Tây Giang hùng vĩ - Tiếng gọi từ đại ngàn
Một ngày trung tuần tháng 7, đoàn Báo Thế giới & Việt Nam chúng tôi với gần 40 cán bộ, phóng viên, nhân viên rong ruổi đường xa dưới nắng hè gay gắt của miền Trung, đến với thôn Tr'lêê, xã A Tiêng, huyện miền núi Tây Giang của tỉnh Quảng Nam.
Đường vào thôn Tr’Lêê. (Ảnh: Trung Hiếu)
Xe chúng tôi vượt qua những cung đường núi, với những khúc cua khúc khuỷu liên tục, tuy khá mệt nhưng tinh thần của mọi người rất hồ hởi, háo hức khi được đến với đồng bào Cơ Tu.
Đi cùng đoàn chúng tôi là các hướng dẫn viên du lịch Mai Kim Huyền và Lê Tấn Chinh, nhiếp ảnh gia Đặng Ngọc Hậu và quay phim Ngô Văn Lý của Công ty Cổ phần Tuấn Thi, cùng một số bạn nữa tôi chưa kịp biết hết tên. Tất cả đều trẻ trung và rất nhiệt tình.
Đến Nhà khách Tây Giang tại trung tâm xã A Tiêng, sau khi nhận phòng, chúng tôi háo hức ra xe để vào thôn Tr’lêê cách đó khoảng 6km.
Tây Giang là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Quảng Nam. Huyện Tây Giang được thành lập ngày 25/12/2003 trên cơ sở chia tách huyện Hiên thành hai huyện Đông Giang và Tây Giang.
Tây Giang cách thành phố Tam Kỳ 190km, cách thành phố Đà Nẵng 150km về phía Tây. Phía Đông huyện này giáp huyện Đông Giang, phía Tây giáp Lào, phía Nam giáp huyện Nam Giang, phía Bắc giáp huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế). Ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, khí hậu ở Tây Giang quanh năm mát mẻ và lạnh về đêm. Tây Giang có điểm đến nổi bật là Đỉnh Quế và đặc biệt là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Cơ Tu vẫn được lưu giữ nguyên vẹn mà không bị pha trộn với văn hóa của các dân tộc khác.
Tây Giang có khoảng hơn 20.000 dân (95% dân số là người Cơ Tu), sống rải rác ở các vùng suối, rừng sâu. Sở dĩ có sự phân bố đó vì đời sống người dân chủ yếu dựa vào núi rừng, chính là nơi họ có thể trồng hoa màu, bắt cua cá để phục vụ đời sống hàng ngày. Đời sống kinh tế của người dân vẫn còn kém phát triển, do đó, Công ty cổ phẩn Tuấn Thi là đơn vị tiên phong với sứ mệnh “Phát triển kinh tế vùng biên bởi ngành dịch vụ du lịch” nhằm đưa Tây Giang trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách cũng như các nhà đầu tư. Công ty đề ra mục tiêu tầm nhìn “biến Tây Giang thành một Sa Pa thứ hai của Việt Nam về mọi mặt”, qua đó, giúp Tây Giang có điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đặc biệt là có thêm việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân để phần nào giúp họ cải thiện đời sống.
Những ánh mắt hồn nhiên, trong veo của những em bé Cơ Tu chăm chú nhìn đoàn xe chúng tôi từ từ tiến vào bãi đậu xe gần sân chính của thôn. Ngay trước sân là ngôi nhà Gươl - nhà sinh hoạt cộng đồng theo truyền thống của người Cơ Tu.
Đoàn Báo Thế giới & Việt Nam trước ngôi nhà Gươi (Tây Giang). (Ảnh: Đặng Ngọc Hậu)
Thôn Tr’Lêê có 28 hộ dân với 126 nhân khẩu, toàn là đồng bào Cơ Tu. Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, tách biệt với bên ngoài, không có sóng điện thoại. Nguồn kinh tế chủ yếu của bà con là tự cung tự cấp, phụ thuộc vào tài nguyên rừng. Vì nguyên do đó mà Công ty Tuấn Thi đã đưa ra sản phẩm tour du lịch thiện nguyện Tây Giang nhằm giúp đỡ bà con Tr’lêê có điều kiện sống tốt hơn nhờ vào các dịch vụ phục vụ du khách trải nghiệm tại thôn như nấu ăn, bán sản vật địa phương, đốt lửa trại, múa truyền thống…
Đón chào khách là tiếng cồng chiêng trầm hùng của ban nhạc toàn nam mặc trang phục thổ cẩm với màu chủ đạo là đỏ và đen. Trước nhà Gươl, bà con đã bày lên bàn mời khách những sản vật địa phương như dứa, chuối, sắn luộc chấm vừng ớt, nước chè…
Sau những phút làm quen ban đầu, nhiều du khách háo hức tìm mua sản vật địa phương. Chợ chiều bán các sản vật địa phương do chính bà con tự sản xuất như các loại rau, củ quả, mật ong rừng, sâm cau, táo mèo khô, ba kích… những thứ tuy không khó tìm ở thành thị, nhưng ở đây chính là nguồn sản phẩm sạch, an toàn, không có thuốc trừ sâu hay thuốc bảo vệ thực vật.
Nhóm thanh niên thì theo mấy chị dân thôn vào suối bắt cá. Con suối không xa lắm, các chị quen chân nên bước thoăn thoắt, còn chúng tôi vừa lội suối vừa dò, nhắc nhau tránh dẫm lên những tảng đá to kẻo trơn. Những đoạn khó đi thì đã có các bạn hướng dẫn du lịch hỗ trợ.
Tổng Biên tập Báo Thế giới & Việt Nam Nguyễn Văn Trung trao quà cho các em nhỏ và bà con. (Ảnh: Trung Hiếu)
Tây Giang có rất nhiều con suối đầu nguồn, nhưng xung quanh khu vực đó đều có người dân sinh sống và sử dụng nước suối để sinh hoạt, vì vậy nước suối ở đó ít nhiều có ô nhiễm. Riêng dòng suối ở thôn Tr’lêê này là suối đầu nguồn duy nhất không có người dân sinh sống ở khu vực thượng nguồn. Vì vậy, nước suối ở đây giữ được độ trong sạch vốn có của nó. Xã đã lắp đặt đường ống đưa nước sạch từ đầu nguồn về thôn. Tương truyền rằng, nếu ai đến con suối này tắm thì sẽ gặp nhiều may mắn, những cặp vợ chồng hiếm muộn đến đây tắm về là sẽ có tin vui… Cá ở suối này là những loại cá nhỏ, sống trong các khe đá, muốn bắt được cá cần khéo léo dùng vợt lùa vào trong ngách đá để bắt, hoặc có thể bắt bằng tay. Chỉ một lúc thôi là các chị đã bắt được lưng giỏ cá.
Bắt cá chán, nhóm thanh niên trong đoàn quay ra đùa nghịch, té nước, tạo dáng chụp ảnh check-in rất vui vẻ. Các cháu nhỏ dân bản thi nhau bơi lội, ngụp lặn dưới làn nước xanh mát.
Khi nắng chiều dần xuống, không khí trở nên dịu mát hơn, chúng tôi trở về tập trung bên sân chính của thôn trong lúc chờ bắt đầu chương trình tặng quà cho bà con thôn Tr’lêê.
Ông Nguyễn Văn Trung, Tổng Biên tập Báo Thế giới & Việt Nam, đại diện đoàn lên trao quà cho các em nhỏ và bà con. Những nụ cười cảm ơn của các chị phụ nữ, những ánh mắt bẽn lẽn, hồn nhiên của các em nhỏ trong thôn… là những hình ảnh đẹp mà tôi khó quên…
Trời tối dần, chính là thời điểm của sự kiện quan trọng nhất – đêm giao lưu văn nghệ và đốt lửa trại. Bàn tiệc được bày ra với những món ăn truyền thống của người Cơ Tu: súp sắn, thịt nướng, cá lóc nướng ống tre, măng, bánh sừng trâu, cơm lam…
Vũ điệu Tung Tung Ya Yá của người Cơ Tu. (Ảnh: Trung Hiếu)
Đống lửa to chợt bùng cháy lên rừng rực trong tiếng reo hò. Vũ đoàn với hàng chục chàng trai lực lưỡng đóng khố, mặc áo thổ cẩm, tay trái mang khiên, tay phải cầm đao hoặc giáo, những cô gái duyên dáng trong trang phục váy quây truyền thống Cơ Tu tiến ra sân trước trong tiếng nhạc rầm rập, réo rắt mời gọi…
Họ biểu diễn những vũ điệu Tung Tung và Ya Yá (điệu múa dâng Trời). Hướng dẫn viên Kim Huyền cho biết: Ngày trước, theo truyền thống, mỗi năm chỉ được múa một lần. Đây là điệu múa mang ý nghĩa sâu sắc về mặt tâm linh của người Cơ Tu, cũng là điệu múa dân gian đặc sắc mang giá trị nghệ thuật văn hóa cao. Tung Tung theo tiếng Cơ Tu có nghĩa là vươn cao, mạnh mẽ. Nó dành cho các nam thanh niên khỏe mạnh. Còn Ya Yá theo tiếng Cơ Tu là thẳng hàng, điệu múa này của phụ nữ, mang ý nghĩa là đón đợi ơn đất nghĩa trời, hai bài tay hứng lên như mừng rỡ đón chờ, mắt nhìn thẳng, miệng tủm tỉm cười duyên, tràn đầy những yêu thương… Nam múa riêng, nữ múa riêng, rồi hai đội nam nữ cùng múa phối hợp trong tiếng vỗ tay rầm rập đầy phấn khích của khán giả…
Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc phải chia tay. Những tiếng gọi ríu rít của đám trẻ thơ, những cái nắm tay bịn rịn của bà con thôn Tr’lêê, dường như đôi bên đều nghẹn ngào, cứ dùng dằng dưới trời đêm càng lúc càng se lạnh…
Trên đường về, tôi cứ nghĩ: gần đây, Tây Giang đã được biết đến từ các hoạt động du lịch tự phát, những ngôi nhà homestay dần mọc lên, có thể thấy Tây Giang đang dần chuyển mình và phát triển, từng bước sẽ được con người mọi nơi đến chinh phục núi rừng hùng vĩ nơi này.
Tây Giang hùng vĩ! Hẹn ngày gặp lại!
Một số hình ảnh của đoàn tại Tây Giang tháng 7/2020:
Đoàn Báo Thế giới và Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với Bà con Cơ Tu ở thôn Tr’Lêê (Tây Giang).
Đoàn thưởng thức trà của Bà con Cơ Tu ở thôn Tr’Lêê (Tây Giang).
Trải nghiệm hoạt động bắt cá ở suối tại Tây Giang.
Hàng nông sản của Bà con Cơ Tu (Tây Giang) giới thiệu với đoàn Thế giới và Việt Nam.
Check in trên Đỉnh Nguyệt Quế ở Tây Giang
Các thành viên của Tuấn Thi Travel luôn sẵn sàng chào đón và phục vụ các vị khách đến với Tây Giang.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tay-giang-hung-vi-tieng-goi-tu-dai-ngan-119512.html