'Tẩy chay' rác thải nhựa, hướng tới phát triển du lịch bền vững
Rác thải nhựa đang trở thành thách thức toàn cầu, đe dọa tới nhiều lĩnh vực và ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển bền vững của ngành du lịch.
Ô nhiễm môi trường cản trở ngành du lịch
Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch thống kê), Việt Nam có hơn 1 triệu km2 diện tích mặt nước biển, hơn 2.770 đảo ven bờ cùng hàng loạt bãi tắm đẹp từ Bắc vào Nam với những đặc trưng khác nhau. Đó là lợi thế thiên nhiên để phát triển du lịch.
Các vùng ven biển hàng năm thu hút khoảng 70% số lượng khách quốc tế tới Việt Nam và 50% khách nội địa, mang lại 70% doanh thu cho ngành Du lịch cả nước. Tuy vậy, một trong những yếu tố gây cản trở sự phát triển ngành này là tình trạng ô nhiễm môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm biển là do phát triển công nghiệp, du lịch tràn lan, cùng với nuôi trồng thủy sản bất hợp lý; dân số tăng và nghèo khó; lối sống giản đơn và dân trí thấp cộng với thể chế, chính sách còn bất cập.
Ngoài 70% đến 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ nội địa khi các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lý ra các con sông ở vùng đồng bằng ven biển hoặc xả thẳng ra biển, các hoạt động du lịch có ảnh hưởng tới 20-30% đến môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên của biển.
Ví dụ như ô nhiễm dầu nước biển ven bờ do các phương tiện tàu thuyền vận tải khách du lịch, phương tiện vui chơi, thể thao nước, khai thác san hô phục vụ nhu cầu làm hàng lưu niệm... cũng góp phần làm suy thoái hệ sinh thái nhiệt đới.
Theo kết quả giám sát môi trường hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi khách du lịch lưu trú có lượng rác thải khoảng 1,2kg/ngày đêm; mỗi khách du lịch không lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 0,5kg/ngày. Trong đó, rác thải nhựa là túi nilon, cốc nhựa, chai nhựa, hộp nhựa, hộp xốp…chiếm khoảng 60%.
Điều đáng nói, các loại rác thải này phải mất ít nhất 100-200 năm mới có thể phân hủy được, vì vậy, vừa làm mất mỹ quan của bãi biển vừa gây ô nhiễm môi trường nặng nề.
"Tuyên chiến" với rác thải nhựa
Ngành du lịch đang phục hồi và mở cửa đón khách du lịch trở lại. Nhiều địa phương có bãi biển, ngoài việc tổ chức các hoạt động để thu hút khách, phục hồi nền kinh tế địa phương phát triển thì việc bảo vệ môi trường biển cũng đã được ưu tiên đưa lên hàng đầu. Thời gian qua, vấn đề giảm rác thải nhựa đã được nhiều địa phương quan tâm.
Đơn cử như tại huyện Cô Tô (Quảng Ninh), kể từ ngày 1/9, UBND huyện triển khai thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi nylon và các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch đến huyện đảo này.
Đây một trong những giải pháp mà huyện đảo du lịch Cô Tô đang triển khai thực hiện nhằm xây dựng Cô Tô thành huyện đảo không rác thải nhựa. Đây cũng là huyện đảo đầu tiên ở Việt Nam cấm du khách mang theo chai nhựa, túi nylon… ra đảo.
Việc thí điểm sẽ được triển khai trong khoảng vài tháng, sau đó sẽ tổng kết để tiến tới áp dụng chính thức. Để triển khai hiệu quả quy định này, huyện Cô Tô yêu cầu các hãng vận chuyển và công ty lữ hành hướng dẫn cho du khách ngay từ khi bán vé và khi đến cầu cảng Vân Đồn để ra đảo Cô Tô thì sẽ yêu cầu mọi người để lại chai nhựa, túi nylon cùng những vật có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Biện pháp trước mắt là tuyên truyền để du khách hợp tác. Nếu họ đã mang chai nhựa, túi nilon đến bến tàu thì đề nghị để lại trên trên tàu, khi rời đảo sẽ lấy lại.
Tại Hội An (Quảng Nam), một trung tâm du lịch ở miền Trung Việt Nam, 30% rác thải được thu gom hàng ngày (khoảng 110 tấn) là rác thải nhựa có giá trị thấp (cốc và ống hút dùng một lần, thùng xốp, hộp sữa và gói thực phẩm). Hoạt động buôn bán du lịch chiếm 40% lượng rác thải hàng ngày ở Hội An.
Cù Lao Chàm, cách bờ biển Hội An 20km cũng đã chính thức cấm ống hút, cốc và túi nhựa dùng một lần bằng nhựa.
Hay ở Phú Quốc (Kiên Giang), với chủ đề Hướng tới thành phố đảo không rác thải nhựa, các tổ chức, cá nhân đã thực hiện nhiều mô hình, công trình, phần việc để góp phần chung tay làm sạch, xanh môi trường trên đảo. Đặc biệt, vấn đề hạn chế rác thải nhựa thải ra biển đang được chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân chú trọng giải quyết.
Theo UBND thành phố Phú Quốc, với quyết tâm hướng tới thành phố đảo không rác thải nhựa chính quyền địa phương và các tổ chức đã thực hiện nhiều việc làm thiết thực vì môi trường Phú Quốc.
Mới nhất, trong tháng 8 vừa qua, tỉnh Kiên Giang phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) cho ra mắt mô hình tổ hợp khu vực tham quan giảm sử dụng rác thải nhựa và bàn giao công trình trụ nước uống công cộng và "bộ thùng rác du lịch" tại Dinh Cậu và Công viên Bạch Đằng.
Hay sáng kiến mô hình “Trạm tập kết xanh” của WWF Việt Nam và Thành đoàn Phú Quốc đã góp phần giúp thành phố giảm rác thải nhựa, đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường.
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Hà, Giám đốc Công ty Emic Travel (Hội An) cho rằng, sau dịch bệnh việc định hình lại các sản phẩm du lịch dựa trên xu hướng tái tạo tài nguyên trở nên hết sức quan trọng. Trong đó, biến quy trình xử lý rác thải trở thành một sản phẩm du lịch chính là một trong những cách đi mới.
Hiện tại, doanh nghiệp này đã xây dựng 5 tour du lịch liên quan đến môi trường và trách nhiệm với cộng đồng. Đây không đơn thuần chỉ là một trải nghiệm du lịch mà còn hướng đến mục tiêu nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, đặc biệt thay đổi quan điểm nhận thức về du lịch lâu nay không chỉ là nghỉ dưỡng hưởng thụ, mà du khách sẽ học được điều gì sau mỗi chuyến đi, nhất là trong việc bảo tồn và phục hồi tài nguyên.
Có thể khẳng định, với sự chung tay của các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp cùng với việc nâng cao ý thức của du khách, ngành du lịch Việt Nam nhanh chóng "chữa lành vết thương" Covid-19 và hướng tới hành trình phát triển du lịch bền vững.