Tây Ban Nha: Phát hiện thành phố 2.000 năm nhân loại chưa từng biết
Thành phố bí ẩn dường như bị thất lạc khỏi hồ sơ lịch sử của Tây Ban Nha cổ đại, không có bất kỳ ghi chép hay nghi ngờ gì về sự tồn tại của nó.
Theo Heritage Daily, thành phố bí ẩn vừa lộ diện cạnh thị trấn Deza ở tỉnh Soria - Tây Ban Nha, được cho là thuộc về người Celtiberia, một dân tộc mà bấy lâu người ta nghĩ rằng chỉ sinh sống dưới hình thức bộ lạc ở khu vực miền Trung - Đông Bắc bán đảo Iberia.
Cuộc khai quật do Đại học Bách khoa Madrid (UPM) tiến hành đã làm lộ diện tàn tích của một thành phố có niên đại hơn 2.000 năm, bên cạnh là tàn tích của một pháo đài La Mã lớn.
Theo ông Vicente Alejandre, thị trưởng của Deza, chưa có nghiên cứu hệ thống hay nỗ lực nào tương tự nhằm cố gắng khám phá tầm quan trọng về mặt lịch sử của khu vực này.
Khu vực bấy lâu thường không được động chạm tới bởi liền kề nó là một mỏ đá, nơi khai thác đá chính của đô thị hiện đại.
Đối chiếu các phát hiện với dã sử, họ nghi ngờ rằng đó có thể là "thành phố trong truyền thuyết" Titiakos, mà các ghi chép cũ không nói rõ địa điểm. Titiakos là một thành trì của người Celtoiberia trong Chiến tranh Sertorian, một giai đoạn lịch sử quan trọng của Tây Ban Nha cổ đại.
Chiến tranh Sertorian là cuộc nội chiến diễn ra từ năm 80 đến năm 72 trước Công Nguyên giữa phe nổi dậy của La Mã Sertorian và chính phủ ở Rome (Sullans).
Toàn bộ khu vực này đã trở thành một phần tỉnh Hispania Citerior của Đế chế La Mã sau khi bị chinh phục dần từ năm 195 đến 72 trước Công Nguyên. Điều đó cũng giải thích cho pháo đài La Mã bên cạnh, có thể là cơ sở quân sự nhằm bảo vệ thành phố.
Kết quả thu được là mảnh ghép quan trọng đối với kiến thức khoa học lịch sử trong khu vực, cũng như có thể cho thấy thủ đô huyền thoại Titiakos của người Celtiberia là có thật.
Các nhà khoa học Tây Ban Nha đang tiếp tục khai quật và triển khai các nghiên cứu sâu hơn nhằm xác minh giả thuyết Titiakos, cũng như tìm hiểu các hiện vật còn sót lại.