Tây Ban Nha có thể dừng bán điện cho Pháp
Một tờ báo lớn cho rằng Tây Ban Nha không thể kiểm soát giá điện trong nước nếu không dừng xuất khẩu sang nước láng giềng phía Bắc là Pháp.
Nhật báo El Pais của Tây Ban Nha ngày 18/4 đưa tin chính phủ nước này đã báo cáo với Ủy ban châu Âu (EC) rằng việc triển khai kế hoạch giảm giá chung với Bồ Đào Nha có thể khiến Madrid phải hạn chế bán năng lượng cho Pháp.
Trên thực tế, Tây Ban Nha là nhà cung cấp điện lớn nhất của Pháp và biện pháp hạn chế này có thể xảy ra khi toàn bộ châu Âu đang phải vật lộn với chi phí năng lượng tăng cao.
Cuối tháng 3 vừa qua, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã nhất trí áp đặt giá trần cho khí đốt được sử dụng trong sản xuất điện ở mức 32,5 USD megawatt/giờ. Sau khi được EU cho phép tiến hành thỏa thuận, Madrid và Lisbon đã đưa ra một số tin xấu cho giới chức châu Âu.
Dựa trên những văn bản mà El Pais nắm được, hậu quả, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sẽ phải hạn chế bán năng lượng cho Pháp.
Theo một hệ thống thay thế ban đầu do Madrid đề xuất, điện xuất khẩu sang Pháp sẽ được tính phí cao hơn mức tiêu thụ trên bán đảo Iberia. Theo El Pais, các quan chức EU lo ngại rằng thỏa thuận này sẽ vi phạm quy tắc thị trường của khối, và Đức cũng như các nước Bắc Âu được cho là phản đối quyết liệt ý tưởng này. Các ủy viên EC sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận tại cuộc họp thường kỳ tiếp theo.
Mặc dù Pháp là nước xuất khẩu ròng điện nhưng quốc gia này vẫn nhập khẩu khoảng 34% điện năng, căn cứ trên số liệu từ năm 2020. Tây Ban Nha chính là nước cung cấp phần lớn lượng điện kể trên.
Hiện nay, giá điện năng đã tăng trên toàn châu Âu. Khách hàng đã phải trả thêm 45% chi phí tiêu thụ trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà phân tích cho rằng giá điện phi mã là do thị trường chưa chắc chắn liệu giới chức châu Âu có cấm vận nhập khẩu khí đốt của Nga hay không. Ngoài ra, tình trạng lạm phát tăng vọt cũng đã đẩy hóa đơn tiền điện lên cao hơn.