Tây Ninh đẩy mạnh sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XII, tỉnh Tây Ninh đã đẩy mạnh việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ hệ thống chính quyền.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XII, tỉnh Tây Ninh đã đẩy mạnh việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ hệ thống chính quyền.

Ðến cuối tháng 3-2020, ở cấp tỉnh còn 19 cơ quan hành chính, giảm một cơ quan do đã hợp nhất các Văn phòng Ðoàn đại biểu Quốc hội, HÐND và UBND tỉnh. Tỉnh chủ động rà soát quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, xây dựng đề án sắp xếp lại các phòng và tương đương bên trong các sở, ban, ngành theo hướng tinh gọn đầu mối, đa ngành, đa lĩnh vực. Qua đó, tỉnh đã giảm 26 phòng chuyên môn và bảy chi cục trong các cơ quan thuộc UBND tỉnh.

Các đơn vị sự nghiệp công lập cũng được sắp xếp tinh gọn và thực hiện định biên, giao tự chủ về chi thường xuyên, chủ động hơn trong việc sử dụng lao động. Cụ thể, đã giảm 27 đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh và 43 đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện; 23 đơn vị đã được giao quyền tự chủ về chi thường xuyên, tự chủ về nhân sự với 447 người làm việc. Về thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức theo đề án vị trí việc làm giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh đã giảm được 1.811 biên chế (gồm 141 biên chế công chức và 1.670 người làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập). Việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy bảo đảm tinh gọn, hợp lý, không bỏ trống và không trùng lặp, chồng chéo chức năng nhiệm vụ. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên, phát huy được năng lực chuyên môn trong giải quyết công việc.

Thời gian tới, tỉnh chú trọng thực hiện hiệu quả chính sách tinh giản biên chế giai đoạn tiếp theo; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân công có hiệu quả trong thực thi công vụ. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

* Những năm gần đây, tỉnh Hòa Bình chú trọng ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp tác xã (HTX) phát triển. Nhờ vậy, số lượng HTX thành lập mới tăng đáng kể, trung bình mỗi năm thành lập mới hơn 60 HTX. Ðối với các HTX thành lập mới, tỉnh bố trí nguồn ngân sách địa phương thực hiện hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/HTX. Hằng năm, tỉnh tiến hành khảo sát, tổng hợp, thẩm định nhu cầu sử dụng đất của các HTX và ưu tiên dành quỹ đất cho HTX làm trụ sở, nhà xưởng, cơ sở sản xuất, nhà kho, cửa hàng… Các HTX sử dụng đất do Nhà nước giao hoặc cho thuê được hưởng ưu đãi về lệ phí trước bạ, thuế sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, bảo đảm bình đẳng như các doanh nghiệp và thành phần kinh tế khác.

Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp được tỉnh quan tâm. Ðến nay, tỉnh đã phê duyệt chủ trương hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho 24 dự án của các HTX về xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi, hệ thống tưới, giao thông nội đồng…, với tổng mức hỗ trợ từ ngân sách hơn 14 tỷ đồng. HTX tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn; trong một số chính sách còn được vay vốn tín chấp hoặc vay vốn ưu đãi từ hệ thống Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực HTX, tỉnh bố trí kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ quản lý và thành viên HTX; đồng thời triển khai kế hoạch thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc có thời hạn ở HTX. Hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường được chú trọng thông qua các chương trình lớn, quy mô cấp tỉnh như: Hội chợ nông nghiệp, sản phẩm OCOP khu vực phía bắc, Lễ hội cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình... Có 13 sản phẩm của 10 HTX đã được xếp hạng và chứng nhận sản phẩm OCOP.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/tay-ninh-day-manh-sap-xep-kien-toan-to-chuc-bo-may-613412/