Tây Hòa: Phát triển hợp tác xã gắn với xây dựng nông thôn mới

Gian hàng giới thiệu sản phẩm nông sản trong chương trình xây dựng NTM của các xã và HTX ở huyện Tây Hòa. Ảnh: TRẦN QUỚI

Thay đổi trong cách nghĩ, cách làm kinh tế tập thể, cùng với sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương là những điều kiện tiên quyết giúp phát triển HTX một cách bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Tây Hòa.

Một thời, khi nhắc tới kinh tế tập thể nhiều người không mặn mà, bởi sự trì trệ, lạc hậu và làm ăn kém hiệu quả. Kể từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực (tháng 7/2013) và huyện Tây Hòa tập trung triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, một làn gió mới xốc tới giúp phát triển kinh tế tập thể và các HTX trên địa bàn.

Làn gió mới cho kinh tế tập thể

Ông Nguyễn Tấn Chân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa nhớ lại: “Thời điểm Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, trước tình hình không nhiều HTX trên địa bàn làm ăn hiệu quả do tư duy cũ, cách làm cũ, Huyện ủy đã rốt ráo chỉ đạo, quyết tâm phục hồi nền kinh tế tập thể trong điều kiện mới”.

Từ chủ trương đúng đắn, cùng sự quyết tâm đó, các HTX trên địa bàn huyện Tây Hòa được rà soát, xốc lại bộ máy tổ chức, tăng cường cán bộ trẻ về làm giám đốc HTX; xây dựng kế hoạch phát triển gắn với thế mạnh của HTX đang có… Trong đó, HTX Hòa Phong là một trong những điển hình của mô hình kinh tế tập thể.

Đối với HTX Hòa Phong, sản xuất lúa vẫn là phương thức làm ăn chính, nhưng cách làm đã khác hơn nhiều. HTX chủ trương định hướng các thành viên làm lúa chất lượng cao, chăm sóc lúa theo quy trình, vật tư nông nghiệp được HTX cung cấp với giá ưu đãi, sản phẩm đầu ra được bao tiêu với giá cao hơn mặt bằng chung của thị trường… Không chỉ làm lúa, HTX Hòa Phong còn mở ra nhiều dịch vụ khác như thu gom rác thải, bán xăng dầu, phát triển làng nghề trồng dâu nuôi tằm để sản xuất rượu tằm, thủy lợi nội đồng, tín dụng nội bộ…

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Hòa Phong chia sẻ: “HTX từng bước nâng cao chất lượng và đa dạng nhiều loại hình dịch vụ, cung ứng dịch vụ giá rẻ, bình ổn cho hộ thành viên. Hiện HTX Hòa Phong kinh doanh 10 dịch vụ. Tổng doanh thu hàng năm từ 20-22 tỉ đồng. Hàng năm, tổng số tiền chia lãi cho thành viên từ 400-500 triệu đồng”.

Ông Huỳnh Tấn Nghĩa, thành viên của HTX Hòa Phong thông tin thêm: Những năm gần đây, không khí làm ăn của HTX rất vui vẻ. Tất cả dịch vụ nông nghiệp bà con đều liên hệ HTX. Sản phẩm bán cho HTX không bị tư thương ép giá. Cuối năm, thành viên HTX đều được chia lợi tức.

Gắn với xây dựng NTM

Không chỉ HTX Hòa Phong, nhiều HTX khác như Hòa Đồng, Hòa Tân Tây, Hòa Mỹ Tây… cũng đổi mới cách thức sản xuất, kinh doanh, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mang lại không khí tươi mới, phấn khởi và hiệu quả. Các HTX đều quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa giống cấp xác nhận; đồng thời mở rộng nhiều dịch vụ phù hợp, là thế mạnh của địa phương như chuyển đổi trồng sen ở Hòa Đồng, phát triển kinh tế từ trồng rừng ở Hòa Mỹ Tây…

Toàn huyện Tây Hòa hiện có 1 liên hiệp HTX và 13 HTX, số thành viên HTX phát triển trên 18.200 người. Tổng vốn hoạt động của HTX khoảng 65 tỉ đồng. Doanh thu bình quân trên 6 tỉ đồng/HTX, lãi bình quân 160 triệu đồng/HTX; nợ đọng từng bước được thu hồi, xử lý…

“Trước đây, các HTX quen cách làm ăn cũ, chỉ tập trung sản xuất lúa thịt giống thông thường, không mạnh dạn làm thêm các dịch vụ. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, các HTX đã đầu tư mở rộng dịch vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống lúa chất lượng cao, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Tây Hòa”, ông Mai Ne, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa nói.

Theo Ban chỉ đạo NTM huyện Tây Hòa, các HTX chủ động ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, tổ chức hoạt động kinh doanh có hiệu quả, hàng năm đều có lãi. Kết quả đánh giá tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất theo bộ tiêu chí NTM (HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012; có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững) huyện Tây Hòa có 10/10 xã đạt chuẩn.

Từ thực tế, kết quả xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn huyện trong những năm qua, địa phương rút ra một số kinh nghiệm.

Đầu tiên là sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trên cơ sở tham mưu tích cực, đúng đắn về phát triển kinh tế HTX. Hai là có sự quan tâm của các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh trong việc hỗ trợ mô hình sản xuất, xây dựng thương hiệu, đầu ra cho sản phẩm.

Ba là đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách phát luật của Nhà nước đối với kinh tế tập thể, HTX, nhất là Luật HTX năm 2012.

Thứ tư, các thành viên HĐQT HTX, liên hiệp HTX phải chủ động đổi mới phương thức kinh doanh, nghiên cứu thị trường, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng đội ngũ quản lý HTX có chuyên môn, trình độ, năng lực và tâm huyết...

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Nguyễn Tấn Chân

TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/249503/tay-hoa--phat-trien-hop-tac-xa-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi.html