiện việc tách các tổ hợp.
Tàu Thường Nga-6 có nhiệm vụ lấy mẫu vật từ vùng khuất của Mặt Trăng và đem trở về Trái Đất. Đây là lần đầu tiên con người thực hiện sứ mệnh này trong lịch sử thám hiểm Mặt Trăng.
Theo nhà khoa học Ngô Vĩ Nhân (Wu Weiren), Trưởng nhóm thiết kế chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc, hiện nay con người có rất ít hiểu biết về vùng khuất của Mặt Trăng.
Nếu Thường Nga-6 hoàn thành sứ mệnh, các nhà khoa học sẽ có được những vật chứng trực tiếp đầu tiên để hiểu hơn về môi trường và cấu tạo vật chất của khu vực này, những hiểu biết có vai trò cực kỳ quan trọng.
Tàu vũ trụ Thường Nga-6 là một tổ hợp gồm tàu quỹ đạo, thiết bị hạ cánh, thiết bị bay lên và thiết bị trở về. Sau khi lên đến Mặt Trăng, thiết bị hạ cánh sẽ giúp tàu “đáp êm” xuống vùng tối.
Trong vòng 48 giờ sau hạ cánh, một cánh tay robot sẽ bung ra để thu thập đá và đất từ bề mặt của Mặt Trăng đồng thời 1 mũi khoan cũng được khoan xuống bề mặt hành tinh này đất trước khi bắt đầu công tác phân tích khoa học.
Sau khi các mẫu vật được đưa vào thùng chứa và niêm phong, thiết bị cất cánh sẽ đưa thùng từ Mặt Trăng trở lại ghép nối với tàu quỹ đạo, từ đó thiết bị trở về sẽ đưa các mẫu vật này về Trái Đất, dự kiến đáp xuống khu tự trị Nội Mông. Theo CNSA, toàn bộ quá trình này được tính toán thực hiện trong 53 ngày. Trước đó, sứ mệnh Thường Nga-5 đã mang về cho Trung Quốc 1.731gram vật chất từ Mặt Trăng.
* Theo phóng viên TTXVN tại Moscow, Tổng Giám đốc Cơ quan Vũ trụ LB Nga Roscosmos, ông Yury Borisov tuyên bố Nga bắt đầu phát triển nhà máy điện hạt nhân, được dự định sẽ đưa lên Mặt Trăng trong giai đoạn 2033-2035 để xây dựng một trạm khoa học chung với Trung Quốc tại đây.
Hãng tin RIA Novosti dẫn phát biểu ngày 8/5 của Tổng Giám đốc Borisov khẳng định các chuyên gia, kỹ sư, nhà khoa học Nga đã bắt tay vào công việc này. Hai tháng trước, ông đã đề cập đến kế hoạch lắp đặt một nhà máy điện trên Mặt Trăng và nhấn mạnh tất cả các giải pháp công nghệ cần thiết hiện đã sẵn sàng.
Trước đó, Tổng Giám đốc Roscosmos cho biết Nga cùng với các đối tác Trung Quốc đang xem xét việc vận chuyển và lắp đặt một nhà máy điện hạt nhân trên bề mặt Mặt Trăng trong giai đoạn 2033-2035. Cuối tháng 4, Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Rosatom của LB Nga, ông Alexei Likhachev cho biết tập đoàn đã nhận được đề xuất của Roscosmos về các nhà máy điện hạt nhân, bao gồm cả các nhà máy hoạt động ở hành tinh khác.
Cũng có thông tin cho rằng Rosatom đã bắt đầu thử nghiệm thiết bị sản xuất nhiên liệu hạt nhân cải tiến. Địa điểm sản xuất được đặt tại TP Seversk thuộc tỉnh Tomsk.
Ngày 29/12/2023, Chính phủ Nga đã phê chuẩn thỏa thuận được ký với Trung Quốc về việc hợp tác lập Trạm Khoa học Mặt Trăng Quốc tế. Các bên tham gia chính trong dự án sẽ là Roscosmos và Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc. Nga nhấn mạnh thỏa thuận này "sẽ giúp tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc, phát triển các hoạt động không gian chung và củng cố vai trò dẫn đầu của Nga trong việc khám phá không gian”.
Trong giai đoạn đầu tiên, các sứ mệnh của Nga và Trung Quốc nhằm nghiên cứu Mặt Trăng, xác định vị trí triển khai Trạm Mặt Trăng và xác minh các công nghệ để đảm bảo hạ cánh mềm an toàn, có độ chính xác cao trên bề mặt Mặt Trăng. Nga dự kiến sẽ sử dụng tàu đổ bộ vũ trụ Luna-Glob để phục vụ nghiên cứu.
Ở giai đoạn thứ hai, Nga và Trung Quốc dự kiến thành lập trung tâm điều khiển cho Trạm Mặt Trăng, vận chuyển hàng rời lên vệ tinh và tạo ra các module quỹ đạo để cung cấp điện, thông tin liên lạc và cung cấp dịch vụ vận tải. Giai đoạn thứ ba nhằm khai thác Mặt Trăng, mở rộng chức năng của các module Trạm Mặt Trăng và hỗ trợ các đối tác quốc tế đưa người lên Mặt Trăng.