Tay mẹ rớm máu vì con sốt co giật, bác sĩ cảnh báo sai lầm thường gặp
Khi con sốt cao và co giật, nhiều người mẹ hoảng hốt dùng tay hoặc đồ vật chặn vào miệng bé để tránh cắn phải lưỡi. Đây là sai lầm rất phổ biến khi sơ cứu co giật.
Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), hình ảnh ngón tay nhiều vết cắn, trầy trụa, được chia sẻ trên Fanpage bệnh viện là của một phụ huynh có con đang điều trị. Bé nhập viện sau cơn sốt, co giật.
Bác sĩ Vũ cho hay, trẻ sốt cao và co giật do sốt là mối lo ngại của nhiều người mẹ trong bối cảnh các bệnh dịch vẫn đang lưu hành. Mặc dù rất thương và thông cảm nhưng bác sĩ khẳng định, việc nhét tay vào miệng để tránh việc trẻ cắn vào lưỡi là hoàn toàn không đúng.
Theo bác sĩ Vũ, phụ huynh cần hết sức bình tĩnh, tránh hoảng hốt trong hoàn cảnh trên. Khi trẻ sốt cao, việc đầu tiên là phải hạ sốt đúng cách.
Việc này giúp trẻ đỡ mệt, ăn uống tốt, không mất nước, nhanh hồi phục, giảm nguy cơ nhập viện. Ngoài ra, còn dự phòng được cơn co giật do sốt; giảm nguy cơ hại gan, thận cho trẻ; giảm căng thẳng cho cha mẹ.
Vậy hạ sốt đúng cách với paracetamol như thế nào?
Theo bác sĩ Vũ, phụ huynh nên chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol cho trẻ, ghi nhớ công thức sử dụng đúng hàm lượng theo cân nặng.
Thuốc này có hàm lượng phổ biến là 80mg, 125mg, 250mg, 300mg và 500mg. Phụ huynh nên mua loại đơn chất (chỉ có thành phần paracetamol), phù hợp với cân nặng của con. Ví dụ, nếu trẻ dưới 10kg, mẹ nên mua loại paracetamol 80mg; trẻ từ 10-15kg, mẹ nên mua loại 125/150mg, trẻ từ 20-25kg, mẹ nên mua loại 250mg/300mg.
Phụ huynh cũng nên có sẵn paracetamol dạng viên đạn (đặt hậu môn), để vào ngăn mát tủ lạnh, có thể cắt bớt trước khi đặt để chuẩn liều lượng.
Liều dùng paracetamol là từ 10-15mg/kg/lần. Khoảng cách giữa 2 lần uống là 4-6 giờ. Bác sĩ Vũ cũng cho hay, quá nửa số trẻ bị sốt cao khó hạ là do cho uống thiếu liều. Tuy nhiên, paracetamol có thể gây hại gan nếu lạm dụng.
Trường hợp trẻ nôn, quấy khó uống hoặc sốt khi đang ngủ, phụ huynh có thể nhét thuốc hạ sốt qua hậu môn với liều phù hợp.
Trong trường hợp trẻ bị sốt cao khó hạ (trên 38,5 độ C hoặc trên 38 độ C với trẻ mệt quấy, có tiền sử co giật do sốt), bố mẹ làm theo các bước sau:
- Cho trẻ uống hạ sốt paracetamol
- Chườm ấm nách, bẹn nếu trẻ không khó chịu khi lau nước
- Chờ 30 phút đến 1 giờ rồi đo nhiệt độ lại.
Nếu hạ sốt, tiếp tục theo dõi trẻ. Trường hợp nhiệt độ không hạ hoặc tăng cao hơn, phụ huynh cần gọi bác sĩ ngay.
Xử trí khi trẻ co giật do sốt cao
Trường hợp trẻ co giật, phụ huynh cần bình tĩnh đặt con xuống giường hoặc sàn phẳng, tránh ngã, va đập vào đồ vật xung quanh.
Phụ huynh không ghì giữ trẻ, không nhét tay, đũa, khăn hay bất cứ thứ gì vào miệng trẻ.
Sau khi hết cơn, chú ý cho trẻ nằm nghiêng một bên đề phòng nôn ói.
Nếu sờ thấy trẻ nóng hoặc hơi nóng, có thể hạ sốt đúng liều bằng nhét thuốc hậu môn. Phụ huynh cần hạ sốt cho trẻ trước khi đến bệnh viện.
Trường hợp nếu cơn co giật kéo dài, trẻ tím tái hoặc ngừng thở: thực hiện hà hơi thổi ngạt, ép tim.
Phụ huynh cần đưa trẻ tới bệnh viện, kể cả với trẻ đã có tiền sử co giật do sốt.