Tẩy chay nội dung độc hại trên mạng xã hội
Nhiều ngày qua, tin buồn về sự ra đi của những người có tiếng trong các lĩnh vực văn học, y tế thu hút sự quan tâm của mạng xã hội, bởi ít nhiều những dự án lúc sinh thời của họ có không ít ý kiến trái chiều…
Tuy nhiên, điều đáng nói, giữa lúc cần sự tiếc thương hay một phép lịch sự chia buồn đúng đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận”, một bộ phận người trẻ trên mạng xã hội lại đào bới những tranh cãi về công trình nghiên cứu, đem đời tư của người vừa mất giễu cợt một cách khiếm nhã.
Toxic (được hiểu là nội dung độc hại) trên mạng xã hội, trở thành nỗi ám ảnh với người dùng, nhất là các hội nhóm dành cho người trẻ. Bất kể câu chuyện thời sự gì đang diễn ra, hay lùm xùm của cá nhân nào, chỉ cần có bài viết, hình ảnh hoặc video clip chia sẻ lên mạng…, ngay lập tức có một nhóm tài khoản lao vào với những bình luận nặng nề, thậm chí xúc phạm cả người trong cuộc, dù câu chuyện còn chưa rõ đúng sai. Một bộ phận tài khoản này còn truy cả tài khoản mạng xã hội của bạn bè, gia đình người trong cuộc để tấn công bằng những bình luận khiếm nhã, biểu tượng phẫn nộ.
Và trong đám đông đang ném đá chuyện người ta, một bộ phận người dùng trẻ cũng tranh thủ góp lời mạt sát để tăng lượt theo dõi cho trang cá nhân. Nguyễn Phan Thành Tài (30 tuổi, kỹ sư lập trình phần mềm, ngụ quận 7, TPHCM, quản trị viên nhóm “Cây trong nhà” với hơn 20.000 thành viên tham gia) chia sẻ, sau 3 năm để nhóm ở trạng thái mở, bây giờ anh phải quản lý ở chế độ hạn chế, chỉ có thành viên quản trị nhóm mới được đăng bài.
Dù nhóm giới thiệu rất rõ ràng là chia sẻ nội dung về cây trồng tại nhà, nhưng có khi một ngày phải xóa gần chục bài viết soi mói đời tư người nổi tiếng trên mạng. Thành Tài cho biết: “Dưới các bài viết đang có nhiều bình luận, bạn nào muốn thu hút người dùng theo dõi thì nhanh chóng góp lời, thậm chí chửi thề thì vẫn có cả vài ngàn lượt thích. Nhiều lần như vậy, tài khoản được chú ý, người dùng tìm vào trang cá nhân để theo dõi, kết bạn”.
Việc thích hay không thích một cá nhân vốn là chuyện rất đỗi bình thường. Trước các vụ việc thời sự đang diễn ra trong xã hội, bày tỏ cảm xúc cũng là điều dễ hiểu… Nhưng vui quá trớn trước việc buồn của người khác, hay mang lời lẽ độc hại gán ghép cho một ai đó, dù câu chuyện chưa rõ đúng - sai, là việc không thể chấp nhận được. Những nền tảng mạng xã hội không thể tự trở nên độc hại, mà chính cách người dùng đang vận hành quyết định nền tảng số có đủ văn minh hay không.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tay-chay-noi-dung-doc-hai-tren-mang-xa-hoi-post795603.html