Tây Du Ký: Vì sao Bạch Long Mã không biến thành người để đánh yêu quái?

Đọc Tây Du Ký, nhiều người thắc mắc tại sao Đường Tăng nhiều lần bị bắt mà Bạch Long Mã hầu như không biến thành hình dạng con người để cùng 3 sư huynh đánh yêu quái

Khi nhắc đến tác phẩm kinh điển Tây Du Ký, chúng ta thường nghĩ ngay đến câu chuyện 4 thầy trò Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh. Tuy nhiên, trong đoàn đi còn có một nhân vật vô cùng quan trọng nhưng lại thường không được chú ý đến. Đó chính là Bạch Long Mã.

Theo nguyên tác, Bạch Long Mã vốn là Tam Thái tử Ngao Liệt của Tây Hải Long Vương. Ngao Liệt bị kết án tử hình vì đốt viên ngọc do Ngọc Hoàng tặng làm quà cưới. Nguyên nhân là vì hắn phát hiện vị hôn thê của mình là Công chúa Vạn Thánh đã lừa dối, ngoại tình với Cửu Đầu Trùng. Ngao Liệt đã phá phách đồ đạc trong cơn tức giận, vô tình làm hỏng đồ quý do Ngọc Hoàng tặng nên đã phạm tội. Trong lúc bị treo giữa trời chờ chết thì được Quan Thế Âm Bồ Tát cứu và quy y, chỉ điểm đợi Đường Tăng tới và phò tá Đường Tăng thỉnh kinh mà chuộc tội.

Bạch Long Mã vốn xuất thân là Tam Thái Tử của Tây Hải Long Vương. Ảnh minh họa.

Bạch Long Mã vốn xuất thân là Tam Thái Tử của Tây Hải Long Vương. Ảnh minh họa.

Hồi 8 Tây Du Ký chép rõ như sau: “Quan Âm tâu rằng: Tôi vâng sắc Phật Tổ, xuống Ðông Ðộ tìm kẻ thỉnh kinh, gặp rồng có tội bị treo, nên tôi vào tấu, xin Bệ Hạ tha tội rồng ấy mà cho theo tôi, đặng đỡ gót kẻ thỉnh kinh ra công mà chuộc tội.

Thượng Ðế nghe tấu, truyền tướng trời mở trói nghiệt long (rồng dữ) giao cho Bồ Tát. Quan Âm từ tạ, rồng nhỏ cũng lạy tạ ơn. Quan Âm dẫn rồng nhỏ xuống núi dặn rằng: Ngươi ở khe này, đợi thầy thỉnh kinh đi ngang qua, sẽ hóa thành ngựa kim đỡ gót. Rồng con vâng lệnh ở đó mà chờ”.

Tuy nhiên, do một số tình huống vô tình kết hợp, Bạch Long Mã đã ăn nhầm con ngựa trắng của Đường Tăng. Vì vậy, để trừng phạt hắn, Quan Thế Âm Bồ Tát đã thu ngọc rồng, buộc hắn biến thành ngựa và trở thành thú cưỡi của Đường Tăng.

Cụ thể, Tây Du Ký hồi thứ 15 nói rõ: “Núi Xà Bàn các Thần ngầm giúp sức, Khe Ưng Sầu long mã thắng yên cương” có một đoạn kể về long mã: Đó là lúc tiết trời tháng Chạp, gió bấc thấu xương, băng tuyết lạnh lẽo, đường đi toàn là sườn non dựng đứng chon von, vách núi gập ghềnh hiểm trở, con đường dưới chân cũng gồ ghề đầy sỏi đá. Tôn Ngộ Không dắt ngựa đưa Đường Tăng hướng về phía trước, đi đến khe Ưng Sầu của núi Xà Bàn.

Đường Tăng ngồi trên mình ngựa, nghe văng vẳng tiếng nước chảy ào ào, thấy “ầm ầm mạch nước luồn mây chảy, lớp lớp sóng xô rực ánh hồng”. Hai thầy trò đang mải mê ngắm cảnh, đột nhiên có một con rồng nổi lên khỏi mặt khe, đạp nước rẽ sóng, bay đến chực vồ lấy Tam Tạng. Ngộ Không nhanh tay nhanh mắt ôm sư phụ bay thẳng lên một gò đất cao. Đường Tăng lúc này vẫn chưa biết chuyện gì đang xảy ra, chỉ nghe thấy Ngộ Không nói con ngựa bạch đã bị rồng trong khe nước ăn thịt mất rồi. Đường Tăng nghe nói bạch mã đã mất, liền lo lắng: “Nếu bạch mã bị ăn thịt rồi, ta làm sao mà đi tiếp? Khổ quá, trăm núi nghìn sông đi đứng sao đây?”.

Sơn thần núi Lạc Già theo lệnh của Bồ Tát biến thành một ông lão, tặng cho Đường Tăng chiếc yên ngựa mới. Ông lão nói: “Tôi đây vẫn còn một bộ yên cương là vật quý nhất đời, dù nghèo đói tôi cũng không dám bán. Vừa rồi nghe sư phụ nói Bồ Tát cứu mạng con rồng thần, biến nó thành ngựa để ngài cưỡi, tôi già rồi nhưng lại không giúp đỡ ngài được chút ít sao? Ngày mai tôi xin dâng ngài bộ yên cương để ngài dùng, mong ngài vui lòng nhận cho”.

Một chi tiết khá ẩn ý rằng dù là nhân vật thứ 3 xuất hiện (sau Tôn Ngộ Không) nhưng Bạch Long Mã lại không được coi là nhị sư huynh. Vị trí này lại được nhường lại cho Trư Bát Giới, rồi sau đó mới đến Sa Ngộ Tĩnh.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong suốt hành trình thỉnh kinh, Bạch Long Mã cũng được ít người chú ý nhất bởi nhân vật này gần như không tham gia vào các trận đánh với yêu quái, không mấy khi biến thành người và thể hiện tài phép của mình.

Một trong số lần hiếm hoi là sau khi Đường Tăng đuổi Tôn Ngộ Không đi thì bị yêu quái biến thành một con hổ và bị giam cầm. Trong khi Trư Bát Giới và Sa Tăng cũng không thể đánh bại yêu quái thì Bạch Long Mã đã biến thành một cung nữ để ám sát kẻ thù. Dù điều kiện bất lợi nhưng ngựa trắng của Đường Tăng vẫn một mình dũng cảm đi đánh yêu quái. Cuối cùng phải tạm tìm đường thoát thân khi bị thương.

Vào thời khắc nguy nan, Bạch Long Mã vẫn bình tĩnh khuyên Trư Bát Giới mời đại sư huynh Tôn Ngộ Không về cứu sư phụ. Chi tiết này cũng chứng tỏ bản lĩnh gan dạ của Bạch Long Mã khi một mình đương đầu với yêu quái để bảo vệ sự phụ.

Về phần tại sao trên đường lấy kinh, Bạch Long Mã hiếm khi biến thành người để cùng với 3 sư huynh đánh yêu quái, nhiều người cho rằng có hai lý do:

Một là do ngọc rồng không có trong cơ thể nên pháp lực của Bạch Long Mã bị giảm đi rất nhiều, điều này khiến hiệu quả chiến đấu thấp, rất dễ bị thương khi đánh nhau với yêu quái. Hơn nữa, ba vị sư huynh có pháp lực rất lớn nên không cần đến Bạch Long.

Thứ hai là lời khuyên của Quan Thế Âm Bồ Tát. Khi Đường Tăng đi thỉnh kinh, Tôn Ngộ Không và Bát Giới, Sa Tăng mặc dù có thần thông quảng đại, nhưng họ vẫn từng bước vượt qua các kiếp nạn để thỉnh kinh. Tục ngữ có câu, lòng thành dẫn đến tâm linh, cho nên Bạch Long Mã thân mang tội, đương nhiên phải chuyên tâm để hoàn thành công đức của mình.

Vì vậy, Bạch Long Mã cần mẫn làm thú cưỡi của Đường Tăng suốt dọc đường đi thỉnh kinh. Nhân vật Bạch Long Mã là sự tượng trưng về "ý" trong Phật giáo. Cái "ý" ở đây chính là ý chí, sự quyết tâm tiến về phía trước không lùi lại. Cũng bởi con ngựa này luôn tiến về phía trước mới có thể chở được Đường Tăng tới Tây Trúc. Cũng chính nhờ sự nỗ lực và kiên trì của mình mà cuối cùng hắn đã có thể lấy lại được thân rồng và tu thành chính quả, được phong Bát Bộ Thiên Long Quảng Lực Bồ Tát.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tay-du-kyvi-sao-bach-long-ma-khong-bien-thanh-nguoi-de-danh-yeu-quai-a665270.html