'Tẩy chay' phim Cậu Vàng vì con chó: Đừng mạo hiểm với vấn đề nhạy cảm
Dư luận lại chứng kiến một cuộc tẩy chay trên diện rộng dành cho bộ phim Cậu Vàng vừa mới ra rạp, bởi một lý do có phần 'kì quặc'. Đây cũng là bài học cho các nhà làm phim về sự thận trọng và tôn trọng nguyên tác khi chuyển thể tác phẩm văn học.
Kể từ khi bắt đầu công bố, dự án phim Cậu Vàng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm Lão Hạc của cố nhà văn Nam Cao, một tác phẩm văn học kinh điển của văn chương hiện thực Việt Nam, đã quen thuộc với bao thế hệ người Việt.
Tuy nhiên, ngay từ khi công bố diễn viên trong phim, trong đó có nhân vật được xem là điểm nhấn “Cậu Vàng”, tức chú chó Vàng của Lão Hạc, phim đã đứng trước luồng tranh cãi gay gắt. Nguyên nhân là vì nhà sản xuất không chọn một chú chó thuần Việt vào vai “cậu Vàng” mà lại chọn một chú chó ngoại, dòng Shiba của Nhật.
Câu hỏi được đặt ra, với một bộ phim thuần Việt, được chuyển thể từ tác phẩm văn hoc Việt Nam, viết về nông thôn và thân phận người dân cùng khổ Việt Nam trước Cách mạng tháng 8, thì hà cớ gì lại chọn một chú chó “ngoại quốc”, trong khi có nhiều các giống chó thuần Việt cực kì thông minh, đã không ít lần vào các vai rất “ngọt” trong nhiều phim Việt nổi tiếng?
Mới đây, Băng Di, một nữ diễn viên trong bộ phim đã lên tiếng bênh vực phim, nhưng lại đưa ra những lập luận được coi là thiếu hiểu biết khi cho rằng “chuyện Lão Hạc là do nhà văn Nam Cao bịa ra, đâu ai biết sự thật chú chó là chó gì”. Trong khi đó, các tác phẩm của nhà văn Nam Cao hầu hết đều được xây dựng dựa trên nguyên mẫu những con người, những số phận thật mà ông từng chứng kiến quanh mình.
Gần đây, Lê Hồng Lâm, một nhà phê bình phim có tiếng cũng lên tiếng phê phán bộ phim là biến tấu quá mức, khiến một tác phẩm văn chương hiện thực trở thành môt bộ phim “drama”, thiếu thực tế, đánh mất cái hồn của nguyên tác.
Trong những năm gần đây, việc chuyển thể tác phẩm văn học thành MV ca nhạc hay tác phẩm điện ảnh ngày một nhiều hơn. Khán giả cũng tỏ ra khá hứng thú, ủng hộ đối với những tác phẩm chuyển thể như thế. Nó vừa mở lối cho tình trạng thiếu kịch bản phim trong nước, vừa góp phần giúp người trẻ biết đến, cảm thụ và yêu tác phẩm văn học nước nhà.
Nhưng việc chuyển thể đòi hỏi ở người chuyển thể sự trân trọng và tôn trọng tác phẩm, đặc biệt là những vấn đề mang tính nhạy cảm như lịch sử hay văn hóa dân tộc. Và câu chuyện Cậu Vàng thực sự là một bài học cực kì hữu ích cho giới làm phim nói chung và phim chuyển thể tác phẩm văn học nói riêng.