Tàu Titanic: Từ thảm kịch hàng hải đến 'gà đẻ trứng vàng' của công nghiệp giải trí

Lấy cảm hứng từ tàu Titanic và chuyến hải trình lịch sử của nó, ngành công nghiệp giải trí đã cho ra đời nhiều tác phẩm mang về nguồn lợi nhuận khổng lồ.

Ngày 19-6, tàu ngầm Titan chở 5 người xuống tham quan xác tàu Titanic mất liên lạc. Ba ngày sau, Tuần duyên Mỹ xác nhận tàu Titan đã nổ, 5 người trên tàu thiệt mạng. Nhiều mảnh vỡ của tàu Titan được tìm thấy cách mũi xác tàu Titanic khoảng 480 m.

Để được tham gia chuyến thám hiểm này, mỗi người trên tàu Titan phải bỏ ra 250.000 USD (gần 6 tỉ đồng). Nhiều người cho rằng cái giá trên là quá đắt đỏ cho một chuyến tham quan di tích lịch sử. Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, đây không phải là điều đáng để ngạc nhiên.

Các ngành công nghiệp liên quan đến tàu Titanic đã ăn nên làm ra từ nhiều thập niên trước. Con tàu trở thành đề tài cho những cuộc triển lãm, thám hiểm, xuất bản, điện ảnh và được đón nhận rộng rãi.

Tàu Titanic rời Southampton (Anh) trong chuyến đi vào ngày 10-4-1912. Ảnh: AP

Tàu Titanic rời Southampton (Anh) trong chuyến đi vào ngày 10-4-1912. Ảnh: AP

Sự thật và hư cấu

Nhiều người cho rằng bom tấn Titanic của đạo diễn James Cameron là bộ phim đầu tiên về con tàu lịch sử. Nhưng sự thật không phải vậy.

Năm 1912, khi Titanic vừa chìm xuống đáy biển chỉ vài ngày, các rạp chiếu phim và nhà hát ở hai bên bờ Đại Tây Dương đã chật kín người. Họ chen chân để tranh suất vé xem phim về Titanic trước chuyến hải trình lịch sử.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, hầu hết cảnh quay của những bộ phim này lại không phải là cảnh quay tàu Titanic thật.

Một số công ty sản xuất phim truyền hình lấy các đoạn phim về tàu Olympic ở thành phố New York để đóng giả làm tàu Titanic. Tàu Olympic và tàu Titanic cùng thuộc sở hữu của công ty vận tải White Star Line (Anh).

Các nhà làm phim đã tìm cách che tên của những con tàu khác trong đoạn phim. Họ cũng che giấu những manh mối khác cho thấy con tàu đang được chiếu không phải là Titanic.

Các nhà làm phim cũng tái sử dụng các cảnh quay về thuyền trưởng Edward Smith - thuyền trưởng của tàu Titanic. Các cảnh quay này ghi lại hình ảnh của ông Smith trên một con tàu khác.

Sự kết hợp giữa thực tế và hư cấu như trên đã mang lại nguồn lợi nhuận khủng cho các công ty làm phim. Tuy nhiên, không phải khán giả nào cũng trầm trồ trước sức hấp dẫn của những bộ phim này. Theo đó, một số người đã phát hiện ra sự thật đằng sau những cuốn phim và lên tiếng phản đối các công ty làm ra chúng.

Không những vậy, chưa đầy một tháng sau khi tàu Titanic bị chìm, bộ phim Saving From The Titanic đã ra rạp. Bộ phim có sự góp mặt của nữ diễn viên Dorothy Gibson - ngôi sao phim câm người Mỹ tình cờ có mặt trên chuyến đi định mệnh của con tàu Titanic.

Bộ phim được xây dựng xung quanh một loạt cảnh hồi tưởng, tái hiện lại trải nghiệm của bà Gibson. Trong phim, diễn viên Gibson cũng mặc lại chiếc váy bà mặc trong đêm tàu chìm.

Bộ phim đã gây được tiếng vang lớn. Cùng thời điểm đó, bộ phim Nacht Und Eis về tàu Titanic được phát hành tại thị trường Đức và cũng tạo được nhiều sự chú ý. Bộ phim thậm chí còn diễn lại cảnh thuyền trưởng Smith chìm trong dòng nước lạnh giá của Đại Tây Dương.

Cả hai bộ phim đều xuất sắc, làm được điều mà các bản tin thời sự không thể làm được - xây dựng các mô hình mô tả vụ chìm tàu thực sự.

Xác tàu Titanic được chụp vào tháng 7-1986. Ảnh: REUTERS.

Xác tàu Titanic được chụp vào tháng 7-1986. Ảnh: REUTERS.

Nắm bắt cơ hội

Từ đầu thế kỷ XX, hiện tượng sách “ăn liền” - những cuốn sách được xuất bản rất nhanh để đáp ứng nhu cầu thị trường, hay nhằm mục đích tưởng niệm và ghi lại những bi kịch - đã xuất hiện. Và khi Titanic chìm, các nhà xuất bản đã chớp lấy cơ hội.

Trong vòng 1 tháng kể từ khi thảm kịch xảy ra, cuốn sách đầu tiên về Titanic đã được xuất bản. Nhiều cuốn sách khác sau đó nối đuôi ra đời. Nhiều cuốn trong số này tự nhận mình là “ấn phẩm chính thức” hoặc “cuốn sách duy nhất có thẩm quyền”.

Các cuốn sách này được in trên loại giấy rẻ tiền. Những đội ngũ tiếp thị đến từng nhà để chào hàng và thu thập các đơn đặt hàng trước. Mỗi cuốn sách như vậy có giá khoảng 1 USD. Tính theo giá tiền hiện nay, mỗi cuốn như vậy là 30 USD (hơn 700.000 đồng).

Ngành công nghiệp âm nhạc cũng vào cuộc. Nhiều tác phẩm âm nhạc về con tàu được viết nhằm mục đích gây quỹ cho gia đình các nạn nhân. Tuy nhiên, cũng có nhiều bài hát được viết nhằm mục đích thu lợi nhuận. Bài hát My Sweetheart Went Down With The Ship là điển hình của thể loại này.

Thành công vang dội

Trong Thế chiến I, công chúng không còn quan tâm tới Titanic nhiều như trước nữa. Nhưng sau khi chiến tranh qua đi, vụ chìm tàu lại nổi lên như một đề tài tiêu biểu của ngành giải trí.

Một phân cảnh trong phim Titanic của đạo diễn James Cameron. Ảnh: 20 CENTURY FOX FILM CORP./EVERETT COLLECTION

Một phân cảnh trong phim Titanic của đạo diễn James Cameron. Ảnh: 20 CENTURY FOX FILM CORP./EVERETT COLLECTION

Năm 1929, vở kịch The Berg lấy cảm hứng từ tàu Titanic đã thu hút sự quan tâm lớn của khán giả. Vở kịch trở thành nền tảng để một loạt tác phẩm nghệ thuật khác ra đời, trong đó có The Atlantic - bộ phim được quảng cáo là "một tin động trời không thể diễn tả được".

Năm 1955, cuốn sách A Night To Remember của tác giả Walter Lord lấy đề tài về tàu Titanic thu hút sự quan tâm lớn của độc giả, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất vào thời điểm đó. Cuốn sách sau đó được chuyển thể thành bộ phim cùng tên.

Tuy nhiên, thành công nhất về đề tài này phải kể đến Titanic của đạo diễn James Cameron, công chiếu vào năm 1997. Bộ phim đã trở thành bom tấn, thu về lợi nhuận chưa từng có.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/tau-titanic-tu-tham-kich-hang-hai-den-ga-de-trung-vang-cua-cong-nghiep-giai-tri-post740875.html