Tây Ninh nâng cao toàn diện chất lượng xuất bản

Tỉnh Tây Ninh luôn coi công tác xuất bản là bộ phận có vị trí quan trọng trong công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng để truyền bá, bảo vệ, phát huy và góp phần khẳng định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng toàn xã hội và tham gia phổ biến, đưa đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào đời sống xã hội.

CHĂM LO, PHÁT TRIỂN NHU CẦU VĂN HÓA ĐỌC

Quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”, các cấp ủy đảng và cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh Tây Ninh nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xuất bản, xem đây là lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và khoa học; xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam, hình thành xã hội học tập.

Thiết thực triển khai Chỉ thị số 42-CT/TW, các cấp ủy, chính quyền chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm. Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện cấp giấy phép trực tuyến trên mạng Internet (mức độ 4) đối với thủ tục hành chính của ngành Thông tin và Truyền thông. Việc giải quyết các thủ tục hành chính đảm bảo đúng quy định, rút ngắn thời gian cấp phép, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tỉnh đã ban hành bộ thủ tục hành chính bổ sung các thủ tục hành chính, các văn bản quy phạm pháp luật về xuất bản lên trang thông tin của Sở Thông tin và Truyền thông, tích hợp trên Cổng thông tin điện tử tỉnh.

Công tác chăm lo, phát triển nhu cầu văn hóa đọc được quan tâm thực hiện. Hằng năm, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, các cơ quan chuyên môn của tỉnh tổ chức Ngày Hội sách hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc, xây dựng các gian hàng trưng bày và bán sách. Thư viện tỉnh tổ chức các cuộc thi tại phòng đọc với nhiều thể loại khác nhau như: Thi hái hoa dân chủ với chủ đề:“Môi trường và thiên nhiên”; “Vui đọc sách”; “Chương trình đố em”; thi kể chuyện sách chủ đề:“Gương sáng người xưa và nay”. Thư viện tỉnh và các huyện duy trì các cuộc trưng bày giới thiệu sách, tổ chức hội thi kể chuyện sách, hội thi vẽ tranh theo sách, hội thi công nhân giới thiệu sách, duy trì chương trình giới thiệu sách mới trên đài truyền thanh huyện, thành phố.

Hiện nay, Thư viện tỉnh Tây Ninh có trên 220.000 bản sách, trên 40 loại báo, tạp chí các loại. Đến nay, bình quân hằng năm, Thư viện tỉnh đã cấp thẻ cho 2.878 bạn đọc/năm, có 196.110 lượt người/năm đến thư viện và đã đọc 538.149 lượt tài liệu/năm). Toàn tỉnh có 9 thư viện huyện, thành phố, trung bình mỗi thư viện có trên 17.000 bản sách và 25 loại báo, tạp chí các loại. Hằng năm, mỗi thư viện huyện, thị xã, thành phố đều thực hiện việc bổ sung từ 400 đến 500 bản sách; 94/94 xã, phường, thị trấn có tủ sách cơ sở có 300 đến 400 bản sách, có chế quản lý và sử dụng sách riêng; hợp nhất Tủ sách pháp luật (thực hiện theo Quyết định số 1067/QĐ-TTg, ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ), sách của Đề án trang bị cho xã, phường, thị trấn (thực hiện theo Thông báo số 396-TB/TW của Ban Bí thư (khóa X) và sách trang bị tại điểm bưu điện - văn hóa xã thành “Tủ sách ở cơ sở”. Toàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu nội dung sách đến chi bộ, đảng viên, các cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân biết, tìm đọc. Riêng một số xã điểm xây dựng nông thôn mới, hiện nay, có nơi tủ sách có trên 1.000 bản sáchvà hàng trăm tủ sách của ngành, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang… Tất cả những công tác trên đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh.

Thư viện tỉnh đã phát hành, luân chuyển sách đến trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng các xã xây dựng nông thôn mới, thư viện dân lập, tủ sách đồn biên phòng, tủ sách lực lượng vũ trang. Trung tâm Văn hóa Tổng hợp cung cấp cho hệ thống thư viện tỉnh, huyện, thị 7.273 tên sách, tổng số bản sách là 33.585 bản; giao cho các thư viện trường học cấp I, II vùng sâu, biên giới với 200 điểm trường gồm 552 tên sách, số lượng 41.387 bản. Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay có 20 xã biên giới của tỉnh được tiếp nhận ấn phẩm văn hóa từ chương trình mục tiêu Quốc gia cấp, bình quân khoảng 100 bản sách/xã/năm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, có 2 đơn vị được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động xuất bản lọai hình báo in là Báo Tây Ninh và Tạp chí Văn nghệ Tây Ninh; 3 cơ sở in là Công ty CP in Hoàng Lê Kha Tây Ninh; Công ty TNHH MTV Hiếu Ninh, Doanh nghiệp sản xuất thương mại dịch vụ Vạn Hương, 1 đơn vị phát hành xuất bản phẩm là Công ty CP Sách - Thiết bị giáo dục Tây Ninh; 135 cửa hàng bán sách (đa số là cơ sở kinh doanh hộ gia đình).

Các hoạt động phát hành xuất bản ấn phẩm theo đúng định hướng, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động trong xã hội, góp phần vào sự phát triển văn hóa đọc của tỉnh.

HOẠT ĐỘNG XUẤT BẢN, IN, PHÁT HÀNH CHẤP HÀNH ĐÚNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

Trong thời gian qua, việc xuất bản tài liệu không kinh doanh của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh chấp hành đúng quy định của pháp luật trên lĩnh vực xuất bản, chưa có trường hợp sai sót về quan điểm chính trị. Các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực phát hành thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, giúp người dân tiếp cận được những xuất bản phẩm có tính giáo dục, tuyên truyền, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tỉnh.

Trong 20 năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Sở Thông tin và Truyền thông đã quản lý, thẩm định và cấp phép xuất bản những tài liệu mang tính lưu hành nội bộ (không kinh doanh) của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh có nhu cầu xuất bản dưới dạng nội san chuyên ngành, áp phích, tờ bướm, kỷ yếu, tài liệu hỏi - đáp; các công trình nghiên cứu về lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương, các xã anh hùng trên địa bàn tỉnh, nhằm phục vụ công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, phổ biến pháp luật, giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân.

Trong tỉnh, 2 đơn vị được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động xuất bản lọai hình báo in là Báo Tây Ninh và Tạp chí Văn nghệ Tây Ninh đảm bảo hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Từ năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương phát hành Báo Tây Ninh đến các tổ dân cư tự quản ở 20 xã biên giới, giúp cho người dân nơi đây nắm bắt được những thông tin thiết yếu trong đời sống xã hội, lượng phát hành tăng lên 7.500 tờ/kỳ. Đến năm 2015, phát hành Báo Tây Ninh đến tất cả các tổ dân cư tự quản trên địa bàn tỉnh, với số lượng là 11.790 tờ/kỳ, nâng tổng số lượng phát hành của Báo Tây Ninh lên 15.000 tờ/kỳ. Hiện nay, mỗi năm, Báo Tây Ninh phát hành khoảng 204 kỳ báo với số lượng bình quân 14.000 tờ/kỳ, 1 kỳ Báo Tây Ninh xuân phát hành dịp tết Nguyên đán hằng năm với số lượng 14.000 cuốn. Tạp chí Văn nghệ Tây Ninh duy trì phát hành định kỳ 2 tháng/1kỳ.

Về hoạt động in,trên địa bàn Tây Ninh có 3 cơ sở được cấp giấy phép hoạt động in theo quy định. Trong đó, Công ty cổ phần in Hoàng Lê Kha được trang bị công nghệ in tương đối đồng bộ cả 3 khâu, cơ bản đáp ứng nhu cầu in ấn các sản phẩm như: tài liệu, tập san, hóa đơn, giấy tờ biểu mẫu, thiệp cưới,… của các tổ chức và cá nhân trong tỉnh. Hai cơ sở in còn lại hoạt động nhỏ lẻ, không hiệu quả. Các cơ sở in ấn đầu tư thiết bị, công nghệ ngày càng hiện đại, trình độ tay nghề của công nhân được nâng cao, đáp ứng nhu cầu in trên địa bàn tỉnh; hoạt động in ấn tuân thủ theo đúng quy định Luật Xuất bản.

Về hoạt động phát hành, toàn tỉnh có 1 đơn vị là Công ty CP Sách - Thiết bị giáo dục Tây Ninh đăng ký phát hành xuất bản phẩm như: sách giáo khoa, sách tham khảo, thiếu nhi. Tuy nhiên do hoạt động không hiệu quả, hiện tại đơn vị đã ngừng phát hành sách giáo khoa, chỉ cung cấp thiết bị giáo dục trường học; 135 cửa hàng bán sách (đa số là cơ sở kinh doanh hộ gia đình). Các cơ sở phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh cơ bản thực hiện tốt các quy định của Luật Xuất bản về phát hành xuất bản phẩm. Hoạt động phát hành xuất bản phẩm theo đúng định hướng, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động trong xã hội, góp phần vào sự phát triển văn hóa đọc của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có tổ chức, cá nhân phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Công tác quản lý hoạt động xuất bản, in, phát hành, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm Luật Xuất bản được tăng cường; công tác thanh tra hoạt động xuất bản, in, phát hành và kiểm tra các loại văn hóa phẩm lưu hành trên địa bàn tỉnh được duy trì thường xuyên (trong 20 năm đã thực hiện 24 cuộc kiểm tra liên quan đến lĩnh vực xuất bản, in và phát hành). Qua kiểm tra cho thấy, việc chấp hành quy định của pháp luật đối với các cơ sở, in, phát hành xuất bản phẩm và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được thực hiện tương đối tốt.

Hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn, phổ biến Luật Xuất bản và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật cho chuyên viên phụ trách lĩnh vực thông tin và truyền thông cấp huyện, các cơ sở in và phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn... Thông qua định hướng, phổ biến kiến thức pháp luật cho các cán bộ công chức, viên chức, các đơn vị, hộ kinh doanh, từ đó những quy định của Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được chấp hành, thực hiện nghiêm và chặt chẽ.

NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM QUÝ BÁU

Từ kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ở Tây Ninh, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức đảng phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW gắn với giám sát, đôn đốc việc thực hiện.

Thứ hai, phát huy vai trò trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong thực hiện vai trò quản lý nhà nước về xuất bản, in ấn, phát hành trên địa bàn tỉnh; thường xuyên tổ chức các hoạt động kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp có biểu hiện sai phạm liên quan lĩnh vực xuất bản, in ấn, phát hành.

Thứ ba, phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là thường xuyên tổ chức các hoạt động trưng bày, luân chuyển sách về cơ sở; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, giới thiệu sách… góp phần duy trì, củng cố văn hóa đọc trong cộng đồng.

TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nên hoạt động xuất bản phải phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đảng ta luôn khẳng định mục tiêu văn hóa, tư tưởng, khoa học của hoạt động xuất bản và coi đó là tôn chỉ, mục đích mà các nhà xuất bản và hoạt động xuất bản phải đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, hoạt động xuất bản không đơn thuần chỉ là kinh doanh theo đuổi lợi nhuận, mà phải thực hiện mục tiêu văn hóa, tư tưởng, khoa học.

Hoạt động xuất bản, in ấn, phát hành tiếp tục được duy trì, nhưng phải đối mặt với cạnh tranh từ các loại hình truyền thông số trên Internet, mạng xã hội. Đối với các định hướng chuyển đổi, mặc dù các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng dịch chuyển việc xuất bản tài liệu không kinh doanh (bản giấy) sang xuất bản tài liệu không kinh doanh (bản điện tử). Tuy nhiên, hiện tại chưa có quy định chi tiết hướng dẫn việc cấp phép và phát hành xuất bản tài liệu không kinh doanh dưới dạng xuất bản phẩm điện tử... Đây chính là những yếu tố sẽ có tác động đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW.

Trong thời gian tới, toàn tỉnh Tây Ninh sẽ tiếptục triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư (khóa IX) và Công văn số 366-CV/TU, ngày 01/11/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”.

Thực hiện tốt chức năng của xuất bản, xem đó là bộ phận có vị trí quan trọng trong công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng để truyền bá, bảo vệ, phát huy và góp phần khẳng định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng toàn xã hội và tham gia phổ biến, đưa đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào đời sống xã hội.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung, xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền; tăng cường quản lý việc cấp giấy phép xuất bản; tăng cường phối hợp quản lý giữa cơ quan định hướng và cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động xuất bản, in và phát hành.

Tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động xuất bản, in và phát hành trên địa bàn tỉnh phát triển vững chắc trong cơ chế thị trường và có đủ năng lực thực hiện chức năng hoạt động tư tưởng - văn hóa kết hợp với kinh doanh xuất bản phẩm, nâng cao hiệu quả phục vụ văn hóa đọc của toàn xã hội.

Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên môn làm nhiệm vụ quản lý xuất bản, các doanh nghiệp, các cơ sở in và phát hành trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng hoạt động của thanh tra chuyên ngành trên lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng thương mại hóa, tư nhân hóa, xuất bản trái phép, vi phạm bản quyền tác giả, xuất bản, lưu hành, kinh doanh sách có chất lượng thấp, có quan điểm sai trái, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống thư viện công cộng, tổ chức nhiều hình thức hoạt động sinh động, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức để thu hút đông đảo bạn đọc, góp phần xây dựng nền nếp văn hóa đọc ngày càng có hiệu quả hơn ở từng địa phương.

Bảo Châu

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/tay-ninh-nang-cao-toan-dien-chat-luong-xuat-ban-156347