Tây Ninh đẩy nhanh các dự án kết nối vùng
Các dự án giao thông kết nối vùng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tây Ninh
Ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh, cho biết là tỉnh biên giới, thời gian qua hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn kém. Song trong quy hoạch quốc gia và quy hoạch của tỉnh thời gian tới nút thắt này sẽ được tháo gỡ khi các dự án giao thông kết nối vùng được mở ra. "Đây là kế hoạch lâu dài, nếu thực hiện thuận lợi sẽ tạo ra không gian phát triển cho Tây Ninh, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của tỉnh" - ông Tài nhấn mạnh.
Để cụ thể hóa mục tiêu này, trong chương trình đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Tây Ninh xác định đột phá về hạ tầng giao thông đóng vai trò hết sức quan trọng. Đặc biệt, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh cũng xác định mục tiêu trọng tâm là phát triển một số dự án mang tính chiến lược.
Đó là dự án đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) do TP HCM làm chủ đầu tư. Hiện hội đồng thẩm định liên ngành đã thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến quý IV/2023 sẽ trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư để triển khai dự án trong năm 2024, mục tiêu sẽ khởi công vào quý I/2025 và đưa vào vận hành năm 2027.
Dự án đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, ở giai đoạn 1, tỉnh đã giao cho nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu tiền khả thi, lập hồ sơ dự án đoạn Gò Dầu - TP Tây Ninh để xem xét, nếu dự án khả thi thì dự kiến khởi công vào năm 2025 và hoàn thành năm 2027. Ngoài ra, một số dự án do địa phương đầu tư cũng sẽ được triển khai thi công nhanh để đưa vào sử dụng giữa năm 2024.
Theo ông Tài, để các dự án nói trên bảo đảm đúng yêu cầu tiến độ, nhiệm vụ đầu tiên mà tỉnh Tây Ninh phải hoàn thành sớm là đẩy nhanh giải phóng mặt bằng. Trong đó, tỉnh tích cực phối hợp với Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ và các địa phương trong vùng nhằm cụ thể hóa các chương trình cũng như dự án giao thông trọng điểm kết nối, giải quyết tốt những điểm nghẽn để Tây Ninh phát triển hơn. Tỉnh cũng kiến nghị trung ương chỉ đạo sát sao, kịp thời và bảo đảm chất lượng các công trình.
"Đường Hồ Chí Minh mới được khởi công trở lại đoạn qua tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Long An, cùng với 2 tuyến cao tốc sắp thực hiện là Mộc Bài - TP HCM, Gò Dầu - Xa Mát và hệ thống quốc lộ sẽ giúp kết nối giao thông thuận lợi giữa Tây Ninh với các tỉnh trong vùng và cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội" - ông Tài kỳ vọng.
Năm 2023, tỉnh Tây Ninh được phân bổ 400 tỉ đồng từ ngân sách trung ương để thực hiện một dự án chuyển tiếp thuộc danh mục dự án kết nối tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Đến ngày 30-9, ước giải ngân 350 tỉ đồng, đạt khoảng 88%, theo kế hoạch đến ngày 31-1-2024, ước giải ngân đạt 100%. Dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024 sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước là khoảng 4.000 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương là 2.900 tỉ đồng và vốn ngân sách trung ương 1.100 tỉ đồng.