Tây Ninh: Điểm đến còn nhiều tiềm năng khai mở

Sáng 7/10, trong khuôn khổ sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị quảng bá xúc tiến du lịch 'Hương sắc Tây Ninh 2023'. Nhiều giải pháp, đề xuất đã được đưa ra tại hội nghị nhằm giúp du lịch Tây Ninh ngày càng bứt phá, thu hút du khách miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng.

Điểm sáng phục hồi khách du lịch

Đánh giá cao những nỗ lực của Tây Ninh trong việc thu hút khách du lịch, ông Hà Văn Siêu Phó Cục trưởng Cục Du lịch Việt Nam, Bộ VHTTDL nhận định, đây là điểm sáng về phục hồi khách du lịch của cả nước, dự kiến trong năm nay, địa phương này thu hút khoảng 5,3 triệu lượt khách. Theo ông Hà Văn Siêu, sau Covid-19, thị trường khách có rất nhiều điều chỉnh, tạo điều kiện cho những người biết vươn lên mặc dù có xuất phát chậm hơn. Không chỉ về số lượng khách, sản phẩm của Tây Ninh cũng đa dạng và hấp dẫn, ngoài Núi Bà Đen, tòa thánh Cao Đài, còn có Lò Gò – Xa Mát, Dương Minh Châu…

"Đây là vùng đất tôi đã đến rất nhiều lần, ở lại rất lâu và nhận thấy tên gọi “vùng đất thánh” hoàn toàn đúng"- ông Hà Văn Siêu nhận định.

Chủ tịch UBND Tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc thăm các gian hàng của địa phương tại phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội.

Chủ tịch UBND Tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc thăm các gian hàng của địa phương tại phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội.

Khái quát những tiềm năng to lớn của du lịch Tây Ninh, bà Trần Nguyện- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun World (Tập đoàn Sun Group) nhấn mạnh: “Với 95 di tích được xếp hạng, 8 di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là rất nhiều điểm đến tâm linh nổi tiếng như Núi Bà Đen, tòa thánh Cao Đài, ẩm thực phong phú, thiên nhiên đa dạng, văn hóa giàu bản sắc với hơn 40 lễ hội trong năm, Tây Ninh có nhiều thế mạnh để có thể phát triển đa dạng các loại hình du lịch mà nhiều điểm đến khác mơ ước”.

Tại buổi tọa đàm, ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ, Hà Nội và Tây Ninh có những điểm chung đó là dòng sản phẩm du lịch tâm linh.

"Hiện Hà Nội cũng có rất nhiều khu di tích, di sản liên quan đến tâm linh. Các quy hoạch, trục sản phẩm tâm linh, TP Hà Nội được đặc biệt quan tâm. Chúng tôi mong muốn quy hoạch và thu hút đầu tư để gắn kết, hoàn chỉnh chục từ Hồ Gươm, để khai thác các dòng khách không chỉ mùa lễ hội mà quanh năm, nên nhiều quy hoạch được triển khai và thời gian tới, Hà Nội sẽ sớm có các sản phẩm mới" - Ông Trần Trung Hiếu chia sẻ.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Bảy, PGĐ Vietravel chi nhánh Hà Nội cho hay, tiềm năng du lịch của Tây Ninh nói riêng và cả vùng Đông Nam Bộ cũng như miền Nam nói chung rất thu hút lượng du khách từ Hà Nội, đặc biệt là khu vực miền Bắc. Ai cũng biết đến với Tây Ninh là đến với Núi Bà, đến với Tòa Thánh.

Về ẩm thực, vừa qua Tây Ninh cũng được ghi nhận 4 sản phẩm đặc trưng, trong đó có 2 sản phẩm chay là nem bưởi chay, thịt quay chay và 2 sản phẩm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng và bánh canh Trảng Bàng. Khi đến Tây Ninh, chắc chắn du khách sẽ được thưởng thức những đặc sản này. 131 món ăn vừa qua được Hiệp hội ẩm thực công nhận thì Tây Ninh có đến 4 món, một tỷ lệ rất cao. Hơn nữa, Tây Ninh rất thuận tiện di chuyển từ Tp. Hồ Chí Minh. Vietravel đang có 5 sản phẩm đến với Tây Ninh nhưng cũng có liên kết với các sản phẩm khác như Địa đạo Củ Chi, Bến Tre,..

Tọa đàm Để yêu Tây Ninh.

Tọa đàm Để yêu Tây Ninh.

"Nghe đến Vàm Cỏ Đông là chúng ta đã muốn đến Tây Ninh rồi. Chúng ta mới đạt 1 phần 600 của khai thác sinh thái thiên nhiên du lịch quốc gia nên đây cũng là tiền đề cơ sở để chúng ta phát triển mảng du lịch này. Ở góc độ kinh doanh du lịch, tôi nhìn thấy những điều này sẽ rất hấp dẫn, thôi thúc người Hà Nội nói riêng và người miền Bắc nói chung đến với Tây Ninh. Mùa đông mà đến với miền Nam thì chúng ta sẽ cảm giác rất ấm áp"- ông Phạm Văn Bảy nói.

Ngoài ra với lợi thế nằm sát ngay Campuchia, Tây Ninh hoàn toàn có thể khai thác được thị trường du khách nước bạn bằng đường bộ sang. Với dòng khách Ấn Độ, họ có văn hóa tâm linh rất đậm nét, gần với xu hướng đến với Núi Bà. Nếu Tây Ninh phát triển tốt cơ sở hạ tầng, các món ăn lại tương đồng với khẩu vị khách Ấn Độ, hệ thống nhà hàng khách sạn phù hợp thì lượng khách qua trạm trung chuyển Hà Nội hoặc TP. HCM để đến Tây Ninh sẽ tăng.

Nhiều tiềm năng chưa được khai phá

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, địa phương đang kỳ vọng sẽ nâng tầm không chỉ du lịch của Tây Ninh mà còn cả quốc gia để trở thành điểm đến quốc tế.

"Chúng tôi rất trân trọng mời gọi các bạn đến góp ý với du lịch Tây Ninh, kết nối với Tây Ninh bằng những chuyến du lịch rất cụ thể, phân khúc rất cụ thể. Chúng tôi sẽ nỗ lực để có đủ điều kiện tạo ra những sản phẩm mà ở đó tour du lịch không đề xuất mà người ta vẫn đòi ở lại. Đấy mới là du lịch bền vững" - ông Nguyễn Thanh Ngọc bày tỏ.

Lễ ký kết tại hội nghị.

Lễ ký kết tại hội nghị.

Để thu hút hơn nữa lượng khách tới Tây Ninh, theo ông Hà Văn Siêu, cần bám sát và định hướng thị trường. Khách hàng của chúng ta là du lịch tâm linh, du lịch về sinh thái, về văn hóa, về những nét đặc sắc của Tây Ninh từ đó tìm ra phân khúc thị trường của mình. Tỉnh cũng cần có các đột phá mạnh mẽ hơn nữa để đa dạng hóa sản phẩm để kéo dài thời gian trải nghiệm cho du khách.

"Khách xưa nay rất đông nhưng mà thời gian lưu trú chưa dài 1 đêm hoặc chưa được 1 đêm. Bây giờ phải kéo dài hơn 1 đêm, 2 đêm và phải giãn rộng ra, các sản phẩm phải tính bằng các hoạt động trải nghiệm của khách. Thời gian lưu lại chính là thời gian có những hoạt động không biết chán cả ngày và đêm. Còn nếu buổi đêm không có cái gì thì người ta chạy ù cái là về TPHCM. Tôi đề nghị là chúng ta phải tiếp tục đầu tư nâng cấp, đa dạng hóa sản phẩm du lịch theo hướng đi vào chiều sâu về sản phẩm du lịch đêm" - ông Hà Văn Siêu gợi ý.

Còn theo bà Trần Nguyện, tỉnh cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững, định vị du lịch văn hóa là thế mạnh của Tây Ninh, đồng thời, đẩy mạnh tăng cường thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ, vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng đồng bộ, hiện đại.

Văn hóa là thế mạnh riêng có, do đó Tây Ninh cần khai thác một cách bài bản và sâu hơn nữa thế mạnh này. Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu tâm phát triển hệ sinh thái du lịch tâm linh chữa lành. “Kê An Nhiên, Kê Thiên Nhiên cho tâm hồn” là một giải pháp để Tây Ninh khẳng định sự khác biệt và nâng tầm thế mạnh không ai có của mình”.

Về tiềm năng du lịch MICE (Du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), ông Đức Anh - Chủ tịch CLB MICE Việt Nam cho hay, Tây Ninh có cơ hội phát triển du lịch MICE vì vị trí địa lý gần TPHCM, Bình Dương. Đây là 2 thị trường du lịch MICE rất lớn. Khách Campuchia cũng có nhu cầu tổ chức sự kiện và chọn điểm đến Tây Ninh.

Du lịch MICE hiện rất đa dạng sản phẩm, trong đó có cả những hoạt động sự kiện lễ hội. Nếu lịch trình sự kiện được công bố rõ ràng công khai thì các công ty tổ chức sự kiện sẽ dựa vào đó để mang khách của họ đến Tây Ninh, biến sản phẩm của mình thành sản phẩm du lịch MICE kết hợp lễ hội, nơi khác khó có được.

Ngoài ra, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát có thể tổ chức các tour trekking xuyên rừng. Khách từ Bình Dương, TP HCM, Campuchia sẽ có nhiều sự lựa chọn, đến Tây Ninh hội họp 1 buổi và có 1 buổi trong rừng. Hoặc tổ chức đua thuyền tại sông Vàm Cỏ Đông cũng là ý tưởng tốt để bổ sung vào du lịch MICE tại Tây Ninh...

Để đóng góp cho sự phát triển của du lịch Tây Ninh, ngoài những công trình hiện tại, ngoài những cảnh quan liên tục thay đổi theo tháng để du khách trở lại thấy mới, trong tháng Giêng năm 2024, Sun Group sẽ tiếp tục ra mắt Tượng Phật Di Lặc cao 36m, bên trong có phòng họp sức chứa hơn 1.000 người và cây cầu may. Tượng Phật Di Lặc tượng trưng cho sự an nhiên, những điều tốt đẹp và hướng về hồ Dầu Tiếng, còn sau lưng là thác nước nhân tạo có thể trở thành thác nước nhân tạo lớn nhất thế giới. Ngoài ra, đơn vị này sẽ trồng khu vườn bồ đề với diện tích 11ha và cả các sản phẩm về đêm để phục vụ du khách khi đến với Núi Bà.

T.Linh

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/tay-ninh-diem-den-con-nhieu-tiem-nang-khai-mo-20231007163957517.htm