Tàu vỏ thép 67: Thuyền to, thiệt hại kép
Trước khi lâm cảnh trắng tay nợ nần, nhiều chủ tàu là ngư dân dày dặn kinh nghiệm đi biển, từng có đội tàu vỏ gỗ làm ăn hiệu quả, nhiều lần được vinh danh tấm gương tiêu biểu, ngư dân sản xuất giỏi toàn quốc.
Thời gian qua, cả nước có hơn 1.000 tàu cá, trong đó 335 tàu vỏ thép được đóng mới từ vốn vay theo Nghị định 67. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào khai thác, nhiều chủ tàu đã lâm cảnh nợ nần, phá sản. Theo qui định, tài sản thế chấp để vay vốn chính là con tàu nhưng một số Ngân hàng cho vay giữ luôn cả sổ đỏ nhà đất của ngư dân làm thế chấp. Đến khi chủ tàu vỡ nợ, ngân hàng khởi kiện ra tòa, thi hành án thì kê biên, thu hồi cả con tàu và nhà ở của ngư dân để bán đấu giá, thu hồi vốn vay, đẩy ngư dân ra đường.
Mỗi con tàu đóng mới trị giá từ 14 - 20 tỷ đồng, bây giờ bán đấu giá rẻ mạt, thậm chí bán không có người mua nên cả ngân hàng và ngư dân đều chịu thiệt. Trước khi lâm cảnh nợ nần, nhiều chủ tàu là ngư dân dày dặn kinh nghiệm đi biển, từng có đội tàu vỏ gỗ làm ăn hiệu quả, nhiều lần được vinh danh tấm gương tiêu biểu, ngư dân sản xuất giỏi toàn quốc.
Vì sao một chính sách đồng hành với ngư dân vươn khơi bám biển lại bộc lộ nhiều bất cập. Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn, cứu những con tàu vỏ thép còn lại? Nhóm PV Đài Tiếng nói Việt Nam tại miền Trung thực hiện loạt phóng sự “Tàu vỏ thép 67: Thuyền to, thiệt hại kép”.
Là ngư dân duy nhất ở miền Trung từng đoạt Cúp Vàng Thủy sản Việt Nam năm 2012, được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng Kỷ niệm chương vì chủ quyền, an ninh biên giới, ông Phạm Trí Thức, ở thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi không ngờ cuộc đời mình lại ngập trong nợ nần.
Từ một ông chủ tàu làm ăn có tiếng ở tỉnh Quảng Ngãi, nay trắng tay vì dính vào con tàu vỏ thép 67. Không trả được nợ, phía ngân hàng cho vay kiện ông ra tòa, thu hồi con tàu rồi đem bán đấu giá. Tài sản còn lại là ngôi nhà kiên cố 2 tầng nhờ tích cóp trong 30 năm đi biển mới có được giờ cũng bị ngân hàng kê biên, thu hồi. Trước khi vay vốn đóng con tàu vỏ thép trị giá 16,6 tỷ đồng, ông Thức đã phải bán 3 con tàu vỏ gỗ hơn 1 tỷ đồng, cầm cả sổ đỏ nhà đất để thế chấp cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi.
Thấy ông Thức đơn độc như số phận con tàu lẻ loi giữa biển khơi, ai cũng xót xa. Đứng bên cảng cá Tịnh Kỳ nhìn con tàu vỏ thép của mình vừa bán đấu giá rẻ mạt, ông Thức đau nhói trong lòng. Cơ hội để ngư dân Phạm Trí Thức sửa sai, tiếp tục với nghề biển sợ không còn kịp nữa vì ông đã ở tuổi 70.
“Trước đây, tôi là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, tôi đi dự hội nghị, được Chủ tịch nước tặng thưởng… Để lâm vào hoàn cảnh này là do ngân hàng buộc thế chấp, không gia hạn nợ nên đành phải chấp nhận tàu neo bờ để bán thanh lý. Giờ tài sản đã mất hết, ngư dân như tôi đã vào đường cùng ngõ cụt, không còn gì nữa”, ông Thức xót xa.
Cũng vì dính vào con tàu vỏ thép mà gia đình ông Trương Văn Chín và bà Lê Thị Cẩm, ở xã Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cũng tán gia bại sản. Chứng kiến con tàu trị giá 16 tỷ đồng nhưng khi bán đi chỉ hơn 1 tỷ cho một người khác rồi đem xả bản bán sắt vụn, ông Chín và bà Cẩm không khỏi ngậm ngùi.
Ngôi nhà kiên cố được vợ chồng ông Trương Văn Chín xây bằng mô hôi nước mắt cũng vừa bị ngân hàng tịch thu bán cho người khác với giá 1,2 tỷ đồng để trừ nợ. Gia đình ông Chín ngậm đắng nuốt cay thuê lại chính ngôi nhà mình xây dựng để ở tạm với giá thuê mỗi tháng 3 triệu đồng. Từ một ông chủ tàu có tài sản hàng chục tỷ đồng, nay ông Chín phải xin đi bạn cho một chủ tàu vỏ gỗ khác kiếm sống qua ngày.
Bà Lê Thị Cẩm, vợ ông Trương Văn Chín chua chát nói, khi làm hợp đồng tín dụng vay vốn đóng tàu, gia đình đã bị phía ngân hàng “gài bẫy”, giữ cả sổ đỏ nhà đất, đẩy gia đình vào bước đường cùng, trở thành người vô gia cư.
“Lúc đầu cán bộ ngân hàng bảo, sổ đỏ nếu vay bên ngoài giá trị thấp thì đưa bên em giữ, chừng nào cần vốn lưu động cần vay thì bên em cho vay. Người dân thiệt thà nghe họ nói vậy thì nghe vậy. Sau này, mình nợ không trả được tháng đó họ tính nợ xấu, họ không trả sổ đỏ mà giữ luôn từ đó”, bà Cẩm giải thích.
Đành rằng “có vay phải có trả”, thế nhưng theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản quy định rõ: Tài sản thế chấp để vay vốn chính là con tàu, vậy mà một số Ngân hàng lại yêu cầu ngư dân phải thế chấp cả sổ đỏ nhà đất. Đến khi vỡ nợ kiện ra tòa, thi hành án thì ngân hàng thu hồi luôn căn nhà, đẩy ngư dân ra đường.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần và Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi giải thích, việc này đã có sự thỏa thuận dân sự giữa Ngân hàng và ngư dân trong hợp đồng. “Ngân hàng không bắt buộc ngư dân phải thế chấp tài sản khác, nhưng ngư dân thống nhất với Ngân hàng thế chấp, họ thêm sổ đỏ vào để thể hiện họ quyết tâm làm. Khi nợ xấu, ngân hàng xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ”, ông Hùng lý giải.
Nhớ lại ngày triển khai Nghị định 67 của Chính phủ, chính quyền, cơ quan chức năng tổ chức hội nghị, hội thảo rầm rộ, khắp các làng chài tuyên truyền ngư dân đăng ký hồ sơ vay vốn đóng tàu. Những lời hứa đồng hành với ngư dân đã tạo niềm tin cho bà con và nhiều người bán tàu vỏ gỗ làm vốn đối ứng vay tiền Ngân hàng đóng tàu vỏ thép. Đến khi ký kết hợp đồng vay vốn đóng tàu, ngư dân bị thu sổ đỏ làm tài sản thế chấp thì cả chính quyền, cơ quan chức năng không hay biết.
Ông Võ Minh Vương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, do là hợp đồng dân sự giữa 2 bên nên chính quyền không thể can thiệp. “Quan hệ dân sự là họ tự nguyện ký hợp đồng với ngân hàng, cam kết dùng tài sản đó để bảo lãnh. Cho nên nhà nước không thể can thiệp vào quá trình dân sự của họ được”, ông Vương nói.
Ấm ức cho rằng ngân hàng đã “gài bẫy” giữ sổ đỏ làm tài sản thế chấp đóng tàu vỏ thép, nhiều ngư dân làm đơn cầu cứu khắp nơi nhưng đều vô vọng. Ông Hồ Bân, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi cho biết, theo quy định, tài sản thế chấp chỉ có con tàu, không có quy định khác. Trong hợp đồng tín dụng nguyên tắc thỏa thuận, khi ngư dân đồng ý, thỏa thuận đưa nhà nhà vào thì ngân hàng phải thu giữ.
“Quy định trong quá trình vay, tài sản thế chấp chỉ có con tàu, không được nhận tài sản nào khác ngoài con tàu. Nhưng lúc đầu, chủ tàu vay nếu ngân hàng bắt thế chấp sổ đỏ, nếu chủ tàu có ý kiến, có văn bản báo cáo Ban Chỉ đạo 67 của tỉnh thì tuyệt nhiên không ngân hàng nào được được nhận tài sản là ngôi nhà”, ông Bân quả quyết.
Vì sao 1 con tàu đóng mới từ 14 - 20 tỷ đồng đưa vào sử dụng được một vài năm nhưng khi đưa ra bán đấu giá lại rất thấp? Ông Phạm Huy Ân, Chi Cục Trưởng Chi cục Thi hành án Dân sự thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, theo quy định, trường hợp bán đấu giá lần đầu không được thì chấp hành viên có quyền giảm giá. Mỗi lần giảm không quá 10% so với giá trị con tàu, cho đến lúc giá trị con tàu bán nhỏ hơn hoặc bằng chi phí kê biên mới trả lại tàu cho đương sự.
Ông Phạm Huy Ân thông tin, qua bán đấu giá 2 con tàu vừa qua, lúc đầu, thẩm định giá trị mỗi con tàu cũng được từ 6 - 7 tỷ đồng. Đến khi đưa ra đấu giá, do không có người mua nên phải nhiều lần điều chỉnh giảm giá xuống còn hơn 1 tỷ đồng. “Quá trình tổ chức thi hành án gặp nhiều khó khăn. Giá trị con tàu giảm rất đáng kể so với lúc định giá cho vay, nhưng khi bán không được, không có người mua nên giảm giá trị nhiều lần, thiệt hại cho cả ngân hàng và người dân”, ông Ân cho biết.
Giá trị mỗi con tàu hàng chục tỷ đồng đến khi bán đấu giá chỉ hơn 1 tỷ đồng làm cho cả chủ tàu và ngân hàng đều chịu thiệt. Áp lực thu hồi nợ buộc các ngân hàng phải khởi kiện, đưa ngư dân ra tòa. Nhiều ngư dân giỏi đi biển, lừng lẫy một thời, nay phải mất cả tàu lẫn tài sản, nhà cửa, trở thành người vô gia cư. Dự báo, số “tàu 67” vỡ nợ phải thi hành án sẽ còn tăng lên. Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn cho “tàu 67” sẽ được đưa ra trong các phần tiếp theo của loạt phóng sự này./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tau-vo-thep-67-thuyen-to-thiet-hai-kep-post936087.vov