Tàu Trung Quốc ghé quốc đảo Maldives làm gia tăng căng thẳng với Ấn Độ
Chuyến viến thăm dự kiến của một tàu nghiên cứu Trung Quốc tới quốc đảo Maldives trên Ấn Độ Dương trong tuần này đã làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh, New Delhi và Male.
Về mặt chính thức, tàu Xiang Yang Hong 3 có mặt ở đó để "cập cảng, luân chuyển nhân sự". Nói tóm lại, Trung Quốc xem Maldives là một điểm dừng hoàn toàn vô hại.
Nhưng đó không phải là điều đang được nhìn nhận ở Ấn Độ. Thay vào đó, sự hiện diện của con tàu làm dấy lên lo ngại của các quan chức ở New Delhi về khả năng thu thập dữ liệu mà sau này có thể được quân đội Trung Quốc sử dụng trong các hoạt động tàu ngầm.
Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc đã bác bỏ mối lo ngại của Ấn Độ.
"Các tàu Trung Quốc thực hiện công việc nghiên cứu khoa học ở Ấn Độ Dương, hoạt động trên biển là hoàn toàn hợp pháp" - Chu Bo, cựu đại tá quân đội Trung Quốc nói với BBC.
"Đôi khi các tàu cần được bổ sung nhiên liệu, thực phẩm và nước. Vì vậy, họ cập cảng ở nước thứ ba, điều này là bình thường. Vì vậy, chính phủ Ấn Độ không nên làm ầm ĩ về điều đó. Ấn Độ Dương không phải là của riêng Ấn Độ" - ông Chu, người hiện đang làm việc tại trường đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh khẳng định.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc - quốc gia đang cạnh tranh ảnh hưởng với Delhi ở Ấn Độ Dương trong bối cảnh tranh chấp lâu dài về biên giới trên dãy Himalaya, cử một trong những tàu của họ đi gần vùng biển Ấn Độ.
Hai tàu ngầm hải quân Trung Quốc đã ghé cảng Colombo (Sri Lanka) vào năm 2014 và hai tàu nghiên cứu Trung Quốc đã đến thăm Sri Lanka, gần mũi phía nam Ấn Độ trong hai năm qua, khiến Ấn Độ không hài lòng.
Tàu nghiên cứu Xiang Yang Hong 3 trên thực tế ban đầu dự định đến thăm Colombo để tiếp nhiên liệu trước khi tới Maldives. Nhưng điều đó hiện đã bị gác lại, theo Tharaka Balasuriya, thứ trưởng ngoại giao của Sri Lanka.
Ông nói với BBC: “Trong một năm này, chúng tôi muốn phát triển công nghệ và chuyên môn của mình để có thể tham gia vào các hoạt động nghiên cứu này trên cơ sở bình đẳng”.
Tuy nhiên, quyết định dừng các tàu nghiên cứu của cảng Colombo được coi là phản ứng trước sự phản đối mạnh mẽ của Ấn Độ đối với các chuyến thăm như vậy của tàu Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự phản đối của Ấn Độ không tạo ra nhiều khác biệt ở Maldives.
Maldives bao gồm khoảng 1.200 đảo san hô ở giữa Ấn Độ Dương, từ lâu đã nằm dưới phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ. Nhưng Mohamed Muizzu, người nhậm chức tổng thống vào tháng 11 và được coi là thân Trung Quốc, muốn thay đổi điều đó.
Ông vận động chiến dịch 'India Out' (Thoát khỏi Ấn Độ), yêu cầu Delhi rút khoảng 80 quân nhân Ấn Độ đóng trên đảo. Ấn Độ cho biết quân đội có mặt tại quốc đảo này để bảo trì và vận hành ba máy bay trinh sát và cứu hộ do Delhi tài trợ nhiều năm trước.
Chính phủ Maldives đã đưa ra tối hậu thư cho Delhi phải rút quân trước ngày 15/3, hai ngày trước cuộc bầu cử quốc hội của nước này.
Sau cuộc đàm phán ở Delhi vào tuần trước, Bộ Ngoại giao Maldives cho biết Ấn Độ đã đồng ý "thay thế nhân viên quân sự" và đợt đầu tiên sẽ rời đi trước ngày 10/3 và số còn lại vào tuần thứ hai của tháng 5.
Vào tháng 12, chính quyền của ông Muizzu cũng tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận khảo sát thủy văn với Ấn Độ đã được chính phủ trước đó ký kết để lập bản đồ đáy biển trong vùng lãnh hải Maldives.
Trên thực tế, các mối quan hệ đã xấu đi đến mức không một nhà lãnh đạo cấp cao nào của chính phủ Maldives tham dự một sự kiện gần đây do Cao ủy Ấn Độ tại Male tổ chức để đánh dấu ngày Cộng hòa lần thứ 75 của Ấn Độ.
Trong khi đó, Trung Quốc đã trải thảm đỏ chào đón ông Muizzu khi ông có chuyến thăm cấp nhà nước 5 ngày tới Bắc Kinh vào tháng trước. Kể từ chuyến đi đó, các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã đến thăm Maldives. Ông Muizzu cũng đã công bố một số dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ.
Sự thay đổi đột ngột trong quan điểm của Male đối với Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại ở Delhi, nơi coi quốc đảo này có ý nghĩa chiến lược.
Trung Quốc, với lực lượng hải quân đang mở rộng nhanh chóng, có thể cũng muốn tiếp cận một địa điểm chiến lược quan trọng như vậy - điều mà Ấn Độ muốn ngăn chặn.
Shyam Saran, cựu ngoại trưởng Ấn Độ nói với BBC: “Tất nhiên, Maldives rất quan trọng. Đó là sườn phía nam đại dương của Ấn Độ”.
Ấn Độ trước đó đã phản đối mạnh mẽ các chuyến thăm của tàu nghiên cứu Trung Quốc tới Sri Lanka.