Tây Ban Nha siết chặt luật về tội hiếp dâm sau vụ 'bầy sói ở Manresa'
Phản ứng dữ dội của công chúng sau vụ hiếp dâm tập thể năm 2016 buộc nhà chức trách Tây Ban Nha phải thay đổi định nghĩa về tội hiếp dâm và tăng nặng hình phạt đối với hung thủ.
Hồi tháng 5, Quốc hội Tây Ban Nha thông qua dự luật liên quan đến tội phạm tấn công tình dục. Theo đó, sự đồng thuận mới là yếu tố quyết định trong các vụ cưỡng hiếp, lạm dụng tình dục, The Guardian đưa tin.
Với dự luật này, nạn nhân sẽ không còn phải đưa ra các bằng chứng chứng minh hung thủ đã đe dọa hoặc sử dụng bạo lực với mình.
Dự luật được biết đến với tên gọi "Only yes means yes", tìm cách định nghĩa lại tội phạm tấn công tình dục tại Tây Ban Nha. Khi không có một khái niệm được hệ thống hóa, luật pháp nước này từ lâu vẫn mặc định tấn công tình dục phải liên quan đến bạo lực hoặc đe dọa.
Dự luật mới định nghĩa sự đồng thuận là sự thể hiện rõ ràng ý chí của một người. Im lặng hoặc thụ động không có nghĩa là đồng ý. Quan hệ tình dục không đồng thuận có thể bị coi là tấn công tình dục và phải chịu án tù lên đến 15 năm.
"Bầy sói ở Manresa"
Trước khi dự luật được thông qua, rất nhiều vụ tấn công tình dục đã được giảm nhẹ thành quấy rối, lạm dụng vì nạn nhân không thể chứng minh hung thủ đã đánh đập, hành hung, đe dọa mình.
Nổi tiếng nhất là vụ hiếp dâm tập thể ở Manresa vào tháng 10/2016. Tại lễ hội đua bò tót San Fermin, một cô gái 14 tuổi đã bị 7 người đàn ông khống chế, sàm sỡ, cưỡng hiếp và quay phim.
Gia đình nạn nhân đã báo cáo vụ việc với cảnh sát. Cơ quan điều tra nhanh chóng vào cuộc và bắt giữ nhóm hung thủ.
Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử diễn ra vào năm 2018, 5 người đàn ông trong nhóm này chỉ bị kết tội lạm dụng tình dục và chịu án tù 9 năm.
Các thẩm phán đã phán quyết rằng không có bằng chứng về bạo lực hoặc đe dọa, mặc dù thực tế là nạn nhân đã bị nhóm hung thủ thay phiên nhau kéo vào hành lang để hành hung và hãm hiếp.
Phiên tòa được gọi là "la Manada de Manresa" (tạm dịch: bầy sói ở Manresa) đã khiến dư luận phẫn nộ.
Hàng loạt phong trào như #NoEsAbuso (#NotAbuse), # EsViolacíon (#ItIsRape) và #YoTeCreo (#IBelieveYou) nổ ra trên khắp Tây Ban Nha.
Những người biểu tình thường xuyên tụ tập bên ngoài tòa án Barcelona, cầm những tấm biển ghi: "Đó không phải là lạm dụng, đó là cưỡng hiếp".
Nhiều cuộc tuần hành được tổ chức để yêu cầu thay đổi luật pháp và thể hiện sự ủng hộ đối với các nạn nhân của tấn công tình dục.
Trước sức ép của dư luận, vụ "la Manada de Manresa" đã được đem ra xét xử lại vào năm 2019.
Mặc dù phiên tòa đầu tiên khẳng định không có đủ bằng chứng về vũ lực hoặc cưỡng bức thân thể, 5 thẩm phán tại Tòa án tối cao (bao gồm 2 phụ nữ) cho rằng đoạn phim do những kẻ tấn công ghi lại cho thấy bầu không khí "đáng sợ" buộc nạn nhân phải phục tùng.
Tòa án tối cao quyết định tăng mức án từ 9 năm lên 15 năm tù đối với nhóm hung thủ.
Thay đổi
Hiện có 4 loại tội phạm tình dục ở Tây Ban Nha: quấy rối tình dục, lạm dụng tình dục, tấn công tình dục và hiếp dâm. Hiếp dâm, tội nghiêm trọng nhất, được định nghĩa là hành vi tấn công tình dục bao gồm "xâm nhập qua đường âm đạo, miệng hoặc hậu môn".
Theo luật hiện hành của quốc gia này, lạm dụng tình dục liên quan đến một loạt các tội phạm xảy ra "mà không có sự đồng ý".
Rình rập và quấy rối đường phố được coi là tội nhẹ. Bản án hiếp dâm cần có bằng chứng bạo lực hoặc đe dọa.
Tuy nhiên, những cách định nghĩa này bị chỉ trích vì hiểu sai về tội phạm tình dục.
Nhiều vụ tấn công tình dục khiến nạn nhân không thể chống cự. Bị ép buộc, sợ hãi, đe dọa bạo lực hoặc hoảng sợ chỉ là một số lý do khiến mọi người không hoặc không thể chống trả.
Bị động hoặc bất động cũng là một phản ứng phổ biến, không thể kiểm soát được khi bị tấn công tình dục.
Theo BBC, luật hiện hành cho thấy bóng ma của chế độ gia trưởng vẫn còn tồn tại ở Tây Ban Nha. Trong đó, phụ nữ bị coi là đối tác tình dục thụ động và việc kết tội những kẻ hiếp dâm gần như là không thể.
Dự luật "Only yes means yes" được thông qua hồi tháng 5 cho thấy những thay đổi tích cực.
Xem xét mọi hành vi quan hệ tình dục không đồng thuận là hiếp dâm, dự luật sẽ giúp Tây Ban Nha sử dụng các định nghĩa pháp lý tương tự với 11 quốc gia châu Âu khác, bao gồm Thụy Điển, Bồ Đào Nha và Anh, theo CNN.
Dự luật còn bao gồm các biện pháp khác như bắt buộc trẻ vị thành niên phạm tội tình dục phải được giáo dục giới tính, đào tạo về bình đẳng giới và tạo ra mạng lưới các trung tâm chống khủng hoảng 24/24 cho những người sống sót sau vụ tấn công tình dục và các thành viên trong gia đình của họ.
Người phát ngôn của chính phủ Maria Jesus Montero nói trong một cuộc họp báo: "Những gì luật mới làm là đặt nạn nhân vào trung tâm. Im lặng hoặc thụ động không có nghĩa là đồng ý".
Sự thay đổi cũng được Bộ trưởng Bộ bình đẳng Irene Montero hoan nghênh. Bà nói vào ngày dự luật được thông qua: "Kể từ hôm nay, Tây Ban Nha là một quốc gia an toàn hơn cho tất cả phụ nữ. Chúng ta sẽ đánh đổi bạo lực để lấy tự do, thay thế nỗi sợ hãi bằng những khát khao tốt đẹp".