Tây Ban Nha, Đức cam kết ngừng bán xe chạy xăng hoặc diesel ra thị trường từ năm 2035
Pháp và Tây Ban Nha đã tham gia cam kết ngừng bán xe chạy bằng xăng, dầu vào năm 2035, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch trước đó, một phần trong nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.
Hôm qua (16/11), Pháp và Tây Ban Nha đã quyết định tham gia nhóm Tuyên bố về Phương tiện không phát thải (ZEVD), theo đó cam kết ngừng bán các loại phương tiện chạy bằng xăng từ năm 2035, tức là sớm hơn 5 năm so với kế hoạch trước đó.
Cam kết này là một phần trong các nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển sang nền kinh tế ít phát thải.
Hai nước đã thông báo quyết định trên tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại Sharm el-Sheikh (Ai Cập).
Tuyên bố về Phương tiện Không phát thải (ZEVD) được đưa ra tại hội nghị COP26 năm ngoái ở Glasgow. Các tổ chức ký kết, bao gồm các quốc gia, thành phố và công ty, cam kết sẽ chuyển sang bán 100% xe không phát thải vào năm 2035 tại các thị trường hàng đầu và sau đó là quy mô toàn cầu.
Tổng số bên ký cam kết hiện là 214 bên, tăng gần gấp đôi so với 130 bên một năm trước đó. Trong tương lai, ZEVD sẽ được giám sát bởi một nhóm mới, Accelerating to Zero Coalition, nhằm mục đích giúp các bên ký kết thực hiện đúng cam kết.
Chính phủ Anh cho biết một số công ty mới ký kết tham gia, trong đó có các công ty Delta Electronic, Coca-Cola EUROPACIFC Partners và nhà sản xuất linh kiện Valeo.
Theo kế hoạch, ZEVD sẽ được giám sát bởi một nhóm mới mang tên Thúc đẩy Liên minh không phát thải, nhằm giúp các bên tham gia thực thi đầy đủ cam kết của mình.
Các nhà hoạch định chính sách sẽ phải giảm hoặc loại bỏ khí thải gây hiệu ứng nhà kính khỏi các loại phương tiện như ôtô con, xe tải và các dạng phương tiện giao thông khác như máy bay - loại phương tiện góp phần hàng đầu vào tình trạng ấm lên toàn cầu.
Ngành vận tải hàng không và hàng hải rất khó thực hiện phi carbon hóa, song công nghệ giảm khí thải cho các phương tiện nhỏ hơn đã được thiết lập và đang phổ biến rất nhanh.
Dữ liệu do BloombergNEF công bố cho thấy năm 2022 sẽ là năm kỷ lục về doanh số bán xe không phát thải như xe điện, chiếm 13,2% tổng doanh số trong nửa đầu năm.
Để giúp các nước đang phát triển chuyển sang sử dụng xe điện, Bộ trưởng Khí hậu Anh Graham Stuart cho biết London đang hợp tác với các nước khác để khởi động một kế hoạch hỗ trợ.
Điều này bao gồm việc tạo ra một phương tiện phản ứng nhanh không phát thải để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia và giúp kết nối các chính phủ và công ty để mở rộng quy mô đầu tư.
Chủ tịch COP26, ông Alok Sharma cho biết cam kết phương tiện không phát thải “là một cột mốc lớn quy tụ các tác nhân hàng đầu thúc đẩy chuyển sang bán mới 100% xe không phát thải.”
Theo ông Sharma, vẫn có những cơ hội lớn ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Vì vậy, ông chính thức khởi động nhóm Thúc đẩy Liên minh không phát thải.
Ông Sharma nhấn mạnh: “Liên minh này cung cấp nền tảng cho các nước đi xa hơn và nhanh hơn, đảm bảo không nước nào bị bỏ lại phía sau".
Ngành sản xuất ôtô không đáp ứng được các mục tiêu về khí hậu
Theo báo cáo mới của Greenpeace, để hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, các nhà sản xuất ôtô chỉ được phép bán ra tối đa 315 triệu xe mới chạy bằng nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà sản xuất ôtô lớn có thể bán tới 712 triệu xe chạy xăng và dầu vào năm 2040, gấp hơn 2 lần so với mức khuyến nghị.
Greenpeace cho rằng các nhà sản xuất ôtô phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các phương tiện không phát thải để đảm bảo sự kết nối giữa mục tiêu bán hàng và doanh số thực tế. Với áp lực cắt giảm khí thải ngày càng lớn, các nhà sản xuất ôtô hàng đầu đang đẩy nhanh nỗ lực loại bỏ động cơ đốt trong và chuyển sang sản xuất nhiều xe điện hơn.
Một số chính phủ đã công bố kế hoạch cấm bán các loại xe mới chạy bằng xăng và dầu, như một phần trong nỗ lực đưa mức phát thải ròng carbon về 0, song nhiều nước vẫn chưa thực hiện điều này.
Nghiên cứu của Greenpeace, do các chuyên gia từ Đại học Công nghệ ở Sydney (Australia) và Đại học Khoa học ứng dụng, Bergisch Gladbach (Đức) phối hợp thực hiện, được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập.