Tây Nguyên: Nghịch lý nhà nông mang nợ trên đất bazan màu mỡ
Hiện nay, các loại cây trồng chủ lực ở Tây Nguyên đều mang lại giá trị kinh tế thấp. Thậm chí, có nhiều nông dân bị vỡ nợ khi đã trồng các loại cây này.
Tây Nguyên sở hữu khoảng 2 triệu ha đất đỏ bazan với khí hậu tương đối thuận lợi. Đây là một lợi thế rất lớn để ngành trồng trọt phát triển và đóng góp tích cực cho nền nông nghiệp nước nhà nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung.
Thế nhưng, những năm qua, nông nghiệp Tây Nguyên lại gặp nhiều khó khăn. Những loại cây trồng vốn được xem là chủ lực như tiêu, điều, cà phê và cao su lại mang lại hiệu quả thấp, thậm trí là thua lỗ. Vậy nguyên nhân của nghịch lý này là ở đâu? Và phải làm thế nào để sử dụng có hiệu quả diện tích đất nông nghiệp màu mỡ hàng triệu ha này?
Bài 1: Nghịch lý nhà nông mang nợ trên đất màu mỡ
Cả nước có khoảng 3 triệu ha đất đỏ bazan, trong đó Tây Nguyên có 2 triệu ha. Đây là loại đất có độ chua thấp, tầng đất dày, tơi xốp, nhiều dinh dưỡng và phù hợp với rất nhiều loại cây trồng, nhất là những loại cây có giá trị cao. Chính vì vậy, những năm qua, các loại cây trồng như cà phê, tiêu, cao su… đã được trồng với kỳ vọng về hiệu quả kinh tế lớn.
Hiện nay, diện tích cây cà phê ở Tây Nguyên khoảng 630.000 ha, cao su khoảng 250.000 ha, hồ tiêu hàng trăm nghìn ha… Đây đều là những loại cây công nghiệp dài ngày, tức là phải trồng, đầu tư chăm sóc nhiều năm mới cho thu hoạch. Thế nhưng “trồng cây đến ngày hái quả”, nhiều người lại buộc phải chặt bỏ đi vì giá các sản phẩm: tiêu, mủ cao su giảm sâu, sản xuất thua lỗ.
Vốn được xem như “vàng trắng” một thời nhưng giá mủ cao su giảm từ 120 triệu/tấn xuống chỉ còn 28-30 triệu/tấn (thấp hơn giá thành sản phẩm) đã làm cho các hộ trồng cao su tiểu điền chặt bỏ cây, các công ty có vùng sản xuất lớn cũng phải giảm diện tích. Những hộ còn bám trụ với cây cao su đang trong hoàn cảnh rất khó khăn.
Ông Đặng Thanh Tuế, ở thôn 3, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh cho biết, năm 2005, được sự hỗ trợ của dự án đa dạng hóa nông nghiệp, ông đã vay vốn ngân hàng để trồng 5ha cao su. Trong 2 năm đầu thu hoạch, vườn cao su còn cho lời. Đến nay, Giá mủ cao su xuống thấp, nguồn thu không đủ tái đầu tư trở lại vườn cây. Vườn cao su tưởng chừng sẽ giúp gia đình ông đổi đời, nay trở thành món nợ khó giải quyết.
“Khi giá mủ cao su xuống, bà con khó khăn nhất là đầu tư, không có tiền đầu tư trở lại, đời sống ngày càng khó khăn. Chúng tôi đề nghị cấp trên nghiên cứu cho khoanh nợ cũ, cho vay vốn lãi suất thấp để đầu tư, cùng với đó là nghiên cứu tìm đầu ra cho bà con”, ông Đặng Thanh Tuế nói.
Giá mủ cao su đã lao dốc từ năm 2013, giảm sâu và chưa có dấu hiệu phục hồi. Ngay từ 6 năm trước, nhiều hộ gia đình đã chặt bỏ cây cao su với hy vọng chuyển sang trồng cây cà phê sẽ có nguồn thu nhập ổn định hơn. Thế nhưng, trồng cây cà phê cũng đầy rủi ro.
Gia đình bà H'nhung Ayun ở buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk trồng 1ha cà phê, trong đó hơn 6 sào đã cho thu hoạch. Năm ngoái, diện tích này cho thu 1,6 tấn cà phê nhân, với giá bán 37.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí, gia đình bà còn lãi chỉ khoảng 30 triệu đồng. Niên vụ cà phê mất mùa, mất luôn cả giá.
"Năm nay sản lượng cà phê nhà tôi thấp hơn so với năm ngoái, chỉ đạt khoảng 8 tạ thôi, trong khi giá bán cũng thấp hơn năm ngoái. Hiện tại, chúng tôi cập nhật giá thị trường chỉ ở mức 34.000 đồng/kg. Mất mùa, mất giá thế này, gia đình chúng tôi thua lỗ; tiền phân, tiền công đầu tư cho vụ tới không đủ", bà H'nhung Ayun nói
Tây Nguyên trải qua 30 năm để trở thành vùng trọng điểm trồng hồ tiêu của cả nước và thế giới. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, “nghĩa địa hồ tiêu” xuất hiện ngày càng nhiều, vườn cây xơ xác do bị bỏ hoang, vườn cây tiêu chết khô, những buôn làng trồng tiêu nổi tiếng vắng bóng người do giá tiêu giảm sâu xuống dưới giá thành sản phẩm. Những khoản nợ ngân hàng đến hạn không thể thanh toán, người nông dân chỉ còn biết bỏ xứ mà đi.
Ông Hà Đình Thủy, Chủ tịch UBND xã Ia Blăng huyện Chư Sê, Gia lai cho biết: “Trước đây, người dân có vay các nguồn vốn ngân hàng trên địa bàn huyện để phát triển kinh tế, trong đó chú trọng đầu tư hồ tiêu và cây cà phê. Tuy nhiên, giá hồ tiêu xuống rất sâu, tiêu chết, khiến việc trả nợ ngân hàng của một số hộ dân gặp rất nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương kiến nghị với các cấp cho khoanh nợ, giãn nợ, đối với những hộ nông dân trên địa bàn mà trước đây đã vay, để bà con giảm bớt khó khăn”.
Những loại cây trồng vốn được xem là chủ lực được ví như “vàng trắng”, “vàng đen” của người dân Tây Nguyên giờ đây lại mang lại hiệu quả thấp, trở thành gánh nặng, thành những món nợ khó giải quyết. Các doanh nghiệp lớn trồng cao su ở Tây Nguyên, kể cả những đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt những năm gần đây cũng gặp rất nhiều khó khăn. Giá mủ giảm sâu trong thời gian dài, nhiều đơn vị sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, nhân công… chỉ đạt lợi nhuận khoảng 50.000 đồng/ha/năm.
Ông Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Gia Lai cho hay: “Trên địa bàn Gia Lai có khoảng 100.000 ha cây cao su, sau khi hạch toán kinh doanh, trả lương người lao động, trung bình mỗi ha lãi đc 3 triệu, vậy 100.000 ha thì được bao nhiêu đâu. Tổng giám đốc Công ty cao su Mang Yang cho biết, mỗi ha lãi được 50.000 đồng, được 1 bát phở. Mỗi năm công ty này lỗ khoảng 15-20 tỷ đồng”.
Trồng ít lỗ ít, trồng nhiều mang nợ đã và đang là nỗi lo của người làm nông nghiệp ở Tây Nguyên suốt mấy năm gần đây. Từ nông dân cho đến các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực ở Tây Nguyên đều đang phải gồng mình trước những tác động tiêu cực của thị trường nông sản, của những khoản nợ ngân hàng là một thực tế đáng buồn ở Tây Nguyên hiện nay./.