Tây Du Ký: 7 yêu quái thông minh nhất nhiều lần biến thầy trò Đường Tăng thành 'kẻ ngốc'
Trên đường đến Tây Thiên thỉnh kinh, thầy trò Đường Tăng nhiều lần phải khốn đốn khi đối mặt với những đại ma đầu sở hữu trí thông minh tuyệt đỉnh.
Hồng Hài Nhi
Hồng Hài Nhi là một tiểu yêu lanh lợi, đã biến thành một đứa trẻ đáng thương bị trói trong rừng rậm để lợi dụng lòng nhân hậu của Đường Tăng và tính tự đại của Ngộ Không. Tuy Ngộ Không nhìn ra mưu kế của tiểu yêu này, nhưng Hồng Hài Nhi đã chiếm được sự thương cảm của Đường Tăng, vì vậy mà vẫn đạt được mục đích.
Sau khi Hồng Hài Nhi lừa tách được Tôn Ngộ Không ra khỏi đoàn, đã thừa cơ hội dùng một trận gió bắt sống Đường Tăng. Sau đó, con trai của Ngưu Ma Vương còn biến thành Quan Thế Âm Bồ Tát để bắt sống Trư Bát Giới.
Hồng Hài Nhi còn là yêu quái duy nhất trong Tây Du Ký có thể khiến Ngộ Không gặp nguy hiểm đến tính mạng. Phải đến khi Bồ Tát dùng vòng kim cô mới có thể thu phục tiểu yêu này, làm Thiện Tài Đồng Tử bên cạnh Quan Âm.
Đại Bàng Tinh Kim Sí Điểu
Đại Bàng Tinh Kim Sí Điểu là ma đầu thứ ba trong Tam đại ma đầu ở Sư Đà Lĩnh. Kim Sí Điểu có thể nói là yêu quái có những tố chất mạnh mẽ nhất. Luận về lai lịch thì là cậu của như Lai Phật Tổ, luận về pháp lực thì vượt xa Tôn Ngộ Không.
Kim Sí Điểu cũng vô cùng thông minh. Hắn không hề chủ quan mà rất cẩn thận, quyết định kết đồng mình với hai yêu vương khác, lập ra chiến thuật, lừa sư đồ Đường Tăng vào Sư Đà Quốc để tóm gọn một thể, đồng thời loan truyền tin Đường Tăng đã bị ăn thịt khiến Ngộ Không nản chí ngã lòng.
Cuối cùng phải nhờ đến Như Lai Phật tổ ra tay trợ giúp, Ngộ Không mới có thể giải cứu sư phụ cùng các sư đệ.
Ngưu Ma Vương
Ngưu Ma Vương là huynh đệ kết nghĩa với Tôn Ngộ Không 500 năm trước, là thủ lĩnh của nhóm Thất Thánh Quái, vì con trai của mình là Hồng Hài Nhi bị Quan Âm Bồ Tát "bắt" đi mà đem lòng hận Hầu đệ.
Khi thầy trò Đường Tăng đến Hỏa Diệm Sơn, Tôn Ngộ Không ba lần mượn quạt Ba Tiêu bất thành, cùng Ngưu Ma Vương đánh trăm hiệp bất phân thắng bại. Luận về võ lực và tài trí đều không thua kém Tôn Ngộ Không.
Ấn tượng nhất chính là Ngưu Ma Vương biến thành Trư Bát Giới qua mắt được Tôn Ngộ Không để lấy lại quạt Ba Tiêu, khiến Tề Thiên Đại Thánh cảm thấy bản thân như một gã ngốc.
Tuy nhiên vì động thái của Ngưu Ma Vương làm trở ngại đến đại nghiệp thỉnh kinh, ảnh hưởng đến lợi ích của Linh Sơn, nên bị Tây Thiên và Thiên Đình hợp lực truy bắt. Lão Ngưu dù có tài phép đến đâu nhưng đối mặt với sự liên thủ của 2 trong những chiến thần mạnh nhất là Ngộ Không và Na Tra thì cũng đành bất lực chịu trói.
Bạch Cốt Tinh
Bạch Cốt Tinh là nữ yêu đầu tiên "xuất trận" trong Tây Du Ký, cũng là yêu tinh đầu tiên rêu rao thông tin "ăn thịt Đường Tăng có thể trường sinh bất lão". Mặc dù bản lĩnh không quá cao nhưng mưu kế và sự ranh mãnh thì có thừa. Vì thế "Ba lần đánh Bách Cốt Tinh" chính là một trong những hồi chương hay nhất trong tác phẩm Tây Du Ký.
Lần thứ nhất, Bạch Cốt Tinh biến thành một thiếu nữ lừa Đường Tăng ra khỏi vòng bảo hộ rồi bị Ngộ Không đánh chết. Đường Tăng thân là người trần mắt thịt đã không nhìn ra yêu thuật của Bạch Cốt nên đã trách phạt Ngộ Không giết người vô tội.
Lần thứ 2, Bạch Cốt Tinh biến thành người mẹ già đi tìm con gái và lại để Ngộ Không đánh chết. Đường Tăng vô cùng tức giận, niệm chú trừng phạt và muốn đuổi Ngộ Không đi.
Lần thứ 3, nữ yêu này biến thành một ông già đi tìm vợ và con gái, lần này Bạch Cốt Tinh không thể chạy thoát mà bị Ngộ Không đánh chết thực sự. Tuy nhiên cảnh mà Đường Tăng nhìn thấy là Ngộ Không liên tiếp đánh chết 3 người vô tội, vì vậy đã viết giáy cắt đứt quan hệ sư đồ, đuổi Tôn Ngộ Không về Hoa Quả Sơn.
Là một yêu tinh, có thể lợi dụng điểm yếu của con người, sử dụng thành công kế ly gián để phá vỡ quan hệ sư đồ của thầy trò Đường Tăng chỉ có Bạch Cốt Tinh duy nhất làm được. Chỉ tiếc pháp lực không bằng Tôn Ngộ Không, lại không có lai lịch đằng sau, nên mặc dù đạt được mục đích nhưng lại phải trả giả bằng cả tính mạng.
Ban Y Quyết Bà
Ban Y Quyết Bà là bộ hạ thủy tộc của Linh Cảm Đại Vương ở Thông Thiên Hà. Khi nhận thấy thầy trò Đường Tăng gặp khó khăn trong việc qua sông, Ban Y đã hiến kế cho Linh Cảm Đại Vương dùng pháp lực khiến thời tiết chuyển lạnh làm mặt sông bị đóng băng.
Quả nhiên sư đồ 4 người đều mắc bẫy, lúc đi bộ qua sông thì Đường Tăng và Bạch Long Mã bị Linh Cảm Đại Vương bắt sống.
Khi Linh Cảm Đại Vương bị Ngộ Không dụ ra khỏi mặt nước và đánh bại bỏ chạy, Ban Y rất tinh ý nhận ra ngay đại đồ đệ của Đường Tăng không giỏi thủy chiến.
Vì vậy khuyên Linh Cảm "bế quan bất chiến", khiến Ngộ Không hoàn toàn bất lực, chỉ có thể đi cầu cứu Quan Âm Bồ Tát. Có thể thấy Ban Y Quyết Bà là một quân sư đa mưu túc trí của Linh Cảm Đại Vương, chỉ tiếc Đường Tăng là người của Phật tổ, nên dù thế nào cũng sẽ có thần tiên ra sức cứu nạn.
Nam Sơn Đại Vương
Nam Sơn Đại Vương là một con báo đốm thành tinh ở núi Trung Nam, tên gọi bắt nguồn từ câu thành ngữ cổ: "Nam Sơn ẩn báo". Trong Tây du Ký, yêu quái sở hữu trí tuệ mà lại không có lai lịch đằng sau như Nam Sơn Đại Vương, chắc khó mà tìm được người thứ 2.
Pháp lực thấp kém nhưng giỏi dụng kế, mánh khóe cao minh, Nam Sơn Đại Vương đã sử dụng kế thứ nhất trong 36 kế - Mãn thiên quá hải (giấu trời vượt biển) qua mắt Hỏa Nhãn Kim tinh của Tôn Ngộ Không.
Hai lần dùng đầu người giả để khiến các đồ đệ của Đường Tăng tin rằng sư phụ đã bị giết chết. Sa Tăng gào khóc, Bát Giới chia hành lý, ngay cả Tôn Ngộ Không cũng gục mặt rơi lệ. Chỉ tiếc sơ suất của lũ tiểu yêu đã vô tình khiến Tôn Ngộ Không phát hiện ra mưu kế, Nam Trung Đại Vương cũng là đại ma đầu duy nhất bị Trư Bát Giới giết chết.
Lục Nhĩ Di Hầu
Lục Nhĩ Di Hầu có thể nói là ma tâm của Tôn Ngộ Không, như một bản sao mô phỏng lại từ tính cách, tài nghệ đến trí thông minh của Tề Thiên Đại Thánh. Với sự hiểu biết thông thái của mình, Lục Nhĩ Di Hầu như một chiếc gương để Tôn Hành Giả soi lại quá khứ của mình.
"Ngộ Không giả" đánh cả Đường Tăng, làm một việc mà Ngộ Không từng muốn làm nhưng không làm được. Yêu hầu này còn cùng với Ngộ Không tái hiện lại khung cảnh đại náo Long Cung, Địa Phủ và Thiên Đình.
Chúng thần tiên không thể phân biệt thật-giả là tượng trưng cho việc Thiên Đình năm xưa bất lực trong việc ngăn cản Ngộ Không, rồi cũng phải đến khi Như Lai ra mặt mới có thể phân biện yêu hầu như cách Phật tổ năm xưa hàng phục Ngộ Không.
Cuối cùng chính Ngộ Không là người đánh chết Lục Nhĩ Di Hầu như muốn nói Tôn Hành Giả đã hiểu rõ và rũ bỏ được tâm niệm tà ác của mình, để một lòng hướng thiện, tu thành chính quả.