Tây Nguyên đắm say lòng người!
Tây Nguyên vào mùa Thu, nắng trải mênh mông, mầu xanh bạt ngàn cùng sắc vàng hoa trái rực rỡ. Xe chở đoàn báo chí chúng tôi cứ dọc theo Quốc lộ 14 từ Đắc Lắc tới Đắc Nông, Lâm Đồng mà bon bon. Còn con người thì ngắm cảnh trù phú, trong lành và lộng gió của cao nguyên mà sinh tình…
Thành viên trong đoàn Đỗ Thị Thìn, nguyên Tổng biên tập Báo Thái Nguyên hứng khởi hát, hát rằng: Bài ca Tây Nguyên, em yêu trọn đời. Cầm tay nhau ta đi trên đường dài…Lại hát: Đây bất khuất Tây Nguyên cao cao. Núi mây điệp trùng gió ào ào. Đây sóng nước sông Ba dâng trào. Người Ba Na như đàn chim Chơ-rao…
Nhà báo vùng mỏ Quảng Ninh Nguyễn Tiến Mạnh nói với Nguyễn Bá Sinh của vùng Quan họ rằng trong chúng ta ai cũng cảm nhận Tây Nguyên giầu và đẹp. Nhưng ngọn nguồn để có điều ấy thì lại ít được tìm hiểu, nhắc nhớ… Từ ý kiến ấy cũng nên một lần tìm hiểu cội nguồn về miền đất đỏ ba- zan, về cốt cách văn hóa và phẩm chất của Tây Nguyên-là tôi, thành viên trong đoàn nghĩ thế.
Tây Nguyên, hay cách gọi khác là Vùng cao nguyên Nam Trung bộ bao gồm các tỉnh xếp theo thứ tự vị trí địa lý từ phía Bắc xuống Nam gồm: CôngTum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Phía bắc là tỉnh Quảng Nam, phía đông là các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Phía Nam là Đồng Nai, Bình Phước. Phía tây của Tây Nguyên giáp với các tỉnh Attapeu (Lào), Ratanakiri và Mondulkiri (Campuchia), rộng tới 55 nghìn cây số vuông.Theo các tài liệu về địa lý thì các cao nguyên Công Tum cao khoảng 500 mét; Cao nguyên Kon Plông, Kon Hà Nừng, Pleiku cao khoảng 800 m, M\'Drăk, Buôn Ma Thuột cao khoảng 500m, Mơ Nông cao khoảng 800-1.000m, Lâm Viên cao khoảng 1.500m, Bảo Lộc và Di Linh cao khoảng 900- 1.000m… so với mực nước biển;. được bao bọc bởi dâỹTrường Sơn Nam.
Với đặc điểm thổ nhưỡng đất đỏ Bazan,Tây Nguyên là đất của Cà phê, Ca cao, Hồ tiêu, Dâu tằm, và cây Cao su…Nằm trong vùng Nhiệt đới Xavan, khí hậu ở Tây Nguyên được chia làm hai mùa: Mùa mưa từ tháng 5 đến hết tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4.
Qua sử sách,Tây Nguyên từ xa xưa vốn là địa bàn sinh sống của các bộ tộc thiểu số bản địa, chưa phát triển thành một quốc gia hoàn chỉnh. Tháng 2 năm Tân Mão niên hiệu Hồng Đức thứ 2 (1471), vua Lê Thánh Tông thân chinh đi mở cõi tới vùng này và sau khi Chúa Nguyễn Hoàng xây dựng vùng cát cứ phía Nam, các Chúa Nguyễn phái một số sứ đoàn để thiết lập quyền lực ở khu vực Đêga Tây Nguyên. Các bộ tộc thiểu số ở đây chuyển sang chịu sự bảo hộ của người Việt. Vua Minh Mạng xác lập Tây Nguyên vào bản đồ Việt Nam (Đại Nam nhất thống toàn đồ – 1834). Sau khi người Pháp nắm được quyền kiểm soát Việt Nam, họ đã thực hiện hàng loạt các cuộc thám hiểm và chinh phục vùng đất Tây Nguyên.
Năm 1888, một người Pháp gốc đảo Corse tên là Mayréna sang Đông Dương, chọn Đắc Tô làm vùng đất cát cứ. Tây Nguyên kể từ năm 1889 được đặt dưới quyền quản lý của Công sứ Quy Nhơn. Năm 1891, bác sĩ Alexandre Yersin mở cuộc thám hiểm và phát hiện ra Cao nguyên Lang Biang. Ông đã đề nghị với Chính phủ Pháp xây dựng một thành phố nghỉ mát tại đây cho dù vùng đất Tây Nguyên vẫn thuộc quyền kiểm soát của Triều đình Huế. Vì vậy, ngày 16 tháng 10 năm 1898, khâm sứ Trung Kỳ của Pháp (1898 - 1900) đề nghị Cơ mật Viện triều Nguyễn giao cho Pháp trực tiếp phụ trách an ninh tại đây…
Thời chống Mỹ, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chia Tây Nguyên thành 7 tỉnh: Kon Tum, Pleiku, Phú Bổn, Đắk Lắk, Quảng Đức, Tuyên Đức và Lâm Đồng, 50% dân số tập trung vào hai tỉnh Đắk Lắk và Tuyên Đức. Sau thống đất nước năm 1975, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam gọi vùng này là Tây Nguyên và cho đến nay gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với nhiều chính sách đầu tư, tạo cho Tây Nguyên một diện mạo mới cả kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất và văn hóa. Đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh, chăm lo đời sống nhân dân, phát triển kinh tế mũi nhọn… là những trọng tâm của Đảng và Chính phủ ta. Đồng chí Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Hội Nhà báo Đắc Lắc chia sẻ:
- Tây Nguyên bao la có diện tích tự nhiên (đất đỏ bazan chiếm 74,25% diện tích đất bazan cả nước) tới 54.637 cây số vuông, trong đó có 2 triệu hec- ta đất sản xuất nông nghiệp, gồm 850 nghìn hec- ta đất trồng cây ngắn ngày và gần 1,151 triệu hec-ta đất trồng cây lâu năm… Tây Nguyên đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung có quy mô lớn về cây cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, chè, ngô lai, sắn…
Cà phê Tây Nguyên với chất lượng tốt và sản lượng lớn đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 trên thế giới. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã hình thành vùng trồng cao su tập trung với diện tích trên 251.348 héc-ta, với sản lượng mủ mỗi năm đạt khoảng 200.000 tấn. Với 71.000 héc-ta hồ tiêu, sản lượng mỗi năm đạt từ 130.000 tấn, chiếm trên 60% sản lượng hồ tiêu cả nước. Cây điều cũng có tới 74.000 héc - ta,mỗi năm thu hoạch trên 70.000 tấn nhân. Chè mỗi năm cũng đạt trên 228.000 tấn, cây ngô lai có diện tích 235.226 héc-ta, sản lượng mỗi năm đạt từ 1,3 triệu tấn. Ngành nông nghiệp ở Tây Nguyên đã góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội trên địa bàn ngày càng phát triển và là vùng sản xuất nông nghiệp của cả nước…Tây Nguyên cũng đang tích cực khai thác danh lam thắng cảnh cho du lịch; nguồn khoáng sản dồi dào cho xuất khẩu để làm giầu cho quê hương…
Vào với Tây Nguyên mùa thu 2023 này, chúng tôi được những lãnh đạo cơ quan báo chí các tỉnh Tây Nguyên - những người từ nhiều miền quê xa, neo cuộc đời lại với Tây Nguyên bằng tình yêu nồng cháy tiếp và làm việc. Từ những câu chuyện, những tâm sự mới thấy, góc độ nào cũng có sự phát triển; lĩnh vực nào cũng thấy cần nhắc nhớ…
Hồi mới giải phóng năm 1975, Tây Nguyên có 1,2 triệu người, thuộc18 dân tộc (đồng bào thiểu số là 853.820 người) sinh sống. Đến năm 2004, dân số Tây Nguyên đã là 4.668.142 người của 46 dân tộc sinh sống… Anh Y Nang Ê Ban, Nguyên Phó giám đốc Đài PTTH Đắc Lắc, bây giờ đang là Phó chủ tịch chuyên trách Hội Nhà báo Đắc Lắc cho biết: "Riêng tỉnh Đắk Lắk, từ 350.000 người (1995) tăng lên 1.776.331 người (1999) và tới nay - năm 2023 là 2.127.000 người. Kết quả này, một phần do gia tăng dân số tự nhiên và phần lớn do gia tăng cơ học: Đến với Tây Nguyên theo 2 luồng, điều tiết dân cư, điều động nhân lực và lên tự do… cũng phản ánh phần nào sức hút vùng đất giầu đẹp này" …
Ngược dòng lịch sử mới thấy: Thời Pháp thuộc, người Kinh bị hạn chế lên vùng Tây Nguyên, các bộ tộc người Jrai và Êđê cùng nhiều dân tộc thiểu số chung sống như Ba Na, Cơ Ho, Mạ, Xơ Đăng, Mơ Nông... sinh sống theo tập quán truyền thống của từng dân tộc có từ lâu đời… Tây Nguyên mấy chục năm xây dựng Chủ nghĩa xã hội, tốc độ đô thị hóa và kiến tạo giao thông cũng nhanh chóng mặt: Vùng Tây Nguyên hôm nay đã có 3 đô thị loại I: Thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Thành phố Công Tum (tỉnh Kon Tum) là đô thị loại 2;đô thị loại III gồm: Gia Nghĩa, Bảo Lộc. 14 đô thị loại IV gồm 3 thị xã: An Khê, Ayun Pa, Buôn Hồ và 11 thị trấn: Plei Kần, Chư Sê, Quảng Phú, Ea Kar, Buôn Trấp, Phước An, Ea Drăng, Đắk Mil, Ea T\'ling, Kiến Đức, Liên Nghĩa…
Các dân tộc Tây Nguyên có một nền văn hóa lâu đời, Ba Na là sắc tộc đầu tiên, sau người Kinh, có chữ viết phiên âm dựa theo bộ ký tự La -tin. Đến năm 1923 hình thành chữ viết của người Ê Đê. Sử thi nổi tiếng được biết đến đầu tiên là Trường ca Đam San được sưu tập và xuất bản bằng tiếng Pháp tại Paris đến 1933, tạp chí của Viễn Đông bác cổ tại Hà Nội in lại dưới hình thức song ngữ Êđê - Pháp. Vào tháng 2 năm 1949, phát hiện một bộ đàn đá mang tên Ndút Liêng Krak tại Đắc Lắc và bộ nhạc cụ thời tiền sử vô giá này hiện được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Con người - Paris. Vào ngày 25 tháng 11 năm 2005, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại …
Vâng, trong khuôn khổ của một chuyến đi khám phá và tác nghiệp; trong rất nhiều lĩnh vực cần giới thiệu, chúng tôi chọn một vài lát cắt là thực tế Tây Nguyên để viết. Vẫn biết rằng những ghi chép trên chẳng thấm tháp gì với một Tây Nguyên bất khuất và anh dũng đứng lên trong các cuộc kháng chiến giành độc lập xưa và một Tây Nguyên Anh hùng trong dựng xây hôm nay./.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tay-nguyen-dam-say-long-nguoi-post260299.html