Tây Nguyên không thể 'cất cánh' nếu chưa được kết nối thuận lợi cho thông thương

Tại phiên thảo luận trước Quốc hội sáng nay (29/3), các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần sự đầu tư về hạ tầng giao thông, tháo gỡ các khó khăn về đất đai nông, lâm trường, kết nối thuận lợi cho thông thương hàng hóa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên.

Quang cảnh phiên thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ.

Tây Nguyên chỉ có quốc lộ 14 là con đường độc đạo

Phát biểu ý kiến tại thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, đại biểu Quốc hội Võ Đình Tín (đoàn Đắk Nông) cho rằng, đánh giá việc phát triển kinh tế chưa thật tương xứng với tiềm năng, tác động lan tỏa và liên kết các vùng kinh tế trọng điểm với các vùng lân cận còn thấp, các liên kết nội vùng còn bất cập, tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm của quốc gia còn chậm, hạ tầng giao thông, nhất là vùng miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

"Tôi cho rằng, đánh giá như vậy là chưa đủ, thiếu vùng Tây Nguyên", đại biểu Võ Đình Tín nói.

Đại biểu Võ Đình Tín đề nghị bổ sung cụm từ "vùng Tây Nguyên" sau cụm từ "đồng bằng sông Cửu Long". Theo đó, nội dung trên cần đánh giá lại như sau: "Hạ tầng giao thông, nhất là vùng miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội".

Đại biểu đoàn Đắk Nông nêu lý do: "Vì Tây Nguyên cũng là địa bàn rất cần sự đầu tư về hạ tầng giao thông để làm động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng này".

Đại biểu Quốc hội Võ Đình Tín (đoàn Đắk Nông).

Theo đại biểu Võ Đình Tín, hiện nay pTây Nguyên chỉ có quốc lộ 14 là con đường độc đạo, kết nối hầu hết các tỉnh của vùng với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Duyên Hải miền Trung, nhưng hiện nay tuyến đường này đã quá tải, gây khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa ở khu vực này.

Nếu hạ tầng giao thông các tỉnh Tây Nguyên chậm được triển khai đồng bộ thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến liên kết các vùng kinh tế trọng điểm, các liên kết nội vùng và sẽ tụt hậu về kinh tế - xã hội so với mặt bằng chung của cả nước.

"Vì vậy, tôi xin kiến nghị Quốc hội khóa XV, Chính phủ nhiệm kỳ đến sớm cân đối, điều chỉnh, bố trí nguồn vốn đầu tư, nâng cấp và phát triển mạng lưới giao thông đường bộ cho các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2021-2026. Trong đó chú trọng đến các tuyến đường đối ngoại liên vùng, đặc biệt là sớm xây dựng đường cao tốc kết nối Tây Nguyên với các tỉnh Duyên Hải miền Trung và Đông Nam Bộ nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, để tạo động lực cho Tây Nguyên phát triển, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian đến", đại biểu Võ Đình Tín kiến nghị.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có này của vùng Tây Nguyên

Theo đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) cho biết, đối với Tây Nguyên có thế mạnh lớn về cây công nghiệp như cà phê, cao su, điều, tiêu, có khả năng đóng góp giá trị lớn cho nền kinh tế đất nước.

"Ví dụ, như đối với cà phê, nước ta có sản lượng cà phê đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD/1 năm nhưng chủ yếu chúng ta xuất khẩu cà phê nguyên liệu, chưa có chế biến sâu nên giá trị thấp, hiệu quả không cao", ông Thành nêu dẫn chứng.

Đại biểu Ngô Trung Thành cho rằng, hiện nay, chưa xây dựng được thương hiệu cà phê mang tầm quốc tế, chưa có doanh nghiệp cà phê đủ lớn để tham gia có hiệu quả trong việc điều tiết giá cà phê, dẫn đến bà con nhân dân Tây Nguyên luôn rất khổ sở với tình trạng được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa.

Vì vậy, đại biểu Thành đề nghị Chính phủ cần phải có giải pháp chiến lược để phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có này của vùng Tây Nguyên hơn là đi tìm kiếm, phát huy những tiềm năng, thế mạnh khác mà mình không có.

Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk).

Vấn đề thứ hai được đại biểu Ngô Trung Thành nêu ra là mà theo đại biểu là vấn đề lớn tồn tại từ nhiều năm nay mà chưa được tháo gỡ là vấn đề đất đai nông, lâm trường.

Theo ông Thành, đất Tây Nguyên có thế mạnh to lớn trong trồng cây công nghiệp giá trị cao. Tuy nhiên, hiện nay diện tích đất không nhỏ đang do các nông, lâm trường quản lý, sử dụng nhưng thực sự không hiệu quả, dẫn đến rất lãng phí.

"Đặc biệt còn có tình trạng yếu kém trong quản lý dẫn đến tranh chấp gây mất ổn định an toàn trật tự ở cơ sở, trong khi đó nhân dân lại thiếu đất sản xuất. Vì vậy, đề nghị Chính phủ kiên quyết sớm cho phá sản, giải thể các công ty nông, lâm nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, giao đất về địa phương quản lý để nhân dân có thêm đất sản xuất, phát huy tiềm năng, thế mạnh, tránh lãng phí nguồn lực to lớn này", đại biểu Thành nêu rõ.

Theo đại biểu đoàn Đắk Lắk, để đất nước cất cánh được thì các vùng, các địa phương phải cất cánh.

"Tây Nguyên là vùng đất giàu tiềm năng, nhưng Tây Nguyên không thể cất cánh được nếu như vùng Tây Nguyên chưa được kết nối thuận lợi cho thông thương hàng hóa", ông Thành bày tỏ.

Thay mặt cử tri và nhân dân Tây Nguyên, đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị Chính phủ nhiệm kỳ tới thực sớm thực hiện quy hoạch đầu tư cho Tây Nguyên tuyến đường cao tốc kết nối ngắn nhất với cảng biển để hàng hóa của Tây Nguyên có thể ra biển lớn, cho đồng bào nhân dân Tây Nguyên có cần để câu cá, để đồng bào nhân dân Tây Nguyên được đóng góp cùng nhân dân cả nước xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tay-nguyen-khong-the-cat-canh-neu-chua-duoc-ket-noi-thuan-loi-cho-thong-thuong-post125464.html