Tây Ninh: Kiểm tra định kỳ, đột xuất để bảo vệ môi trường trên suối Bà Sự

Sở Tài nguyên-Môi trường sẽ phối hợp chính quyền, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất các doanh nghiệp, nếu phát hiện xả thải chưa qua xử lý sẽ kiên quyết xử lý theo quy định.

Suối Bà Sự dẫn nguồn nước ô nhiễm đổ trực tiếp vào sông Vàm Cỏ Đông, đoạn tiếp giáp biên giới Campuchia. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)

Suối Bà Sự dẫn nguồn nước ô nhiễm đổ trực tiếp vào sông Vàm Cỏ Đông, đoạn tiếp giáp biên giới Campuchia. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)

Nhiều hộ dân ở ấp Hòa Bình, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên suối Bà Sự kéo dài nhiều năm, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống, sinh hoạt.

Ông Huỳnh Văn Dũng, 53 tuổi, ngụ ấp Hòa Bình, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, cho biết nhiều năm nay dòng nước trên suối Bà Sự thường xuyên chuyển sang màu đen, đục. Trên mặt nước xuất hiện nhiều bọt khí và lớp màng màu trắng, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Có thời điểm các loại thủy sản như tôm, cá, ốc... bị chết hàng loạt do nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Nguồn nước còn làm cho nhiều diện tích canh tác lúa, hoa màu của người dân bị hư hại.

Cũng theo ông Huỳnh Văn Dũng, suối Bà Sự bị ô nhiễm do ảnh hưởng của nhiều nguồn thải từ hoạt động dân sinh phía đầu nguồn và nước thải từ hoạt động sản xuất sản xuất tinh bột sắn trên địa bàn.

Ông Huỳnh Văn Dũng kiến nghị các cấp chính quyền địa phương, ban ngành liên quan sớm vào cuộc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp, xử lý nước thải theo đúng quy định trước khi thải ra môi trường, không gây ô nhiễm để tránh thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp và đảm bảo sức khỏe người dân.

Anh Trương Chiến Trường, 41 tuổi, ngụ ấp Hòa Bình, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, chia sẻ hiện tượng ô nhiễm nguồn nước trên suối Bà Sự đã tồn tại khoảng 10 năm nay, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của gia đình. Nguồn nước tại suối Bà Sự bị ô nhiễm, tôm cá gần như không còn, cây lúa và hoa màu bị thối rễ, úng phần thân và chết dần, dẫn đến thiệt hại nặng cho bà con nông dân.

 Suối Bà Sự bị ô nhiễm nghiêm trọng, dòng nước chuyển thành màu đục, nổi nhiều bọt, bốc mùi hôi thối.(Ảnh: Minh Phú/TTXVN)

Suối Bà Sự bị ô nhiễm nghiêm trọng, dòng nước chuyển thành màu đục, nổi nhiều bọt, bốc mùi hôi thối.(Ảnh: Minh Phú/TTXVN)

Tương tự, bà Lê Thị Thanh, 67 tuổi, ngụ ấp Hòa Bình, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, cho biết tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề tại suối Bà Sự khiến cho cuộc sống của gia đình và người dân sinh sống tại ấp bị đảo lộn. Mỗi khi có gió bấc thổi vào nhà, nguồn nước từ suối Bà Sự bốc mùi nặng hơn, nhất là lúc nửa đêm đến gần sáng. Khi hít phải mùi hôi từ nguồn nước ô nhiễm trên suối Bà Sự, nhiều người bị chóng mặt, buồn nôn, khi ăn cơm phải đóng cửa để hạn chế mùi hôi.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh Đào Nguyên Vũ cho biết sau khi nhận được thông tin của phóng viên TTXVN về tình trạng ô nhiễm môi trường trên suối Bà Sự, Phòng đã phối hợp với chính quyền xã Hòa Hiệp, tổ chức khảo sát thực tế nhiều lần, ghi nhận trong nhiều thời điểm, chất lượng nước trên suối Bà Sự chưa đảm bảo do nhiều nguồn thải từ hoạt động dân sinh và các hoạt động sản xuất.

Đoàn kiểm tra đã làm việc với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất gần suối. Qua buổi làm việc, các doanh nghiệp cũng đã có báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất, xử lý và xả nước thải đã qua xử lý ra môi trường, theo giấy phép được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, qua kiểm tra các doanh nghiệp cơ bản đã thực hiện đúng theo giấy phép được cấp.

Đoàn công tác của huyện Tân Biên cũng đã nhắc nhở doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất và xử lý nước thải; đối với các bức xúc của người dân, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Biên đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân huyện có báo cáo tổng thể cho các cơ quan chuyên môn để có giải pháp xử lý trong thời gian tới.

Ông Trần Khắc Phục, Trưởng phòng Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, cho biết từ đầu năm đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai Kế hoạch Bảo vệ môi trường nguồn nước sông, suối, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, định kỳ cử cán bộ kiểm tra, khảo sát ở các lưu vực sông và tại suối Bà Sự, tuy nhiên không phát hiện các công ty sản xuất tinh bột sắn trên địa bàn xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, xả thải trộm gây ô nhiễm môi trường.

Các doanh nghiệp trên địa bàn xã Hòa Hiệp đều đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo phương án cột A, được Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh cấp Giấy phép môi trường.

 Suối Bà Sự trên địa bàn ấp Hòa Bình, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, xuất hiện lớp màng dày, màu trắng đục, bốc mùi hôi thối. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)

Suối Bà Sự trên địa bàn ấp Hòa Bình, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, xuất hiện lớp màng dày, màu trắng đục, bốc mùi hôi thối. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp chính quyền địa phương và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường tăng cường công tác thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất đối các doanh nghiệp, nếu phát hiện việc xả thải chưa qua xử lý ra môi trường sẽ kiên quyết xử lý theo đúng quy định.

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị người dân khi phát hiện doanh nghiệp xả thải chưa xử lý ra môi trường, cung cấp thông tin qua đường dây nóng của Sở để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh Nguyễn Ngọc Trỗi cho biết từ năm 2023 đến nay, Ủy ban Nhân dân huyện Tân Biên đã tiến hành kiểm tra nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện và đã đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 3 trường hợp vi phạm, với số tiền trên 1,1 tỷ đồng. Tỉnh cũng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra xử phạt 1 trường hợp với số tiền 209 triệu đồng.

Để đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, thời gian tới Ủy ban Nhân dân huyện Tân Biên sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các vi phạm về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện; kịp thời phát hiện các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước sông, suối, kênh rạch để có biện pháp xử lý tại nguồn.

Đồng thời, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và người dân trong công tác bảo vệ môi trường gắn với tăng trưởng xanh, bền vững; tăng cường vai trò giám sát, phối hợp với người dân và các cơ quan quản lý địa phương đối với doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tay-ninh-kiem-tra-dinh-ky-dot-xuat-de-bao-ve-moi-truong-tren-suoi-ba-su-post971392.vnp