Tàu thuyền làm gì để đảm bảo an toàn khi qua vùng biển Bình Thuận?

Thời gian qua trên vùng biển Bình Thuận liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn làm 5 tàu thuyền bị chìm, 1 tàu mắc cạn.

Tin từ Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, trong 5 năm qua, trên vùng biển Bình Thuận và Cà Ná (tỉnh Ninh Thuận) đã xảy ra vụ 8 tàu thuyền bị chìm, 4 tàu thuyền mắc cạn. Hậu quả làm 5 người chết và 3 người chưa được tìm thấy. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn làm 5 tàu thuyền bị chìm, 1 tàu mắc cạn, 2 người chết và 2 người chưa được tìm thấy.

Tàu hàng quốc tịch Panama từng bị mắc cạn tại vùng biển Bình Thuận hồi tháng 7/2023 và được giải cứu thành công (Ảnh: Công Hoan).

Tàu hàng quốc tịch Panama từng bị mắc cạn tại vùng biển Bình Thuận hồi tháng 7/2023 và được giải cứu thành công (Ảnh: Công Hoan).

Trước đó, tháng 3/2023, trên vùng biển Bình Thuận liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn chìm sà lan, tàu hàng gặp sự cố làm nhiều thuyền viên mất tích trên biển, tàu thuyền hư hỏng.

Tới tháng 7/2023, tàu Nemrut Bay (quốc tịch Panama) đã mắc cạn tại vùng biển La Gi, Bình Thuận. Tàu có trọng tải 34.431 tấn, trên tàu chở 25.510 tấn thép và khối lượng nhiên liệu khoảng 852 tấn dầu. Khi đến vị trí cách cửa biển La Gi khoảng 10 hải lý về hướng đông nam, tàu bị mắc cạn.

Sau 3 ngày nỗ lực triển khai các phương án cứu hộ, lực lượng cứu hộ đã giải cứu thành công con tàu.

Kết quả điều tra các vụ tai nạn cho thấy nguyên nhân xảy ra được xác định ngoài yếu tố chủ quan của thuyền viên, còn có yếu tố khách quan về điều kiện thời tiết, hải văn nguy hiểm, kết hợp gió mùa hoạt động mạnh mà tàu thuyền gặp phải trong khi hành trình trên vùng biển Bình Thuận.

Nhằm phòng ngừa, hạn chế thấp nhất hậu quả sự cố, tai nạn tàu thuyền khi hành trình trên vùng biển Bình Thuận, Cà Ná tỉnh Ninh Thuận, theo Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, cảng vụ đã khuyến cáo các chủ tàu, thuyền trưởng, đại lý hàng hải cần lưu ý khi hành trình qua khu vực.

Cụ thể, các thuyền trưởng và thuyền viên tàu thuyền cần theo dõi chặt chẽ, cập nhật thường xuyên tình hình thời tiết biển khu vực Bình Thuận tàu dự kiến sẽ hành trình qua và chủ động nghiên cứu, kịp thời điều chỉnh hướng chạy tàu hoặc tìm nơi neo đậu tránh trú khi thời tiết xấu để đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền viên và hàng hóa.

Đồng thời, nghiên cứu kỹ hải đồ, sử dụng hải đồ có tỷ lệ lớn nhất và các ấn phẩm hàng hải có liên quan tới chuyến đi để xác định các mối đe dọa có thể gây mất an toàn cho tàu (như các khu vực bãi cạn) trong quá trình tàu hành trình.

"Các thuyền trưởng và thuyền viên phải thường xuyên xác định vị trí tàu để đưa ra các biện pháp điều động tàu một cách phù hợp, kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho tàu, con người và hàng hóa. Tuyệt đối tuân thủ về vùng hoạt động và phân cấp của tàu thuyền theo quy định", lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận nhấn mạnh, đồng thời lưu ý các chủ tàu, đại lý hàng hải cũng được khuyến nghị cần phổ biến đến các tàu thuyền của đơn vị mình được biết và lưu ý khi tàu hành hải qua khu vực.

Theo một chuyên gia lĩnh vực hàng hải, vùng biển Bình Thuận có hải văn khá phức tạp. Ngoài có dòng xoáy ngầm, khu vực này khi có gió mùa thường hút gió nên dễ khiến các phương tiện gặp nguy hiểm. Bởi thế, yếu tố con người chiếm phần lớn trong việc bảo đảm an toàn hàng hải.

"Thuyền trưởng và thuyền viên khi nhận được các thông báo, dự báo về tình hình thời tiết, tình trạng mặt biển... phải tính toán, cân nhắc kỹ trong việc dẫn tàu. Khi điều kiện thời tiết bất lợi, cần phải cho tàu tránh trú, thay vì cố gắng vượt sóng gió để hành trình. Đồng thời, cần nghiêm túc chấp hành những quy phạm, quy định về đăng kiểm của tàu", vị chuyên gia nhận định.

Hồ An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tau-thuyen-lam-gi-de-dam-bao-an-toan-khi-qua-vung-bien-binh-thuan-19223100211170836.htm