Tàu vũ trụ Starship của SpaceX đã có thể trở về Trái đất an toàn

Ngày 6/6, tàu vũ trụ Starship của SpaceX đã sống sót trở về Trái đất từ vũ trụ với tốc độ siêu thanh và có màn hạ cánh ấn tượng ở Ấn Độ Dương, hoàn thành thử nghiệm thành công sau 3 thất bại trước đó.

Sau 65 phút phóng từ Texas, Starship đã hạ cánh xuống Ấn Độ Dương theo đúng kế hoạch, đánh dấu tiến bộ mới nhất trong chiến dịch phát triển tên lửa thử nghiệm của SpaceX. Loạt thử nghiệm là nỗ lực trị giá hàng tỷ USD của công ty vũ trụ nhằm chế tạo một bệ phóng vệ tinh và tàu đổ bộ Mặt trăng có thể tái sử dụng.

 Starship triển khai chuyến bay thử nghiệm thứ tư từ bệ phóng Boca Chica của SpaceX, gần Brownsville, Texas, ngày 6//6. Ảnh: SpaceX

Starship triển khai chuyến bay thử nghiệm thứ tư từ bệ phóng Boca Chica của SpaceX, gần Brownsville, Texas, ngày 6//6. Ảnh: SpaceX

Ba lần thử nghiệm trước đó đều kết thúc với việc Starship nổ tung hoặc tan rã. Musk cho biết SpaceX đang lên kế hoạch cho ít nhất 6 chuyến bay thử nghiệm Starship trong năm nay khi công ty phải đối mặt với áp lực từ NASA trong việc chứng minh rằng họ có thể đưa phi hành đoàn lên bề mặt Mặt trăng một cách an toàn.

Hệ thống tên lửa Starship cao gần 120 mét, bao gồm tàu Starship được gắn trên đỉnh tên lửa đẩy Super Heavy cao chót vót. Lúc 7:50 sáng 6/6 (giờ địa phương), tên lửa cất cánh từ bãi phóng Starbase của SpaceX gần Boca Chica ở Nam Texas, tạo ra những đợt sóng xung kích mạnh xuyên qua màn sương mù buổi sáng của Bờ Vịnh.

Tên lửa đẩy Super Heavy tách khỏi tàu Starship ở độ cao 74 km, đưa con tàu vũ trụ bay xa hơn về phía không gian. Trong khi đó, Super Heavy quay trở lại Vịnh Mexico và thực hiện một cú hạ cánh nhẹ nhàng.

Trong không gian, tàu Starship di chuyển với tốc độ khoảng 25.750 km/h ở độ cao khoảng 200 km khi nó tiến về phía Ấn Độ Dương để quay trở lại Trái đất, thể hiện một màn trình diễn quan trọng về thiết kế có thể tái sử dụng của hệ thống tên lửa.

Trước đó ở lần thử nghiệm đầu tiên vào tháng 4/2023, tên lửa Starship đã phát nổ vài phút sau khi cất cánh cách Mặt đất khoảng 40 km. Trong lần thử thứ hai vào tháng 11, tên lửa nổ tung sau khi chạm tới không gian. Trong chuyến bay thử nghiệm thứ ba vào tháng 3, tên lửa đã đi được quãng đường xa hơn nhưng lại bị hỏng khi quay trở lại bầu khí quyển.

Ngày 6/6, Starship dường như đã vượt qua những thách thức kỹ thuật trong quá khứ. Bắt đầu sau khoảng 45 phút bay, camera trên Starship cho thấy một trường plasma siêu nóng hình thành xung quanh con tàu vũ trụ khi nó lao vào bầu khí quyển để trở về Trái đất.

Khi quá trình hạ cánh của Starship bị chậm lại do ma sát dữ dội của khí quyển, các mảnh kim loại và tấm chắn nhiệt hình lục giác của nó bắt đầu rơi ra và các bộ phận của cánh lái tên lửa bị lột ra thành khung xương, mặc dù chúng vẫn hoạt động.

Starship kích hoạt lại một động cơ để tự lật thẳng khi đang hạ xuống, giống như khi hạ cánh trên mặt đất hoặc trên Mặt trăng, sau đó lao xuống Ấn Độ Dương.

Với mục đích rẻ và mạnh hơn tên lửa Falcon 9, thiết kế hoàn toàn có thể tái sử dụng của Starship đại diện cho tương lai của hoạt động kinh doanh phóng vệ tinh và phi hành gia của SpaceX. Nó sẽ được NASA sử dụng trong vài năm tới để đưa các phi hành gia đầu tiên lên Mặt trăng kể từ năm 1972.

Musk, người thành lập SpaceX vào năm 2002, cho biết Starship phải phóng hàng trăm lần trước khi chở con người. Điều này cho thấy có thể phải mất nhiều năm trước khi tên lửa đưa phi hành đoàn hoặc phi hành gia lên bề mặt Mặt trăng.

Hoài Phương (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tau-vu-tru-starship-cua-spacex-da-co-the-tro-ve-trai-dat-an-toan-post298389.html