Tây Du Ký: Tại sao sau khi thỉnh kinh, Quan Thế Âm Bồ Tát lại không giữ lời hứa với Bát Giới?
Trong 4 thầy trò Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh, chỉ Trư Bát Giới là không thể thành Phật, đã thế còn không được thực hiện nguyện ước ban đầu của mình.
Trong Tây Du Ký, hẳn chúng ta đều biết 4 đệ tử của Đường Tăng đều không phải những nhân vật tầm thường. Họ đều là những nhân vật xuất sắc nhất, tinh quái nhất trong giới yêu quái.
Trong số đó, Trư Bát Giới hẳn là đồ đệ đặc biệt nhất của Đường Tăng. Khác với nhị sư huynh Sa Tăng bị lừa vào đội ngũ đi lấy kinh, khác với số phận éo le của Tôn Ngộ Không hay thậm chí là Bạch Long Mã, trước khi đi thỉnh kinh, Trư Bát Giới đã từng trải qua một cuộc sống vô cùng hạnh phúc.
Thứ nhất, Bát Giới không phải lo sợ cái chết vì vốn một vị tiên giữ chức Thiên Bồng Nguyên Soái ở Thiên Đình, không bị hạn chế tự do cũng như phải chịu bất cứ hình phạt nào. So với Trư Bát Giới, những đồ đệ còn lại của Đường Tăng đã phải chịu đựng những trừng phạt nặng nề nhất: Đại sư huynh Tôn Ngộ Không bị Phật Tổ giam ở núi Ngũ Hành Sơn những 500 năm, tam đệ Sa Tăng mỗi ngày đều phải chịu đựng ngàn mũi tên đâm xuyên ngực. Trư Bát Giới lúc đầu tuy chỉ là môt “trư linh” nhưng vẫn sống những ngay tự do tự tại và thoải mái hơn rất nhiều so với các sư huynh sư đệ của mình.
Thứ hai, không chỉ có sống những ngày tháng an nhàn, vị đồ đệ thứ hai của Đường Tăng còn là người “giàu” nhất. Bát Giới có hang động của riêng mình ở núi Phúc Linh. Khi bị đày xuống hạ giới, Bát Giới còn khiến cho việc kinh doanh của trang trại gia đình nhà họ Cao thêm phát triển. Có thể nói là cuộc sống của vị đồ đệ này trôi qua không phải bao giờ phải bận tâm đến vấn đề cơm áo gạo tiền.
Dù Tôn Ngộ Không có Hoa Quả Sơn nhưng sau khi đại náo thiên cung thất bại và chịu trừng phạt thì Tề Thiên Đại Thánh cũng mất quyền kiểm soát "đại bản doanh" của mình và nơi này sau đó đã bị bỏ hoang trong rất nhiều năm.
Sa Tăng và Bạch Long Mã cũng có chỗ ở riêng nhưng đều là những địa phương với điều kiện khó khăn, tài nguyên khan hiếm, hoang vắng như thời nguyên thủy. Có thể nói, trong số các đệ tử, Trư Bát Giới là người tự do và có cuộc sống sung túc phú quý nhất.
Chính vì những lý do trên mà ban đầu Bát Giới không hề muốn đi thỉnh kinh. Nhưng Quan Âm lại khuyên Bát Giới muốn có được tiền đồ vô lượng, đắc đạo thành tiên, thành Phật thì hãy đi theo Đường Tăng. Nhưng lão Trư vẫn từ chối vì cho rằng đi thỉnh kinh cực khổ, sợ bị đói, sợ phải tuân theo hàng loạt quy tắc nhà Phật.
Không có gì ngạc nhiên bởi lúc đầu Trư Bát Giới không hề để tâm đến lời khuyên đi theo Đường Tăng của Bồ Tát. Bát Giới đang có cuộc sống không lo ăn mặc, hạnh phúc và thoải mái không cần thiết phải trở thành người hộ tống Đường Tăng, bước vào cuộc hành trình gian lao, đầy nguy hiểm và thử thách phía trước.
Nhưng đến cuối cùng, tại sao vị đồ đệ thứ hai của Đường Tam Tạng lại nghe theo lời Quan Âm lên đường đi thỉnh kinh?
Ai cũng biết nhân vật Bát Giới chính là người không có lợi cho bản thân tuyệt sẽ không làm. Quan Âm đã nắm lấy điểm này và khiến Bát Giới cam tâm tình nguyện lên đường và trở thành nhị đồ đệ của Đường Tam Tạng.
Bồ Tát thuyết phục Bát Giới rằng nếu đi theo thỉnh kinh, đi theo con đường chính nghĩa, hướng thiện thì Trư Bát Giới sẽ có được cơ thể và ngoại hình như mình hằng mong muốn mà không phải cơ thể nửa người nửa heo như hiện tại. Hơn thế nữa, Bát Giới sẽ đi được nhiều nơi, nếm được nhiều món ngon của nhân gian.
Quan Thế Âm lúc này đã đánh đúng vào điểm yếu trong lòng Bát Giới. Thậm chí, sau này cả Đường Tăng và Tôn Ngộ Không cũng thường lấy đồ ăn ra để “dụ” và thúc đẩy sự dũng cảm ở Bát Giới trên đường đến Tây Thiên.
Quan Âm Bồ Tát đã dùng thức ăn để “dụ” Bát Giới tham gia vào nhóm đệ tử đi Tây Thiên cùng Đường Tăng, và nhiều khán giả cho rằng điều này giống như một "cú lừa" với Thiên Bồng Nguyên Soái. Tại sao lại như vậy?
Đầu tiên, khi lên đường cùng Đường Tam Tạng - một tăng ni nhà Phật ăn chay thì khái niệm “ăn no” của Bát Giới khó mà thực hiện được. Bát Giới thường hay phải vơ vét đồ ăn thừa của mọi người để đảm bảo mình được no bụng.
Thứ hai, mặc dù những đóng góp của Bát Giới trong cả cuộc hành trình đi lấy kinh không tốt như Ngộ Không nhưng “không có công lao cũng có khổ lao”. Anh ta đi lấy kinh là vì ăn, thế nhưng ai mà biết đãi ngộ còn không bằng thuộc hạ của yêu quái. Như vậy thật khiến cho Bát Giới chuyên phải ăn “cơm thừa canh cặn” không hề phục.
Cuối cùng, đây cũng là điều “đau khổ” nhất đối với nhị đồ đệ của Đường Tăng, Trư Bát Giới vượt qua biết bao thử thách và khổ cực đi lấy kinh vì miếng ăn ngon thì sau khi đến Linh Sơn khẩu vị ăn uống lại giảm đi đáng kể. Trư Bát Giới ăn ít đến nỗi đại sư huynh Ngộ Không thấy ngạc nhiên và hỏi tại sao vị sư đệ bình thường ham ăn của mình nay lại ăn ít như vậy.
Thực ra, đến Bát Giới cũng vô cùng buồn bực vì cảm tưởng như dạ dày của mình đã nhỏ lại và mất cảm giác thèm ăn của ngày trước. Những thay đổi về đường ăn uống của nhị đồ đệ Đường Tăng không phải ngẫu nhiên.
Chính vì những điều trên mà Quan Âm bị nghi ngờ là không hề giữ lời. Thậm chí khi gặp Phật Tổ Như Lai, Trư Bát Giới vẫn không cam lòng hỏi Phật Tổ: “ Mọi người đều thành Phật, tại sao chỉ mỗi mình con là Tịnh Đàn Sứ Giả?” Như Lai lại nói: “Phàm các việc Phật, ta giao cho ngươi làm tịnh đàn cũng là một chức phẩm có được ăn uống, sao lại không tốt?”.
Còn về phần tại sao sau khi lấy kinh thành công, Quan Âm lại không đồng ý thực hiện những điều đã nói với Bát Giới lúc ở núi Phúc Linh. Đáp án, thực ra rất đơn giản.
Thứ nhất, Bát Giới bị đầy xuống hạ giới với một hình hài kì quái, xấu xí nửa người nửa lợn vì bản tính háo sắc trêu ghẹo Hằng Nga. Thứ hai, trên đường đi Tây Thiên thỉnh kinh quá nhiều lần Bát Giới gặp khó khăn mà muốn quay trở về bỏ mặc sư phụ và các sư huynh sư đệ của mình. Hai điều này đều không thoát khỏi bàn tay của Phật Tổ Như Lai và Quan Thế Âm Bồ Tát nên anh ta không thể được độ thành Phật.
Thêm vào đó, trong show truyền hình Vương bài đối vương bài phát sóng trong dịp đầu năm 2018, “Trư Bát Giới” Mã Đức Hoa đã lý giải rằng bốn thầy trò Đường Tăng là biểu tượng cho nhân sinh.
Đường Tăng là đại diện tinh thần tích cực, Tôn Ngộ Không là đại biểu sức mạnh, Sa Tăng là sự chân thành kiên nhẫn. Trong khi đó, Trư Bát Giới là đại diện của dục vọng và lòng tham của con người.
“Dục vọng của con người mãi mãi không thể thay đổi. Con người chỉ có thể cố gắng nỗ lực để lấn át dục vọng phần nào. Trong cuộc sống, tôi luôn nghĩ phải bỏ bớt những sân si, đố kỵ để sống tốt”, Mã Đức Hoa chia sẻ.
Nhiều khán giả còn lý giải vui rằng dù là các vị thần tiên thì tốt nhất lần sau Bát Giới nên chuẩn bị cho mình bản cam kết và hợp đồng cẩn thận để tránh bị “cú lừa” như trên.